Theo thông tin từ ban tổ chức, khu vực Triển lãm năm nay có tổng diện tích hơn 50.000m2 với diện tích trưng bày trong nhà và ngoài trời.
Bố cục triển lãm gồm khu vực ngoài trời trưng bày các khí tài quân sự của Quân đội Nhân dân Việt Nam và khu vực trong nhà bày gian hàng của các doanh nghiệp sản xuất vũ khí.
Các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí trưng bày tại không gian ngoài trời.
Các sản phẩm của Việt Nam trưng bày, giới thiệu tại Triển lãm sẽ bao gồm các sản phẩm do các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng (Tổng cục CNQP, Quân chủng PK-KQ, Quân chủng Hải quân, Học viện KTQS, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội và các công ty thương mại, dịch vụ của Bộ Quốc phòng) và Bộ Công an (Cục Công nghiệp an ninh) nghiên cứu, chế tạo.
Chiếc máy bay EADS CASA C-295 của Lữ đoàn Không quân 918 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân được đưa đến khu trưng bày ngoài trời.
EADS CASA C-295 là một loại máy bay vận tải quân sự chiến thuật hai động cơ, do hãng Airbus Military, trụ sở tại Tây Ban Nha, chế tạo. Mẫu C-295 đầu tiên bay thử năm 1997 và được chào bán năm 2001.
Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport trưng bày ở Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 tại Hà Nội các máy bay không người lái Nga (UAV), bao gồm máy bay không người lái kamikaze (cảm tử) cũng như máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm Su-57E phiên bản xuất khẩu.
Các quân nhân Việt Nam thích thú tìm hiểu về các loại súng của Nga trong gian trưng bày của Rosoboroexport
Mô hình tiêm kích Su-35S của Nga được trưng bày tại triển lãm.
Brahmos mang đến loại tên lửa hành trình siêu thanh ứng dụng công nghệ tàng hình có thể phóng từ tàu, tàu ngầm, máy bay hay các trạm phóng lưu động trên mặt đất, được phát triển dựa trên sự hợp tác nghiên cứu giữa Nga và Ấn Độ.
Các doanh nghiệp quốc phòng trong nước và quốc tế đã mang đến triển lãm trưng bày, giới thiệu các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, trang bị sử dụng cho lực lượng Hải quân, Lục quân, Phòng không - Không quân, tác chiến không gian mạng và các trang thiết bị hậu cần, kỹ thuật.
Vũ khí trang bị nghiệp vụ, công nghệ hỗ trợ, công nghệ tuần tra, kiểm soát an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy bằng nghiệp vụ hậu cần... cũng được trưng bày tại triển lãm.
Các quan khách quốc tế ghé thăm gian hàng trưng bày của Viettel
Một chiếc UAV tại gian trưng bày của Viettel.
Nhiều vũ khí, khí tài hiện đại cũng được các đơn vị trong và ngoài nước mang đến để trưng bày phục vụ Triển lãm.
Theo thống kê, hơn 170 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến từ 30 quốc gia trong khu vực ASEAN, châu Á, châu Âu, châu Mỹ đăng ký gian hàng trưng bày tại triển lãm. Đồng thời, 45 đoàn quốc tế chính thức đăng ký sang thăm Việt Nam và dự sự kiện.
Lực lượng quân sự tham gia bảo vệ triển lãm cùng với chó nghiệp vụ. Triển lãm mở cửa từ 9 giờ đến 18 giờ trong 3 ngày 8 - 10/12. Người dân có thể tham quan triển lãm miễn phí từ 14 giờ đến 18 giờ ngày 9/12 và 10/12.