Hai bên cũng bàn bạc về quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, tập trung vào thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, hợp tác an ninh, tình hình Biển Đông, nhân quyền, cách tiếp cận mới của EU với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo thông cáo được phía Việt Nam phát đi, trong khuôn khổ cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn với ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao EU về Chính sách An ninh và Đối ngoại, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã ca ngợi nền kinh tế Việt Nam năng động, đầy tiềm năng. Đồng thời khẳng định, EU coi trọng vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới.
Tình hình Ukraina, Biển Đông và chiến lược châu Á – Thái Bình Dương
Chiều nay, Bộ Ngoại giao, cổng thông tin Chính phủ, TTXVN cùng nhiều cơ quan báo chí trong nước bắt đầu đưa tin đậm nét về cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell.
“Nhân dịp Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) tại Vương quốc Bỉ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp với Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell”, - Bộ Ngoại giao cho biết.
Trước đó, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell cũng đã đăng tải lên trang Twitter cá nhân của mình về cuộc gặp với người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Cuộc gặp và hội đàm diễn ra trước thềm Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Liên minh châu Âu (EU) (EU ASEAN Summit).
Hai bên đã thảo luận về hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, hợp tác an ninh, Biển Đông, nhân quyền và chiến lược tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đáng chú ý, theo Borrell, ông đã cùng Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trao đổi quan điểm về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina cũng như tác động toàn cầu của nó trong bối cảnh thế giới hiện tại.
Qua hai bức ảnh được chính trị gia EU chia sẻ trên Twitter, có thể thấy không khí cuộc gặp giữa Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu với Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cởi mở và thân thiện.
Tạo xung lực mới cho quan hệ Việt Nam - EU
Về phía Việt Nam, Bộ Ngoại giao cho hay, hai bên bày tỏ hài lòng về những bước tiến tích cực trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực kinh tế tại cuộc gặp chiều qua.
Minh chứng rõ ràng nhất chính là tăng trưởng thương mại song phương. Theo đó, tính riêng trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã đạt 52 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2021. Về đầu tư, EU đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 5 tại Việt Nam.
Nhằm để tạo ra xung lực mới cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU trong thời gian tới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) nhằm mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp EU đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Bộ trưởng cũng đề nghị triển khai hiệu quả hơn nữa Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng thông qua Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu đề xuất EU tích cực xem xét, sớm gỡ "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam (IUU).
Coi trọng vị thế của Việt Nam
Phát biểu với người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam, đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell khẳng định, EU coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Lãnh đạo cấp cao EU cũng đánh giá Việt Nam là một nền kinh tế năng động và đầy tiềm năng. Cùng với đó, chính trị gia châu Âu này nhấn mạnh:
“EU rất coi trọng vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới”.
Ông Josep Borrell ủng hộ EVIPA sớm được phê chuẩn, cam kết EU sẽ tiếp tục phối hợp cùng Việt Nam tận dụng hiệu quả những cơ hội mà EVFTA mang lại để đưa quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-EU phát triển ngày càng sâu rộng và thực chất hơn trong thời gian tới.
Xuyên suốt cuộc gặp ngày 13/12, hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu tăng trưởng bền vững, triển khai các hoạt động Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, cùng đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, phát triển ở hai khu vực và trên thế giới.