“Những bàn tay vàng” Việt Nam và Liên Xô đã làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”

Chỉ sau Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” một số cách đánh của lực lượng PKKQ Việt Nam mới được đưa vào sách giáo khoa quân sự của cả Việt Nam và Liên Xô cũng như được giữ bí mật tuyệt đối cho đến ngày nay.
Sputnik
Đất nước Việt Nam đang kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2022). Sau 12 ngày đêm (18-29/12/1972) chiến trận trên bầu trời miền Bắc, lực lượng phòng không không quân (PKKQ) Việt Nam đã đập tan cuộc tập kích chiến lược có một không hai trong lịch sử chiến tranh hiện đại thế kỷ XX. Chiến thắng lịch sử này đã minh chứng cho sức mạnh của tinh thần yêu nước và trí tuệ của quân đội nhân dân Việt Nam, dẫn tới việc quân xâm lược Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam vào ngày 27/1/1973.
NXB Công an Nhân dân vừa cho tái bản cuốn sách “Cuộc đọ sức và đấu trí cuối cùng trên bầu trời Hà Nội” nhân kỷ niệm sự kiện trọng đại này. Phóng viên Sputnik đã có cuộc trò chuyện với tác giả cuốn sách – Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự nổi tiếng của Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư liệu Khoa giáo (học viện Chính trị Công an Nhân dân, Bộ Công an). Câu chuyện xoay xung quanh những vấn đề liên quan tới trận “Điện Biên Phủ trên không” “lừng lẫy địa cầu” 50 năm trước và sự đóng góp vô giá của các chuyên gia quân sự Liên Xô.
Bìa cuốn sách “Cuộc đọ sức và đấu trí cuối cùng trên bầu trời Hà Nội”

Nhật ký chiến sự đầu tiên về “Chiến dịch phòng không 12 ngày đêm Tháng Chạp năm 1972”

Sputnik: Chúc mừng Đại tá Nguyễn Minh Tâm nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” và tái bản cuốn sách của ông “Cuộc đọ sức và đấu trí cuối cùng trên bầu trời Hà Nội”.
Thưa Đại tá, vì sao ông đã đặt tên như vậy cho cuốn sách của mình?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, tác giả cuốn sách “Cuộc đọ sức và đấu trí cuối cùng trên bầu trời Hà Nội”:
Đây là vấn đề quy luật của các cuộc xung đột bằng bạo lực vũ trang, của các cuộc chiến tranh, của các chiến dịch, các trận đánh. Để giành được thắng lợi thì sức mạnh vật chất tuy rất cần thiết nhưng chưa đủ. Cần phải có sức mạnh tinh thần, có sức mạnh của trí tuệ, có sức mạnh của niềm tin và sức mạnh của chính nghĩa nữa thì mới tạo nên sức mạnh tổng hợp và hoàn chỉnh. Chiến dịch phòng không của quân và dân Việt Nam lại các cuộc tập kích của Mỹ bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác trên miền Bắc diễn ra chỉ trong 12 ngày đêm nhưng đã biểu hiện đầy đủ quy luật ấy và trở thành một trong các chiến dịch phòng không đi vào lịch sử nhân loại nhờ sự kết hợp giữa hai yếu tố căn bản là TRÍ và LỰC.
Trước khi cuốn sách này ra đời lần đầu tiên bởi Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân cuối tháng 12/2007 thì chưa có một tài liệu nào ghi lại dưới dạng nhật ký chiến sự về “Chiến dịch phòng không 12 ngày đêm Tháng Chạp năm 1972”. Từ nhiều nguồn tài liệu có được của cả hai bên, chúng tôi đã tập hợp, sắp xếp lại để cho ra đời chương quan trọng nhất của cuốn sách “Nhật ký chiến sự”. Và để làm rõ những nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ chiến dịch này, những bài học rút ra cũng như giá trị của chiến công có một không hai của quân và dân Việt Nam, chúng tôi đã phân tích các sự kiện có liên quan, trong đó có cuộc “đấu trí” trên bàn Hội nghị Paris vào giai đoạn cuối. Việc phân tích một cách khách quan và sòng phẳng đã làm rõ sự tráo trở, lật lọng của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cùng với những âm mưu xảo quyệt, những hành động gây tội ác tàn bạo của chính quyền Nixon khi sử dụng máy bay chiến lược tấn công Thủ đô Hà Nội chỉ để nhằm mục đích buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải ký một bản Hiệp định Paris với các điều khoản bị sửa đổi sao cho có lợi cho Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn.
