Năm 2022, nếu duy trì đà tăng trưởng cao hết quý 4/2022, dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt mốc kỷ lục 750 tỷ USD và xuất siêu lên tới hơn 11 tỷ USD. Như vậy, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng và động lực quan trọng đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Xuất nhập khẩu đạt kỷ lục và động lực quan trọng của nền kinh tế
Tổng cục Hải quan mới đây cho biết, đến tháng 12/2022 này tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 700 tỷ USD. Đây mốc cao kỷ lục, vượt con số 668,5 tỷ USD của năm 2021.
Đồng thời, vị thế của Việt Nam trong vai trò một trong những cường quốc xuất khẩu mới của thế giới ngày càng được nâng cao hơn.
Như Sputnik đã thông tin, Việt Nam là quốc gia có thứ hạng tăng trưởng xuất nhập khẩu vượt bậc trong số các nước ASEAN. Kể từ 2019, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore và vượt qua nhiều nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia về tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời, Việt Nam cũng liên tục duy trì vị thế của một quốc gia xuất siêu thay vì nhập siêu liên tục như giai đoạn khi mới bắt đầu công cuộc Đổi mới.
Trong bối cảnh thế giới vẫn còn chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraina chưa kết thúc và lạm phát cao ở nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác thương mại lớn của Việt Nam, là một nền kinh tế có độ mở lớn (tính theo kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa/GDP hiện nay tương ứng hơn 200%), Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố tác động từ bên ngoài này.
Đặc biệt là giá các loại nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, nhiều đơn hàng xuất khẩu giảm gần những tháng cuối năm, trái ngược hoàn toàn với thực tế các năm trước.
Tuy nhiên, vừa qua, căn cứ vào quy mô kim ngạch và tốc độ tăng trưởng hiện nay, Bộ Công Thương dự kiến vào giữa tháng 12, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước cán mốc 700 tỷ USD (tương tự số liệu Tổng cục Hải quan đã công bố). Nhiều dự báo cho thấy hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam năm nay sẽ lập thêm những kỷ lục mới, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt tới 750 tỷ USD và xuất siêu lên tới hơn 11 tỷ USD.
Có thể nói, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng nổi bật, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022.
Theo số liệu của cơ quan thống kê, có 3 lĩnh vực chính đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam gần một năm qua (theo số liệu tính tròn 11 tháng) thì nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn đứng đầu là động lực tăng trưởng khi chiếm tỷ trọng tới 86% tổng xuất khẩu cả nước.
Xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ lực trong nhóm này đều đạt tốc độ tăng trưởng cao trên 10%. Trong đó, phân bón các loại tăng gần 128%; hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng trên 30%; Túi xách, giày dép các loại tăng gần 40%; Hàng dệt và may mặc tăng 18,5%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 11%; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 27,5%; sản phẩm từ sắt thép tăng 20,6%; đá quý và kim loại tăng 34%; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 35%...
Đứng ngay sau là nhóm hàng nông - lâm, thủy sản chiếm khoảng 8,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều loại nông sản đã có sự gia tăng mạnh cả về lượng và giá trị như gạo, cà phê, cao su…Xuất khẩu thủy sản cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022 này.
Tăng trưởng xuất nhập khẩu kỷ lục do đâu?
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định, có 4 yếu tố quan trọng đóng góp vào kết quả tăng trưởng xuất, nhập khẩu năm 2022 của Việt Nam.
“Trước hết là chúng ta cũng đã sớm ổn định và phục hồi sản xuất sau khi kiểm soát được dịch Covid-19 từ quý 4 năm 2021 và việc chúng ta kiểm soát được dịch như vậy cũng như thúc đẩy phục hồi sản xuất sau dịch là động lực rất lớn để tạo ra nguồn hàng cho hoạt động xuất khẩu cũng như là việc chúng ta nhập khẩu nguyên liệu cần thiết để sản xuất các mặt hàng này”, - ông Hải nói.
Thứ hai, đây là thời điểm mà các hiệp định thương mại tự do đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã bắt đầu có hiệu lực và phát huy tác dụng của mình. Đặc biệt là với những khu vực thị trường mà Việt Nam chưa từng có FTA như Canada, Peru, Mexico… thì đây là động lực rất là tốt.
Một nguyên nhân nữa, theo báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam dẫn ý kiến đại diện Bộ Công Thương, đó là nỗ lực tạo thuận lợi cho thương mại và cải cách hành chính để hỗ trợ tối đa cho hoạt động xuất khẩu, trong đó có cả việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Cùng với đó, sự tăng trưởng đồng đều ở cả khối hàng công nghiệp cũng như nông sản thì cũng đã thể hiện rất rõ nỗ lực của các hiệp hội, doanh nghiệp đã tạo ra nguồn hàng và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường.
Tuy kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong năm 2022 có xu hướng chậm lại nhưng lại là nhóm hàng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu xăng dầu, than đá và các loại khoáng sản khác tăng cao do giá của các mặt hàng này tăng cao.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, để có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu cao và cho giá trị gia tăng lớn ở nhiều ngành hàng trong năm 2022 thì phải kể đến nỗ lực của doanh nghiệp trong khai thác các thị trường truyền thống cũng như tìm kiếm, mở rộng ra các thị trường mới.
“Bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống và có kim ngạch lớn nhất/nhì của Việt Nam là Hoa Kỳ và Trung Quốc thì nhờ khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP, xuất khẩu sang các thị trường này đã tăng bình quân khoảng 20%, trong đó nhiều thị trường mới trong khu vực có các FTA này đã tăng trưởng rất ấn tượng”, - ông Trần Thanh Hải chia sẻ.
‘Chiến binh thầm lặng’
Đánh giá về điểm sáng xuất khẩu Việt Nam, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, riêng ngành nông nghiệp ước năm 2022 lĩnh vực thuỷ sản ước đạt khoảng 9 triệu tấn, tăng khoảng 3,1% so với 2021 trong đó khai thác khoảng 3,8 triệu tấn và nuôi trồng khoảng 5,2 triệu tấn, tăng khoảng 7,5%.
“Về xuất khẩu thuỷ sản, chúng tôi ước tính đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng 12,5 % so với năm 2021, trong đó riêng về sản xuất trong nước nuôi trồng thủy sản tăng 7,5 %, nhập khẩu của thủy sản là gần 2,8 tỷ USD tăng 4 % thì cân đối giữa sản xuất trong nước cộng với nhập đang tăng 4% là hoàn toàn đáp ứng cân đối về vấn đề giữa nhập và sản xuất để chế biến và xuất khẩu”, - ông Duy nói.
Theo TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, ngành nông nghiệp như một “chiến binh thầm lặng” khi vừa đảm bảo ổn định nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của nền kinh tế (lương thực, thực phẩm, thịt gia súc gia cầm, rau quả…), qua đó góp phần quan trọng vào việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, đồng thời đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng xuất khẩu và ấn tượng xuất siêu của năm 2022.
Theo ông Bình, dự báo là kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp cho năm nay cũng có thể đạt con số hơn 50 tỷ USD. Và con số này đã đóng góp trực tiếp cho đảm bảo được thặng dư thương mại ở mức cao như của Việt Nam trong năm nay, và mức thặng dư thương mại này sẽ đóng góp trực tiếp cho việc giảm bớt được những sức ép đối với đồng tiền Việt Nam.
“Như vậy, chúng ta thấy rằng ngành nông nghiệp dường như là không liên quan trực tiếp đến ngành tài chính, tiền tệ, thế nhưng lại có đóng góp rất lớn ở góc độ như vậy”, - TS Lê Duy Bình lưu ý.
Thách thức
Mặc dù có kết quả tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng và là năm thứ 7 liên tục có xuất siêu, tuy nhiên, theo các cơ quan quản lý và chuyên gia, Việt Nam sẽ còn rất nhiều thách thức phải vượt qua để thúc đẩy tăng trưởng hoạt động xuất khẩu trong năm 2023 cũng như các năm tới trong bối cảnh hiện nay.
Riêng sản xuất công nghiệp phải đối mặt với việc thị trường bị thu hẹp bởi các áp lực lạm phát, kinh tế toàn cầu suy giảm, nhất là ở những thị trường đối tác lớn của Việt Nam dẫn đến tình trạng sụt giảm đơn hàng ở các ngành hàng xuất khẩu lớn như (dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ hay thậm chí là cả hàng thuỷ sản…) khiến cho nhiều doanh nghiệp phải giảm doanh thu, cắt giảm giờ làm, giảm lao động.
Đối với các thách thức sắp tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, tất cả những điều này tác động đến sản xuất, xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trên phạm vi toàn cầu.
Rất nhiều khu vực và rất nhiều quốc gia đã bộc lộ rất rõ sự đứt gãy của các nguồn cung, thế thì rõ ràng là thị trường thế giới ngày càng thu hẹp, ngày càng khó khăn, thì những điều đó dứt khoát sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam.
“Nền kinh tế của chúng ta hiện giờ có độ mở rất lớn, tới hơn 200%, thì mọi biến động của thế giới đều tác động đến chúng ta”, - Bộ trưởng Diên lưu ý.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU, Hoa Kỳ đang phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh khiến doanh nghiệp bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.
Cùng với đó là những rủi ro về thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và việc tiếp cận với các nguồn nguyên liệu để tận dụng ưu đãi thuế quan của các FTA - đòi hỏi Việt Nam phải có các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước, từng bước thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao và hiện thực hoá các mục tiêu Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá giai đoạn 2021-2030 đặt ra là phát triển xuất khẩu bền vững, xuất khẩu xanh gắn với kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Nhà chức trách cho rằng, cùng với việc rà soát các tồn đọng, tháo gỡ khó khăn ở những dự án công nghiệp lớn, có vai trò quan trọng để sớm đi vào vận hành nhằm tăng năng lực sản xuất, ngành Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất với giá cả phù hợp.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.
Các chuyên gia nhấn mạnh, trước hết cần tháo gỡ về vốn, khơi thông dòng tiền cho sản xuất, kinh doanh và tiếp tục có các chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng… cho doanh nghiệp; triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hoá thông qua các kênh hệ thống Thương vụ, đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách mới của từng thị trường và tháo gỡ các rào cản để đa dạng hóa thị trường; thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu và có cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tập trung khai thác tốt thị trường nội địa vẫn còn dư địa gia tăng, là trụ đỡ trong bối cảnh thị trường nước ngoài bị thu hẹp nhằm giữ ổn định sản xuất cho doanh nghiệp và bảo đảm việc làm cho người lao động trong chính nước mình.