Theo kế hoạch này, Bộ Tài chính tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác “nhạy cảm”, dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều đơn thư tố cáo, khiếu nại, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.
Đáng chú ý, theo Quyết định số 2426, Thanh tra Bộ Tài chính sẽ tiến hành thanh tra tài chính doanh nghiệp, giá và quỹ tài chính tại một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng; một số tổng công ty tại TP. Hồ Chí Minh…, nhiều dự án xây dựng (gồm cả sử dụng vốn vay ODA).
Thanh tra những lĩnh vực có rủi ro cao
Theo ông Trần Huy Trường, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, ngay từ đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc khẩn trương hoàn thiện và lưu hành kết quả thanh tra, kiểm tra của những cuộc thanh tra đã thực hiện.
Bộ cũng yêu cầu tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ liên quan đến công tác thanh tra. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các đơn vị xây dựng đề cương, kế hoạch, triển khai thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch năm 2022, nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quản lý của ngành, phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Bộ Tài chính.
Theo ông Trường, thực hiện chỉ đạo, Thanh tra Bộ Tài chính cùng các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành trực thuộc đã quán triệt, thực hiện xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2022, đảm bảo bám sát định hướng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, gắn với nhiệm vụ, yêu cầu quản lý và tập trung vào những đơn vị “có rủi ro cao”.
Chánh Thanh tra Bộ Tài chính nêu rõ, Thanh tra của Bộ cùng các đơn vị có các chức năng thanh tra chuyên ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính, trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra và các nhiệm vụ đột xuất được giao nên chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra được nâng cao.
“Các kiến nghị đề xuất đều mang tính thiết thực, phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý điều hành tài chính ngân sách của Bộ Tài chính cũng như công tác quản lý tài chính của các đơn vị được thanh tra, kiểm tra”, - ông Trường cho biết.
Đi vào trọng điểm
Ông Trần Huy Trường cho hay, để công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng được nâng cao chất lượng, mang lại hiệu quả cao cho công tác quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023 của hệ thống thanh tra ngành Tài chính “sẽ đi vào những nội dung trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải”.
Cụ thể, theo Chánh Thanh tra, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
“Sẽ tập trung vào nơi có nhiều đơn thư tố cáo, khiếu nại, lĩnh vực nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc để phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng như: quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; tài chính công; tài sản công; quản lý sử dụng đất đai; đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản công; cổ phần hóa doanh nghiệp…”, - theo ông Trần Huy Trường.
Bộ Tài chính cũng có hướng dẫn tới Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2023.
“Theo đó, đối với thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính yêu cầu phải chú trọng vào việc: chống thất thu thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa; chú trọng các mặt hàng dễ gian lận về mã số hàng hóa; trị giá tính thuế”, - theo ông Trường.
Kiểm tra việc chi ngân sách
Đối với việc chi ngân sách, Bộ cũng sẽ tập trung thanh tra việc bố trí, giao dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán các khoản chi NSNN.
Đặc biệt chú ý các khoản chi hỗ trợ từ ngân sách, xác định các khoản chi ngân sách còn lãng phí, không hiệu quả.
“Thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu, nguồn kinh phí dự phòng, các khoản hỗ trợ từ ngân sách. Thanh tra công tác quản lý, sắp xếp, sử dụng tài sản công và các dự án có sử dụng quỹ đất tại địa phương”, - theo Chánh Thanh tra Bộ Tài chính.
Đồng thời, Thanh tra Bộ Tài chính cũng đặc biệt lưu ý tới các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, phải chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ.
Theo đó, các đơn vị phải tăng cường, tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc tổ chức, triển khai nhiệm vụ được giao…. Đặc biệt, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Đối với thanh tra chuyên đề, Bộ Tài chính cho hay, Thanh tra sẽ yêu cầu các đơn vị căn cứ vào yêu cầu quản lý và chỉ đạo điều hành của từng cấp, chú trọng xây dựng kế hoạch thanh tra các chuyên đề rộng và chuyên sâu nhằm tổng kết, đánh giá toàn diện từu cơ chế quản lý, điều hành, tới công tác quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí để có các kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và chấn chỉnh quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí.
Có một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng và tổng công ty ở TP.HCM
Theo Quyết định số 2426 của Bộ Tài chính, trong năm 2023, thanh tra ngành Tài chính sẽ tập trung thanh tra cả ngân sách địa phương, thanh tra tài chính bộ, ngành tại một số Bộ, ngành, địa phương theo kế hoạch được phê duyệt.
Trong đó, có thanh tra tài chính doanh nghiệp, giá và quỹ tài chính tại một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, một số Tổng công ty ở thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, theo Chánh Thanh tra Trần Huy Trường, thanh tra ngành Tài chính cũng sẽ thực hiện thanh tra vốn đầu tư xây dựng tại một số dự án (bao gồm cả dự án sử dụng vốn ODA), thanh tra hành chính tại một số cục hải quan, cục thuế; thanh tra việc chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại 3 tỉnh; thanh tra chuyên đề.