“Điện Biên Phủ trên không” thực sự đã là cuộc đọ sức và đấu trí cuối cùng trên bầu trời Hà Nội.
Chuyện đáng kinh ngạc
Sống mãi chiến thắng ''Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không''

Không quân Mỹ đã dùng các loại máy bay cường kích chiến thuật hiện đại nhất

Sputnik: Trong 12 ngày đêm mùa Đông tháng 12/1972 đó, không quân Mỹ dùng các loại máy bay cường kích chiến thuật hiện đại nhất có trong kho vũ khí Mỹ như F-111A, F-4D/E, F-105F/G đã đánh phá liên tục vào ban ngày Hà Nội, Hải Phòng và những thành phố khác…
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, tác giả cuốn sách “Cuộc đọ sức và đấu trí cuối cùng trên bầu trời Hà Nội”:
Và ban đêm, không quân chiến lược Mỹ huy động số lượng lớn máy bay ném bom chiến lược B-52 đánh phá mỗi đêm từ 2 đến 3 đợt, mỗi đợt kéo dài từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ. Đêm ít nhất cũng có tới 30 lần chiếc, đêm nhiều nhất lên đến 129 lần chiếc. Mục tiêu bị đánh phá hủy diệt dữ dội nhất gồm Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang.

Miền Bắc đã chủ động giáng trả đích đáng những trận tập kích của không quân Mỹ

Sputnik: Miền Bắc có bị bất ngờ trước những trận không kích khủng khiếp đó không?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, tác giả cuốn sách “Cuộc đọ sức và đấu trí cuối cùng trên bầu trời Hà Nội”:
Với các phương án đánh B-52 đã được xây dựng từ tháng 7 năm 1972 và qua ba lần chỉnh sửa vào tháng 9, tháng 10 và tháng 11 năm 1972, quân và dân miền Bắc Việt Nam không những không bị bất ngờ, không bị động mà đã chủ động giáng trả đích đáng các cuộc ném bom tội ác ấy. Đi đôi với cường độ, mật độ máy bay Mỹ được huy động cho chiến dịch cũng là số lượng máy bay Mỹ bị bắn rơi mỗi ngày.
Phần “Nhật ký chiến sự” của cuốn sách đã tập trung vào các trận đánh trong các đêm 18, 20, 26 và 27/12/1972. Đây chính là những đêm diễn ra các trận đánh mở màn và đánh tiêu diệt lớn lực lượng máy bay chiến lược B-52 và các loại máy bay chiến thuật của không quân Mỹ.
Máy bay ném bom B-52 của Mỹ bị bắn rơi ngày 26/12/1972 tại Hà Nội trong Chiến dịch Linebacker II
Đêm 26/12/1972 là đêm không quân Mỹ đánh phá ác liệt nhất vào nội thành Hà Nội với tổng cộng 105 lần chiếc. Khu phố Khâm Thiên hầu như bị san bằng. Các vệt bom B-52 trùm lên cả hai bên dãy phố dài tới 1,2 km đã làm cho 278 người chết, trong đó có 91 phụ nữ, 40 cụ già, 55 trẻ em, làm cho 178 cháu nhỏ bị mồ côi, trong đó có 66 cháu bị mồ côi cả cha lẫn mẹ, hơn 290 người bị thương. Về vật chất có hơn 2.000 căn nhà, chùa chiền, trường học, trạm y tế, nhà hộ sinh, nhà trẻ, rạp chiếu phim, chùa chiền bị sập, trong đó có 534 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Đây cũng là đêm mà không quân chiến lược Mỹ bị trừng phạt nặng nề nhất. Có tới 5 máy bay B-52 bị bắn rơi tại Hà Nội (tất cả đều rơi tại chỗ), 2 chiếc B-52 bị bắn rơi tại Hải Phòng và 1 chiếc B-52 bị bắn rơi tại Thái Nguyên bởi súng cao xạ KS-19 100mm cũng do Liên Xô viện trợ. Ngoài ra, còn có tới 10 máy bay chiến thuật của không quân Mỹ cũng bị hạ trong ngày này.
