Chỉ chưa đầy một ngày sau chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hành động ngay, giúp nhanh chóng giải quyết khó khăn về tín dụng cho doanh nghiệp, người dân.
Thống đốc yêu cầu NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời qua các kênh, trường hợp cần thiết hỗ trợ với kỳ hạn dài hơn, kể cả kéo dài thời hạn qua Tết để các tổ chức tín dụng yên tâm hơn khi cấp tín dụng.
Đằng sau việc Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng
Tối 5/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bất ngờ phát đi thông báo cho biết, cơ quan điều hành đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Động lực đằng sau việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra quyết định nới room tín dụng là do tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng đã cải thiện hơn.
Sáng nay, như Sputnik đã thông tin, đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo đặc biệt đối với Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng tiến hành rà soát, phân loại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, lành mạnh, an toàn, bền vững.
Thủ tướng chỉ đạo NHNN nghiên cứu và “thực hiện ngay” việc nâng hạn mức tín dụng phù hợp, hiệu quả để vừa kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn.
Trong thông báo phát đi chiều 5/12, Ngân hàng Nhà nước nhắc lại, nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng, các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Nóng vấn đề thanh khoản toàn hệ thống
Thực tế, thanh khoản của nền kinh tế là vấn đề được quan tâm thời gian gần đây, trong đó kênh tín dụng ngân hàng luôn được bàn thảo nhiều.
Như Sputnik đề cập trước đó, đầu tháng 11, NHNN đã tổ chức cuộc họp khẩn với nhiều ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng liên quan đến vấn đề thanh khoản toàn hệ thống.
Việc họp khẩn là do các ngân hàng cho vay hiện đang đối mặt với nhiều áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ, điều kiện tín dụng, tăng lãi suất và các biến động khác.
Thông tin với báo chí ngay sau đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, toàn hệ thống, thanh khoản đang tốt và hiện dư thừa, việc Ngân hàng Nhà nước tổ chức một số cuộc họp với các ngân hàng thương mại để cùng nhau đánh giá, phân tích và xác định những điểm nghẽn của thị trường từ đó có giải pháp phù hợp.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị của các nhà kinh tế khu vực ASEAN hôm 25 tháng 11 cũng nhấn mạnh, hiện nay, Việt Nam phải ưu tiên xử lý vấn đề thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Thời gian qua, việc tăng cường đẩy mạnh nguồn cung cho vay cao trong giai đoạn nửa đầu năm khiến nhiều ngân hàng đã đạt trần tăng trưởng tín dụng, không thể đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp và người dân thêm nữa.
Bên cạnh đó, tình trạng hạn chế, dừng nhận hồ sơ cho vay, dừng giải ngân khiến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng, đầu tư của khách hàng cá nhân bị ảnh hưởngtrong bối cảnh thắt chặt tiền tệ và lãi suất tăng cao.
Nhiều chuyên gia cũng đã đề xuất việc nới room tín dụng để tạo dư địa cho các nhà băng mở rộng việc cho vay. Báo cáo của NHNN cho biết, tính đến ngày 25/11/2022, huy động vốn tăng 5,01% (VND tăng 3,81%, ngoại tệ tăng 18,34%); tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,14% (VND tăng 13,16%, ngoại tệ giảm 4,92%) so với cuối năm 2021.
Dữ liệu từ cơ quan điều hành cũng lưu ý, quy mô dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tính tới tháng 9 đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,05% so với cuối năm ngoái.
Như vậy, với việc nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay thêm 1,5-2%, ước tính quy mô tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm 156.000-200.000 tỷ đồng.
“Theo dõi sát diễn biến”
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Trong đó có cáclĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng ‘theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ’.
“Việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán”, NHNN nhấn mạnh.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời qua các kênh, trường hợp cần thiết hỗ trợ với kỳ hạn dài hơn, kể cả kéo dài thời hạn qua Tết để các tổ chức tín dụng yên tâm hơn khi cấp tín dụng.
“Đây là những giải pháp linh hoạt trong tình hình hiện nay”, NHNN nêu rõ.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ bám sát những dự báo, tình hình, đặc biệt là diễn biến của lạm phát để xây dựng chỉ tiêu định hướng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng năm 2023.