Biến động chính sách tiền tệ Việt Nam và chiến lược cao tay của Ngân hàng Nhà nước
© Ảnh : SBV/ BizliveThống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
© Ảnh : SBV/ Bizlive
Đăng ký
Chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam thay đổi tuỳ theo biến động từng giai đoạn. Có thời điểm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) từng tăng mạnh lãi suất điều hành trong năm 2008 và lại hạ 11 lần từ 15% xuống 6,25% giai đoạn 2012-2019.
Đúng như lời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại nghị trường Quốc hội vừa qua, NHNN đã luôn theo dõi sát và điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ ở mức độ phù hợp để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, lãi suất, thanh khoản hệ thống.
Những lần Việt Nam thắt chặt rồi nới lỏng tiền tệ
Tại Việt Nam, nhân chuyện “vòng xoáy” tỷ giá, lãi suất đang làm ‘nóng’ ngành ngân hàng, xuất hiện nhiều phân tích - từ các chuyên gia và cơ quan báo chí trong nước, cùng nhìn lại những lần NHNN thắt chặt rồi nới lỏng tiền tệ, hay thích ứng theo biến động từng thời kỳ.
Tuy nhiên, nhìn vào những điểm lên xuống và chính sách điều chỉnh từng thời kỳ, mới nhận rõ sự cao tay của NHNN, cơ quan quản lý phụ trách chính sách tiền tệ đất nước.
Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 hay cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn, nổi bật với sự suy giảm nghiêm trọng thanh khoản trên thị trường tài chính toàn cầu bắt nguồn do thị trường nhà đất bất động sản Hoa Kỳ sụp đổ.
Ngân hàng có lịch sử hơn 158 tuổi Lehman Brothers nộp đơn xin tuyên bố phá sản ngày 15/9/2008 để lại một khoản nợ khổng lồ gần 700 tỷ USD và gây ra sự hỗn loạn hệ thống tài chính thế giới, kéo theo cỗ xe kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng. Nhiều nhà kinh tế từng khẳng định, cuộc Đại suy thoái năm 2008 có thể được xem là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng năm 1929– 1939.
Tất nhiên, năm 2008 luôn được nhắc đến là năm ghi nhận mức lạm phát tăng cao kỷ lục (gần 23%). Cùng với tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến vấn đề lạm phát càng trở nên trầm trọng hơn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cũng đã buộc phải nâng lãi suất điều hành nhiều lần để kìm hãm đà tăng của lạm phát. Do đó, hoàn toàn có thể hiểu được các chính sách của NHNN Việt Nam ở thời điểm hiện tại khi thế giới đối mặt với nguy cơ suy thoái toàn cầu.
Ngày 30/1/2008, sau hơn hai năm không điều chỉnh, NHNN tăng lãi suất tái cấp vốn là 7,5%/ năm, lãi suất tái chiết khấu là 6%/ năm. Cũng trong năm 2008, ngày 19/5/2008, tăng thêm 5 -5,5 điểm % - đây lần tăng mạnh nhất. Cụ thể lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiếu khấu lần lượt được điều chỉnh lên 13%/ năm và 11%/ năm. Dù vậy, lạm phát năm đó vẫn ghi nhận con số 22,97% - mức cao kỷ lục.
Qua năm sau, Việt Nam quyết liệt kiểm soát lạm phát về dưới ngưỡng 20%, và thời điểm năm 2009 lạm phát đã hạ nhiệt, cả năm đạt 6,88%. Để hành động cụ thể, vào tháng 3/2009, Chính phủ công bố gói kích cầu và gói hỗ trợ lãi suất 4% đối với các doanh nghiệp đi vay, đồng thời giãn và giảm thuế, Ngân hàng Nhà nước cũng đồng thời giảm mạnh lãi suất chính sách xuống 7%. Do gói kích cầu đã làm cho mức tăng trưởng tín dụng lên tới 38% so với cùng kỳ, tạo áp lực lên lạm phát giai đoạn sau, tháng 10/2009, NHNN đã quyết định siết chặt tín dụng và thực hiện nâng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8%.