Đêm 27/12/1972, Nhà Trắng và Lầu năm Góc như những “con bạc khát nước” tiếp tục điều động 54 lần chiếc B-52 đánh phá Hà Nội và Thái Nguyên. 5 chiếc B-52 tiếo tục bị bộ đội phòng không Việt Nam bắn rơi, trong đó có chiếc B-52D số hiệu 56-0605. mật danh liên lạc “Cobalt 01”, bị Tiểu đoàn tên lửa 72, Đoàn Nam Triệu bắn rơi tại chỗ ngay trên đường Hoàng Hoa Thám, một phần xác máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp thuộc làng hoa Ngọc Hà. Ngày 27/12 cũng trở thành một ngày đáng nhớ khi phi công anh hùng Phạm Tuân (sau này trở thành người Châu Á đầu tiên bay vào vũ trị) đã bắn rơi 1 chiếc B-52 trên vùng trời Mộc Châu, tỉnh Sơn La bằng cách phóng cả 2 quả tên lửa vào chiếc B-52 bay đầu tiên trong tốp, buộc cả tốp B-52 phải bỏ nhiệm vụ đánh phá và quay về căn cứ.
Điện mừng kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không 1972 được gửi từ Nga đến Việt Nam
Sputnik: 12 ngày đêm không chiến trên bầu trời miền Bắc đã kết thúc với chiến thắng lừng danh của quân dân Việt Nam…
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, tác giả cuốn sách “Cuộc đọ sức và đấu trí cuối cùng trên bầu trời Hà Nội”:
Tổng cộng trong toàn bộ chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972, quân và dân miền Bắc Việt Nam đã bắn rơi 34 máy bay B-52, 5 máy bay cường kích hiện đại F-111A, 1 máy bay trinh sát điện tử RA-5C, 1 máy bay tác chiến điện tử EB-66, 1 máy bay lên thẳng HH-53 bị bắn rơi khi đang tìm cứu phi công Mỹ, 39 máy bay chiến thuật các loại F-4D/E, F-105G/F, A-4D/E, A-7C. Không quân Mỹ mất 92 phi công, trong đó có 49 phi công bị bắt sống, có 33 phi công B-52. Số còn lại được được lực lượng đặc nhiệm Mỹ giải cứu khi máy bay rơi ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Một nghịch lý lạ thường: Châu chấu đá xe, chấu không ngã, nhưng xe lăn

Sputnik: Đại tá có thể nói gì về cán cân lực lượng trong “cuộc đọ sức trên không” tháng 12/1972?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, tác giả cuốn sách “Cuộc đọ sức và đấu trí cuối cùng trên bầu trời Hà Nội”:
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn 2 câu thơ nổi tiếng trong kho tàng ca dao, dân ca Việt Nam như sau:
“Sự đời châu chấu đá xe,
Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe lăn”.
Nhiều người coi đây là một nghịch lý phi thực tế nhưng Chiến dịch phòng không của miền Bắc Việt Nam chống trả cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B-52 của không quân Mỹ vào Hà Nội và Hải Phòng cuối năm 1972 lại minh chứng rằng nghịch lý đó là thực tế. Xét về tương quan lực lượng, bao gồm cả người và vũ khí thì đó là một cuộc chiến không cân sức khi cán cân quân sự nghiêng về phía Mỹ.
Về vũ khí, khí tài, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã huy động vào chiến dịch này một lực lượng khổng lồ chưa từng có kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai gồm có:
Máy bay ném bom chiến lược B-52: 193 chiếc đóng tại các căn cứ Guam và Utapao, chiếm 50% lực lượng B-52 mà Mỹ có. Tham gia chiến dịch chiến dịch với 741 lần xuất kích.
Máy bay chiến thuật các loại của không quân: 897 chiếc trong tổng số hơn 3.000 máy bay chiến thuật của không quân Mỹ tại thời điểm đó, đóng tại các căn cứ Takhli, Udon, Ubon, Korath trên lãnh thổ Thái Lan, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng ở miền Nam Việt Nam. Tham gia chiến dịch với 3.920 lần xuất kích.
Máy bay tiếp dầu trên không KC-135: 53 chiếc đóng tại căn cứ Kadena trên đảo Okinawa (Nhật Bản).
