Lừa kẹp tờ 500.000 đồng giả: Cách phân biệt tiền thật, tiền giả

Những ngày qua, tại Phú Yên, một số người dân phản ánh có tình trạng một số đối tượng khi mua hàng có hành vi cố tình kẹp tiền giả mệnh giá 500.000 đồng rồi yêu cầu thối lại để trục lợi.
Sputnik
Trước đó, Công an tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, thị trường gần đây xuất hiện một số loại tiền giả mệnh giá 500.000 và 200.000 đồng.
Nhà chức trách khuyến nghị, khi phát hiện tiền giả hoặc có người sử dụng, tiêu thụ, vận chuyển tiền giả, hãy thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Tiền giả 500.000 đồng ở Phú Yên

Ngày 15/12, Công an tỉnh Phú Yên cho biết đã mời một số đối tượng nghi sử dụng tiền giả để mua hàng hóa tại TP.Tuy Hòa lên làm việc.
Trước đó, người dân phản ảnh việc trong vài tuần gần đây, một số đối tượng chạy xe máy đến các cửa hàng tại TP. Tuy Hòa để mua hàng.
Những đối tượng này dùng tờ tiền thật 20.000 đồng đè lên tờ tiền nghi giả mệnh giá 500.000 đồng khi mua hàng hóa trên dưới 100.000 đồng, sau đó yêu cầu người bán thối lại.
Chị T.T.N., chủ một cửa hàng bán đồ mẹ và bé trên đường Lê Lợi (TP. Tuy Hòa) cho biết, tối 10/12, một người đàn ông chạy xe máy đến shop của chị để hỏi thông tin về bộ xếp hình Lego.
Sau khi được trả lời không có hàng, người đàn ông hỏi mua một cái mũ và một hộp khăn giấy ướt, rồi đưa tờ tiền 500.000 đồng, lấy tờ 20.000 đồng đè lên trên để chủ shop "dễ thối". Khi đưa tiền, người đàn ông này còn hỏi về rất nhiều loại sản phẩm, khiến người bán mất tập trung. Sau khi nhận được tiền thối, nam thanh niên rời đi nhanh chóng.

"Tối đó khi kiểm tra lại thì tôi phát hiện tờ tiền 500.000 đồng mà người đàn ông vừa đưa này hơi bất thường, khi vò bóp thì nhàu nhò như một tờ giấy chứ không bung ra như tờ tiền 500.000 đồng polymer. Nghi là tiền giả, tôi báo công an để điều tra vì lo ngại đối tượng này còn đi lưu hành tiền giả nhiều nơi, lừa người khác", - chị N. kể lại với Tuổi trẻ.

Chị L.T.T.P., nhân viên bán hàng một shop khác ở TP. Tuy Hòa, cho biết cũng gặp trường hợp một thanh niên vào cửa hàng chị mua hàng giá 110.000 đồng vài ngày trước.
Người thanh niên này đưa tờ tiền 500.000 đồng, lấy tờ 20.000 đồng đè lên trên, rồi đề nghị thối lại 410.000 đồng. Sau khi thanh niên này rời đi, nhân viên bán hàng mới phát hiện tờ 500.000 đồng khi vò thì nhàu nhò không như tờ tiền polymer thật.
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Phú Yên Trần Văn Trí khuyến cáo, người dân cần hết sức quan tâm đến những đặc điểm bảo an để phân biệt tiền thật, tiền giả của các loại tiền mà ngân hàng Việt Nam đã công bố, để tránh việc vô tình tiếp cận tiền giả, gây phương hại cho chính mình và vô tình tiếp tay cho những kẻ lưu hành tiền giả.

"Khi phát hiện tờ tiền nghi tiền giả, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng, tiếp cận các tổ chức tín dụng để chuyên viên tại đó phân biệt tiền thật, tiền giả", - ông Trí khuyến cáo.