Ba năm kế tiếp, gói kích cầu chỉ mang lại kết quả ngắn hạn, lạm phát tăng mạnh trở lại, lần lượt là 9,19% (2010), 18,6% (2011), 9,21% (2012). Từ tháng 10/2010, NHNN liên tục nâng lãi suất điều hành tổng 6 lần từ 8% lên 15%.
Ở giai đoạn 2012 – 2019, NHNN thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng khi lạm phát đã được kiềm chế, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, giúp phục hồi nền kinh tế, cơ quan điều hành của Việt Nam đã quyết định 11 lần điều chỉnh hạ lãi suất điều hành từ 15% xuống 6,25% và duy trì ở mức thấp.
Bước sang hai năm 2020, 2021, để ứng phó với dịch bệnh và kích cầu tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành 3 lần liên tiếp trong tháng 3, tháng 5 và tháng 10/2020 từ 6,25% xuống còn 4% và duy trì nền lãi suất thấp, đồng thời giảm lãi suất cho vay, giãn nợ, cơ cấu lại nợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Từ quý II/2022, mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cũng đã bắt đầu có xu hướng tăng ở tất cả các kỳ hạn ngắn và dài khi các ngân hàng chịu nhiều áp lực từ thanh khoản, dù lãi suất điều hành phải tới tháng 9 mới bắt đầu tăng sau động thái tăng trần lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Hiện trần lãi suất huy động dưới 6 tháng đã quay về mức trước dịch và tương đương thời điểm 2014 (6%). Trong khi đó, lãi suất tái cấp vốn từ 5% lên 6% một năm, lãi suất tái chiết khấu từ 3,5% lên 4,5%, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các tổ chức tín dụng từ 6% lên 7% một năm.
“Lựa chọn chính xác”
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia đánh giá trong cuộc trao đổi với Doanh nghiệp và Kinh doanh rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện nay đã “lựa chọn chính xác” công cụ cần kiểm soát bằng mọi giá, đó là kiểm soát chặt tín dụng.
TS. Nghĩa phân tích, ở giai đoạn 2008 - 2011, tăng trưởng tín dụng không được kiểm soát, có thời điểm lên tới 30%. Nếu đã bỏ lỡ cơ hội kiểm soát tín dụng sẽ rất khó để kiểm soát tỷ giá hối đoái.
“Trong tất cả các giải pháp, “khóa vòi tín dụng” là giải pháp quan trọng nhất để ghìm tỷ giá, lãi suất, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu tăng cung tiền, lãi suất sẽ giảm, nhưng tỷ giá sẽ tăng mạnh hơn”, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia nêu quan điểm.
Cùng góc nhìn, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, cũng đánh giá cao các biện pháp điều hành của NHNN Việt Nam.
“Ngân hàng Nhà nước đã và đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình, phối hợp cả công cụ lãi suất và dự trữ ngoại hối cũng như biện pháp hành chính để ổn định tỷ giá bất chấp những thách thức hiện tại lớn hơn rất nhiều giai đoạn trước”, ông Báu bày tỏ.
CEO WiGroup cho rằng hiện vẫn phải chấp nhận co kéo linh hoạt giữa lãi suất và tỷ giá cho đến khi thị trường giảm bớt kỳ vọng vào việc tăng lãi suất của Fed.
“Điều này sẽ xảy ra khi một trong các dấu hiệu sau bắt đầu xuất hiện: lạm phát bắt đầu hạ nhiệt; kinh tế bước đầu suy thoái hoặc khu vực lao động xuất hiện sự tiêu cực”, ông Trần Ngọc Báu lưu ý.
CEO WiGroup dự báo thời điểm để những dấu hiệu này xuất hiện có thể phải chờ đến cuối năm nay hoặc chậm nhất đầu năm sau 2023.
Thanh khoản bớt căng thẳng
Có thể nói, sau cuộc họp của NHNN với lãnh đạo các ngân hàng thương mại cùng nhiều chính sách kết hợp, tình hình thanh khoản hệ thống ngân hàng thương mại đã bớt căng thẳng so với giai đoạn trước.
Điều này được thể hiện qua việc tỷ giá hạ nhiệt, lãi suất liên ngân hàng đi ngang và Ngân hàng Nhà nước giảm bơm tiền.
Như Sputnik đã dẫn báo cáo thị trường chứng khoán tháng 11 của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết Ngân hàng Nhà nước đã dừng bán USD do áp lực tỷ giá giảm.
“Tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong tháng 10 mặc dù giá USD trên thị trường quốc tế giảm là do Việt Nam có độ trễ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã dừng bán USD ổn định tỷ giá trong vài tuần qua”, Yuanta Việt Nam lưu ý.
Theo Chứng khoán Yuanta, với việc tỷ giá USD/VND đi ngang, lãi suất liên ngân hàng xuống dưới 5%/năm, NHNN có điều kiện để phát hành tín phiếu hút tiền về thay vì phải liên tục bơm tiền hỗ trợ các ngân hàng.
Trong thời gian tới, nhóm phân tích của Yuanta tin tưởng xuất siêu ở mức cao, lũy kế 10 tháng đạt 9,4 tỷ USD, sẽ là yếu tố hỗ trợ thêm cho tỷ giá khi dự trữ ngoại hối đã giảm khoảng 21 tỷ USD trong thời gian qua. Đồng thời, áp lực tăng tỷ giá thời gian qua khá lớn và có dấu hiệu hạ nhiệt khi đồng USD trên thế giới giảm dần.
Cuối tuần qua, NHNN cũng đã điều chỉnh giảm giá bán USD với các ngân hàng xuống mức 24.860 đồng/USD, thấp hơn 10 đồng so với trước đó. Đáng chú ý, đây là lần giảm đầu tiên sau 6 lần điều chỉnh tăng liên tiếp của tỷ giá USD/VND từ đầu năm do NHNN niêm yết. Điều này cho thấy thị trường tiền tệ trong nước đã dần có dấu hiệu ổn định trở lại.
Đối với tình hình lạm phát năm nay, Chính phủ ước tính mục tiêu kiểm soát dưới 4% là khả thi. Các tổ chức trong và ngoài nước cũng nhận định tương tự. Tuy nhiên áp lực lạm phát trong năm 2023 là rất lớn. Ngoài ra có một biến số cần theo dõi là lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và dịch vụ y tế và giáo dục).
Thắt chặt tiền tệ
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) đề cập đến lạm phát cơ bản tháng 10 tăng 4,47% so với cùng kỳ. BSC lưu ý, CPI tăng 4,3% so với cùng kỳ trong tháng 10, là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2020 cho tới nay, đồng thời là mức tăng theo tháng cao nhất kể từ năm 2013. Trung bình CPI tăng 2,89% trong 10 tháng đầu năm 2022.
Chứng khoán BIDV cho rằng, tốc độ tăng của CPI cốt lõi vượt lên CPI cho thấy yếu tố đáng quan ngại về áp lực tăng giá của nhóm hàng hóa dịch vụ.
“Xu hướng này nếu duy trì trong thời gian tới sẽ tạo áp lực mạnh cho NHNN tăng tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ”, BSC nêu nhận định.
Đối với vấn đề này, nhóm chuyên gia của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, giá nhiều loại hàng hóa đang có diễn biến tăng mạnh trở lại, áp lực sẽ có lớn hơn trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2023 khi các dư địa về tài khóa để kiểm soát giá không còn nhiều như thời gian đầu năm 2022.
Theo BVSC, trong 2 tháng còn lại của năm 2022, chỉ số CPI của Việt Nam nhiều khả năng sẽ vẫn cao hơn 4%. Với mức tăng CPI trung bình 2,89% so với cùng kỳ trong 10 tháng đầu năm, BVSC dự báo lạm phát cả năm 2022 sẽ chỉ ở khoảng 3,1%-3,5%.
“Rủi ro về lạm phát sẽ vẫn cần phải theo dõi chặt chẽ trong năm 2023”, BVSC khuyến nghị.
SSI Research, trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng mới cập nhật cũng lưu ý, áp lực lạm phát vẫn hiện hữu, ít nhất là trong nửa đầu năm 2023.
“Do đó, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục thắt chặt tiền tệ trong thời gian tới”, nhóm phân tích dự báo và lưu ý, tín dụng cấp cho lĩnh vực bất động sản có thể vẫn sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ.
Giải trình trước Quốc hội vừa qua về chính sách tiền tệ của Việt Nam, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ và điều hành linh hoạt, đồng bộ với liều lượng vào các thời điểm hợp lý.