Máy bay tác chiến điện tử và chỉ huy trên không EB-66: 17 chiếc.
Máy bay gây nhiễu điện tử EC-121: 5 chiếc.
Máy bay trinh sát siêu âm SR-71: 2 chiếc
Tàu sân bay: 6 chiếc, chiếm 50% số tàu sân bay của Mỹ, đậu trên khu vực Tây Bắc Biển Đông và Vịnh Bắc Bộ, tổng số 370 máy bay.
Tổng số bom và tên lửa các loại mà Mỹ đã sử dụng trong chiến dịch lên tới trên 60.000 tấn, tương đương lượng nổ bằng 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) ngày 6/8/1945. Ngoài ra, không quân Mỹ và không quân của hải quân Mỹ còn huy động hơn 50 tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu hộ vệ và các loại tàu quân sự khác tham gia chiến dịch.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ký ức của người Nga
Về phía Quân đội Nhân dân Việt Namchỉ có một lực lượng hạn chế gồm có:
Tên lửa SA-75: 4 trung đoàn đủ quân (E257, E261, E238 và E285) và 1 trung đoàn thiếu (E274 chỉ 1 tiểu đoàn có đủ khí tài) với 15 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn 6 bệ phóng., đóng ở Hà Nội (9 tiểu đoàn) và Hải Phòng (6 tiểu đoàn). Mỗi tiểu đoàn có 2 cơ số đạn sẵn sàng chiến đấu và 2 cơ số đạn trong kho chờ lắp ráp
Pháo phòng không KS-19 cỡ nòng 100mm: 8 đại đội, mỗi đại đội 6 khẩu, đóng ở Hà Nội (4 đại đội), Thái Nguyên (2 đại đội) và Hải Phòng (2 đại đội). Cơ số đạn đảm bảo cho mỗi đại đội 250 viên. KS-19 có tầm bắn cao tối đa 10km.
Pháo phòng không S-60 cỡ nòng 57mm: 5 trung đoàn với 90 khẩu, có tầm bắn cao nhất chỉ 8km.
Pháo phòng không 61-K cỡ nòng 37mm: 8 trung đoàn với 144 khẩu, có tầm bắn cao nhất 6,7km.
Máy bay tiêm kích MiG-21: 2 trung đoàn: E921 có 18 chiếc, E927 có 12 chiếc.
Máy bay MiG-17 và MiG-19: 1 trung đoàn E925, mỗi loại 12 chiếc.
Súng phòng không tầm thấp, súng bộ binh các loại; Hơn 1.500 khẩu, trang bị cho dân quân, tự vệ.
Về nhân sự, không quân chiến lược và không quân chiến thuật Mỹ trên chiến trường Việt Nam đều có “thâm niên bay” thuộc vào loại tốt nhất trong toàn bộ lực lượng không quân và không quân của hải quân Mỹ. Trung bình mỗi phi công Mỹ có số giờ bay tích lũy không dưới 1.000 giờ. Hơn nửa trong số các phi công Mỹ đều thành thạo bay cả bay ban ngày và bay ban đêm. Đặc biệt là các phi công B-52 đều có cấp hàm từ trung úy, đại úy đến trung tá, đại tá. Họ đều có số giờ bay tích lũy từ 2.500 giờ trở lên. Đặc biệt là viên trung tá John Harry Irwin, cơ trưởng chiếc B-52D số hiệu 55-0061, mật danh đối không “Scarlet 03” có số giờ bay tích lũy lên tới hơn 10.000 giờ trên 17 loại máy bay khác nhau.
Trong khi đó, đội ngũ phi công của Không quân Nhân dân Việt Namcó số giờ bay tích lũy đều ở con số hàng trăm. Người có số giờ bay tích lũy cao nhất không quá 500 giờ. Người có cấp hàm cao nhất cũng chỉ đến đại úy. Trải qua nhiều trận không chiến ác liệt trong năm 1972, đội ngũ phi công cũng bị tổn thất. Đến sát trước chiến dịch, số phi công MiG-21 có thể bay chiến đấu ban đêm chỉ còn không quá 10 người.