Tổng kết 2024 và Dự báo 2025
Thành phố thứ 3 của Việt Nam thu ngân sách "khủng" trên 100 nghìn tỷ đồng

Công an hướng dẫn cách nhận biết loại tiền giả mới xuất hiện

Mới đây, Công an tỉnh Bắc Giang cũng thông tin cho biết, thị trường gần đây xuất hiện một số loại tiền giả mệnh giá 500.000 và 200.000 đồng. Để phân biệt tiền giả, người dân cần lưu ý một số đặc điểm sau:
Tiền giả polymer mệnh giá 500.000 đồng (seri UF, DQ) và 200.000 đồng (seri QH, KD) có hình ảnh, hoa văn không sắc nét; hình định vị không khớp khít; mực đổi màu (OVI) được in giả cùng hình ảnh hoa văn mặt trước.
Ngoài ra, loại tiền này không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật; mảng ký tự siêu nhỏ là dải mực nhòe; cửa sổ lớn, cửa sổ nhỏ có định dạng không rõ ràng, không cân đối; các cửa sổ được làm giả bằng cách khoét thủng nền giấy, dán nylon khu vực cửa sổ, phủ lớp nylon mỏng trên toàn bộ 2 mặt tờ tiền hoặc chỉ phủ lớp nylon mỏng ở mặt trước tờ tiền.
Đặc biệt, khi soi dưới đèn cực tím khu vực cửa sổ phát quang, seri dọc và seri ngang không phát quang.
Các loại tiền cũng chưa làm giả được các yếu tố bảo an như nét in nổi, hình bóng chìm, dây bảo hiểm, cụm số mệnh giá dập nổi trong cửa sổ lớn, hình ẩn trong cửa sổ nhỏ và mực không màu phát quang.
Công an tỉnh Bắc Giang đề nghị người dân, khi phát hiện tiền giả hoặc có người sử dụng, tiêu thụ, vận chuyển tiền giả, hãy thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Pháp luật quy định thế nào về tội phạm tiền giả?

Liên quan đến vấn đề tiền giả, luật sư Lê Xuân Thảo (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, một trong những vấn đề liên quan đến tiền tệ có tác động tiêu cực nhất chính là nạn tiền giả.
Tiền giả là loại tiền không phải do nhà nước phát hành, được tạo ra bởi các tổ chức, cá nhân với mục tiêu trục lợi bất hợp pháp. Để thực hiện hành vi sản xuất và lưu hành tiền giả, thông thường không chỉ có một cá nhân mà phần lớn được thực hiện bởi nhiều người, mỗi người ở một giai đoạn khác nhau.
Nạn nhân của nạn tiền giả chủ yếu là những thương nhân mua bán, trao đổi hàng hóa. Đáng lo ngại là không phải ai cũng có thể phát hiện được tiền mà họ sử dụng là tiền giả.
Điều 207, chương XVIII, Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định rất rõ mức xử phạt đối tượng vi phạm khi thực hiện hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.
Đặc biệt, ngoài việc xác định yếu tố cấu thành tội phạm, trường hợp xuất hiện thêm một số tình tiết tăng nặng, đối tượng vi phạm có thể phải chịu mức án tù chung thân. Cụ thể, luật quy định về Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả như sau:
1.
Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2.
Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3.
Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
4.
Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
5.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, hành vi sản xuất, lưu hành tiền giả là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ phải bị xử lý nghiêm khắc. Cơ quan chức năng sẽ đưa ra mức xử phạt thích hợp, dựa trên cơ sở căn cứ, xác định các yếu tố cấu thành tội phạm, tăng, giảm tùy thuộc vào quá trình điều tra, xác minh.
Ngân hàng Nhà nước bị o ép vào cuộc chiến không cân sức giữa USD và Đồng Việt Nam

“Việc nhanh chóng phát hiện, xử lý đối tượng vi phạm về hành vi sản xuất, bán tiền giả của cơ quan chức năng được dư luận đặc biệt quan tâm, ủng hộ, qua đó thực hiện hồi chuông răn đe, cảnh tỉnh đối với những đối tượng nào nếu có ý đồ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, - luật sư Thảo lưu ý.

Thảo luận