Sau thời kỳ tăng vọt, thu ngân sách của Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại

Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước (NSNN) 11 tháng năm 2022 rất khả quan với số thu đạt 1.638,9 nghìn tỷ đồng, vượt 16,1% so với dự toán và cao hơn số ước thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 vừa qua.
Sputnik
Bộ Tài chính cũng lý giải nguyên nhân vì sao thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, đồng thời chỉ ra một số áp lực tác động khiến thu NSNN đang có dấu hiệu chững lại.

Thu NSNN tăng vọt

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, khoản thu nội địa 11 tháng năm 2022 ước đạt 1,3 triệu tỷ đồng, bằng 110,5% dự toán, tăng 13,5% so cùng kỳ năm 2021.
“Thu từ dầu thô ước đạt 68.970 tỷ đồng, bằng 144,6% dự toán, tăng 77,6% so cùng kỳ năm 2021 do giá dầu thô những tháng đầu năm 2022 tăng cao”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập 11 tháng năm 2022 ước đạt gần 263.500 tỷ đồng, bằng 132,4% dự toán, tăng 25,1% so cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam lập kỷ lục xuất nhập khẩu: Ngôi sao đang lên
Tính đến hết tháng 11, có 10 khoản thu vượt dự toán. Cụ thể, theo Bộ Tài chính, các khoản thu về nhà, đất đạt 136,1% do việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công từ những tháng cuối năm 2021 đã thúc đẩy thị trường bất động sản sôi động kéo dài đến những tháng đầu năm 2022.
Báo cáo của cơ quan thống kê cũng đề cập đến một số dự án lớn chưa từng có trong các năm trước đây như Vinhomes Dream City Hưng Yên và dự án Đại An Hưng Yên nộp tiền sử dụng đất khoảng 27.700 tỷ đồng, thu từ hoạt động sổ xố kiến thiết đạt 110,7%.
Cạnh đó, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở 03 khu vực kinh tế (thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 104,3% dự toán, tăng 7,1%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 106,4% dự toán, tăng 10,2%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 111,6% dự toán, tăng 9,2%).
Về số thu trên địa bàn, ước tính có 60/63 địa phương thực hiện thu nội địa 11 tháng tiến độ đạt trên 95% dự toán; 50/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 13 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Lý do thu ngân sách vượt dự toán

Thông tin với báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, nhân tố đóng góp cho thu ngân sách vượt dự toán là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Nhờ đó, nền kinh tế có sự khởi sắc ấn tượng sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, GDP 9 tháng tăng 8,83%, mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây, ước cả năm tăng 8%.
Ông Cao Anh Tuấn lưu ý, các hoạt động sản xuất - kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng và trở lại trạng thái bình thường mới khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 11 tháng đầu năm đạt khoảng 194,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, hoạt động du lịch, vận tải hành khách và hàng hóa phục hồi mạnh mẽ.
ADB: Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7,5% năm 2022
Trong đó, một số ngành có đóng góp lớn cho NSNN duy trì mức tăng trưởng khá như: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,7%; ngành khai khoáng tăng 6,5%.
Bộ Tài chính đã tập trung rà soát, chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2022 để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2022 để kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Kết quả triển khai các chính sách đến hết tháng 11/2022, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được miễn, giảm, gia hạn khoảng 186,7 nghìn tỷ đồng (số tiền gia hạn khoảng 105,9 nghìn tỷ đồng; số tiền miễn, giảm khoảng 80,8 nghìn tỷ đồng).
“Mặc dù chịu tác động giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, song việc thực hiện các chính sách này đã có tác động tích cực thúc đẩy duy trì và mở rộng sản xuất – kinh doanh, đồng thời tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó tăng thêm nguồn thu cho ngân sách”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.
Ngoài ra, trong những tháng đầu năm, một số khoản thu có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2021.
Điển hình như đến hết tháng 4/2022, thuế thu nhập cá nhân tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhờ quyết toán thuế năm 2021 từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán,... nộp trong quý I/2022; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước tăng 32,6%; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước tăng 38,1%.
Đặc biệt, theo ông Tuấn, thu tiền sử dụng đất tăng 21,2% nhờ thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh, cơ quan thuế cũng đã tăng cường đôn đốc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và thu nợ đối với các dự án đã thực hiện giao đất và cho thuê đất trong năm 2021.
Hơn nữa, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh với tổng kim ngạch 11 tháng đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 13,4%; nhập khẩu tăng 10,1%.
Kết hợp với giá các mặt hàng xăng, dầu và một số hàng hóa xuất, nhập khẩu có thuế tăng mạnh, như kim ngạch nhập khẩu than tăng 78%; dầu thô tăng 57%; xăng, dầu thành phẩm tăng 116%; sắt thép tăng 6,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 23,7%; kim ngạch xuất khẩu hoá chất tăng 66%; phân bón tăng 1.134%; than tăng 99,7% so với cùng kỳ năm trước.
TP Hồ Chí Minh chưa khai thác tới 50% các cơ chế, chính sách đặc thù được hưởng
“Qua đó, đã góp phần tăng thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất, nhập khẩu”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Tài chính chỉ ra một nhân tố nữa đóng góp cho tăng thu đó là nỗ lực rất lớn của cơ quan thuế, hải quan trong thời gian qua đã tăng cường các biện pháp quản lý thu, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại, chống thất thu.
Theo đó, tính đến cuối tháng 11, cơ quan Thuế đã thực hiện 60,53 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó kiến nghị xử lý tài chính 54,44 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nộp NSNN khoảng 13,23 nghìn tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã thực hiện hơn 2,8 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý thu vào NSNN khoảng 394 tỷ đồng.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng tăng cường cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử, rà soát những nguồn thu có tiềm năng để đưa vào quản lý thu, như: hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới, hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Triển khai cung cấp các dịch vụ điện tử cho người nộp thuế trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho người nộp thuế là cá nhân, hộ kinh doanh. Nhà chức trách cũng triển khai Cổng thanh toán điện tử dành riêng cho các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện quyền kê khai, nộp thuế khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
“Từ nay đến hết năm 2022, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, gian lận thương mại, đôn đốc xử lý nợ đọng thuế, thu vào NSNN các khoản phải thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho hay.
Ông Tuấn nêu rõ, Bộ Tài chính phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ở mức cao nhất, góp phần đảm bảo vững chắc cân đối NSNN, đảm bảo nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn cải cách tiền lương theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và các nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội quan trọng, cấp bách khác.

Dấu hiệu chững lại

Nhận định về các diễn biến hiện nay và thời gian tới, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhận định, mặc dù thu ngân sách 11 tháng đã vượt dự toán, song đến nay một số ngành, lĩnh vực đã xuất hiện những khó khăn, thách thức.
Điều này là do chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao liên tục khi giá xăng, dầu tăng cao, đầu ra tiêu thụ chậm, hàng tồn kho lớn như ngành sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó đặc biệt là sắt thép thô (11 tháng 2022 giảm 16,6% so cùng kỳ).
“Một số ngành do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, nguồn nhiên liệu khan hiếm, thiếu hụt làm cho sản xuất trì trệ như: điện thoại di động giảm 6,1%; thức ăn cho thủy sản giảm 4,1%”, ông Tuấn lưu ý.
Đại diện Bộ Tài chính cho hay, mặc dù kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên áp lực từ sức ép lạm phát trên thế giới tăng cao, xung đột địa chính trị leo thang, khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác.
“Đây sẽ là những áp lực cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trong tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định.
Thảo luận