Các nhà làm phim Nga lần đầu tiên quay một bộ phim về chiến tranh Việt Nam
Tuy nhiên, các chiến binh Việt Nam trên những đôi cánh bạc đã được sự chỉ huy rất tốt từ các đài radar dẫn đường, có thể đưa họ đến vị trí có lợi nhất trong không chiến. Không quân Việt Nam cũng được sự yểm hộ đắc lực của pháo cao xạ, tên lửa và dân quân tự vệ. Mặc dù số lượng rất hạn chế nhưng các cánh bay MiG-21, MiG-19, MiG-17 vẫn giáng cho không quân Mỹ nhiều đòn đau,
Bộ đội Tên lửa phòng không cũng gặp không ít khó khăn khi không quân Mỹ sử dụng các thủ đoạn nhiều thủ đoạn gây nhiễu, tạo ra một cuộc chiến tranh điện tử quy mô lớn và phức tạp nhất trên chiến trường miền Bắc Việt Nam. Trong quá trình chiến đấu ở chiến trường Khu 4, Bộ đội Tên lửa phòng không cũng hứng chịu nhiều tổn thất trước khi tìm ra cách đánh B-72 có hiệu quả nhất.

Trí tuệ Việt Nam lại một lần nữa chiến thắng bộ máy chiến tranh đường không khổng lồ của đế quốc Mỹ

Sputnik: Một sự chênh lệch quá lớn về vũ khí, trang bị và binh lực. Nhưng về trí tuệ? Ông có thể nói gì về “Cuộc đấu trí” trên bầu trời Hà Nội?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, tác giả cuốn sách “Cuộc đọ sức và đấu trí cuối cùng trên bầu trời Hà Nội”:
Bù đắp lại sự chênh lệch quá lớn đó, trí tuệ Việt Nam lại một lần nữa chiến thắng bộ máy chiến tranh đường không khổng lồ của đế quốc Mỹ. Cuộc đấu trí căng thẳng diễn ra trong suốt năm 1972 và lên đến đỉnh điểm vào 12 ngày đêm cuối tháng 12 khi Bộ đội Phòng không – Không quân cùng với dân quân tự vệ Việt Nam lần lượt bẻ gãy nhiều thủ đoạn tác chiến cũ và mới của địch.
Đầu tiên phải kể đến sự sáng suốt của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, khi tháng 7/1972 đã cho ra đời phương án tổng hợp đánh B-52 đầu tiên, còn được gọi là “Phương án tháng 7”. Theo phương án này, không quân được sử dụng là binh chủng chủ lực để bắn hạ máy bay chiến lược B-52. Phương án cũng dự kiến chiến dịch sẽ kéo dài từ 3 đến 5 ngày đêm và địch sẽ đánh cùng lúc vào cả Hà Nội và Hải Phòng.
Những tư liệu trưng bày tại triển lãm phản ánh tầm vóc, ý nghĩa thời đại và giá trị lịch sử của chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972.
Tuy nhiên, đến tháng 9/1972, căn cứ các thông tin mới nhất của Cục Tình báo (Cục 2), không quân Mỹ đã điều chỉnh kế hoạch sử dụng B-52. Theo đó, Hà Nội là mục tiêu chính sẽ bị tấn công trước. Khối lượng dự trữ bom đạn, nhiên liệu và phương tiện kỹ thuật của không quân Mỹ tại các căn cứ B-52 ở Guam và Utapao cũng như các căn cứ máy bay chiến thuật ở Thái Lan và miền Nam Việt Nam tăng lên gấp nhiều lần. Tình huống mới buộc Bộ thống soái tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam phải điều chỉnh phương án để đối phó với việc địch sẽ tấn công liên tục từ 5 đến 7 ngày. “Phương án tháng 9” ra đời. Không quân vẫn được chỉ định là lực lượng chủ yếu đánh B-52. Tên lửa là lực lượng phối hợp.
Đầu tháng 10, “Phương án tháng 9” được đem ra xem xét lại. Qua khai thác các tù binh phi công Mỹ bị bắn rơi và bị bắt sống trước đó, các sĩ quan tình báo cho biết địch có lực lượng máy bay chiến thuật yểm hộ rất đông và rất chặt chẽ cho B-52. Nhận thấy lực lượng máy bay tiên kích rất mỏng, số phi công có kỹ năng bay đêm rất ít nên “Phương án tháng 9” được Bộ Tổng tham mưu sửa đổi thành “Phương án tháng 10”. Theo phương án này, cả tên lửa và không quân đều là lực lượng chủ công đánh B-52.
Đến tháng 11/1972 thì một bước ngoặt đã xuất hiện: Cuốn tài liệu “Cách đánh B-52” ra đời, còn được gọi là “Cuốn cẩm nang đỏ”. Tuy chỉ dày trên dưới 30 trang đánh máy nhưng cuốn tài liệu đó đã chỉ dẫn rất cụ thể về phương pháp bắt mục tiêu B-52 trên nền nhiễu, chỉ dẫn cách chọn dải nhiễu chính xác và thời cơ để phóng đạn, chỉ dẫn cách điều khiển đạn bám chặt mục tiêu, chỉ dẫn cách đánh bồi thêm một đến 2 quả đạn khi tín hiệu mục tiêu vào gần và nổi lên trên nền nhiễu.
Với cách đánh đã được vạch ra, các tiểu đoàn hỏa lực 43 và 44 của Trung đoàn tên lửa 263 đóng tại các trận địa Nghi Lâm và Bảo Nham (Nghi Lộc, Nghệ An) được chọn để đánh thử. Kết quả là cả 2 tiểu đoàn đều đánh trúng B-52, máy bay rơi trên đất Thái Lan, cách sân bay Nakhon Phanom khoảng 20 km. Sau trận đánh này, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân đã điều chỉnh lại phương án đánh B-52 và “Phương án tháng 11” ra đời. Trong đó, quy định Binh chủng Tên lửa là lực lượng chủ công đánh B-52, không quân và cao xạ KS-19 là lực lượng phối hợp.
Vì sao Việt Nam thắng Mỹ trận Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không?
“Phương án tháng 11” là phương án cuối cùng được đem ra thực thi và đạt kết quả vượt chỉ tiêu đề ra. 34 máy bay B-52 của không quân Mỹ bị bắn rơi, chiếm 17% tổng số máy bay B-52 tham chiến.
Có một chi tiết rất thú vị trong cuộc đấu trí này là Bộ đội Tên lửa Việt Nam đã dùng radar của pháo cao xạ kết hợp với kính ngắm quang học để bổ trợ cho tên lửa bắt bám mục tiêu và phóng đạn chính xác vào đội hình B-52 của không quân Mỹ. Kính ngắm còn giúp các tiểu đoàn tên lửa vô hiệu hóa các đòn phản công của không quân Mỹ bằng tên lửa chống bức xạ “Striker”. Đây là những điều chưa từng có trong bất kỳ một cuốn sách giáo khoa quân sự nào và đã góp phần đáng kể làm nên chiến thắng.
Một biện pháp đấu trí đáng kể nhất là cách thức sử dụng không quân. Tuy không được giao nhiệm vụ trực tiếp đánh B-52 ngay từ đầu nhưng các phi công MiG-21 của Việt Nam lại được giao một nhiệm vụ khác cũng quan trọng không kém. Chỉ cần một vài chiếc MiG-21 cất cánh và xông vào đội hình máy bay địch là đủ để làm cho đội hình B-52 và các máy bay chiến thuật vốn được bố trí chặt chẽ và bài bản đã bị xộc xệch. Các máy bay chiến thuật của Mỹ đã biến mất trong đêm tối mà “quên bẵng” nhiệm vụ yểm hộ bằng phương pháp phát nhiễu đồng loạt để che giấu đội hình B-52. Màn nhiễu bị mỏng đi, có chỗ bị vỡ ra. Và B-52 sẽ “hiện nguyên hình” trên nền nhiễu để cho tên lửa tiêu diệt. Điều này chỉ đến sau Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mới được đưa vào sách giáo khoa quân sự của cả Việt Nam và Liên Xô cũng như được giữ bí mật tuyệt đối cho đến ngày nay.
Trong cuộc đấu trí này, điều quan trọng cơ bản nhất là phía Quân đội Nhân dân Việt Nam đã nắm được hầu hết các thủ đoạn tác chiến của không quân Mỹ và thực thi nhiều biện pháp đối phó có hiệu quả và đã phòng thủ thành công. Trong khi đó thì không quân Mỹ ỷ vào những vũ khí và biện pháp kỹ thuật hiện đại, nhất là việc gây nhiễu ở nhiều chế độ, nhiều dải tần, nhiều loại nhiễu trong đội hình và ngoài đội hình có thể che mắt được Bộ đội Tên lửa Việt Nam. Từ đó, Mỹ quá tự tin và chủ quan nên đã chuốc lấy những thất bại rất nặng nề.
«Nỗi kinh hoàng cho đế quốc Mỹ»: Lời tiên tri của Bác Hồ về pháo đài bay B-52

Những đóng góp thầm lặng của các chuyên gia quân sự và cán bộ kỹ thuật Liên Xô

Sputnik: Việt Nam đã chiến thắng. Mỹ sau đó đã phải ký Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam. Đã có không biết bao nhiêu phân tích, đánh giá về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của Việt Nam, về những yếu tố cơ bản làm nên chiến thắng đó, trong đó có sự giúp đỡ quân sự to lớn của Liên Xô. Ông có thể cho biết đánh giá của ông về sự giúp đỡ của các chuyên gia quân sự Xô-Viết?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, tác giả cuốn sách “Cuộc đọ sức và đấu trí cuối cùng trên bầu trời Hà Nội”:
Trong toàn bộ cuộc Kháng chiến chống Mỹ nói chung và Chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không” nói riêng, Liên xô đã dẫn đầu trong số các nước xã hội chủ nghĩa trực tiếp giúp đỡ Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Trong toàn bộ cuộc kháng chiến, đã có 6.359 tướng lĩnh, sĩ quan và hơn 4.500 hạ sĩ quan, chiến sĩ của Quân đội Xô Viết sang giúp đỡ quân và dân Việt Nam đánh Mỹ. Có 16 sĩ quan và hạ sĩ quan, chiến sĩ Liên Xô đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tại Việt Nam.
Hầu như toàn bộ lớp sĩ quan điều khiển và trắc thủ tên lửa SA-75 đầu tiên của Việt Nam đều được các chuyên gia Liên Xô trực tiếp đào tạo, huấn luyện tại Việt Nam. Những phi công lái MiG-21 thuộc hàng “Át” của Việt Nam đều được đào tạo tại các trường không quân Ryazan và Krasnodar ở Liên Xô, trong đó có phi công Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều đã bắn hạ máy bay B-52 Mỹ.
Trong chiến tranh, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam 95 hệ thống tên lửa SA-75m cùng hàng nghìn quả đạn V-750. Các máy bay MiG-21 F13, MiG-21 PF và MiG-21 PMF (biến thể mới) đã góp phần làm nên chiến thắng hạ gục pháo đài bay B-52 của Mỹ. Các đài radar hiện đại P-12, P-15, P-18, P-11 và P-35 đã giúp hệ thống cảnh báo sớm của Việt Nam hoạt động tốt để Tổ quốc không bị bất ngờ.
Những cải tiến kỹ thuật đối với hệ thống tên lửa SA-75 thì phía Việt Namlà bên phát hiện và đưa ra sáng kiến. Nhưng thực hiện cụ thể và trực tiếp thì phải nhờ đến các chuyên gia và đội ngũ kỹ thuật tài ba của Liên Xô. Trong năm 1972, Liên Xô đã giúp Bộ đội Tên lửa Việt Nam cải tiến ba bước quan trọng cho các bộ khí tài tên lửa SA-75 với trên 40 hạng mục kỹ thuật phức tạp. Đội ngũ các bộ kỹ thuật Liên Xô đã liên tục bám sát các trận địa tên lửa và các tiểu đoàn kỹ thuật, giúp Bộ đội Tên lửa Việt Nam giải quyết khẩn cấp những hư hỏng, bảo đảm hệ số kỹ thuật tốt nhất cho khí tài và đạn. Đội ngũ cố vấn về trinh sát nhiễu cũng nhiều năm khảo sát ở vùng Khu 4 và biên giới Việt - Lào, giúp “vạch mặt” B-52 trong nhiều trận và truyền dạy nhiều kinh nghiệm quý báu cho các tiểu đoàn hỏa lực tên lửa.v.v…
Tìm hiểu về Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” – một cách khám phá Việt Nam
Cố thượng tướng Anatoly Khiupenen, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam trong những ngày Hà Nội nổi lửa đánh rơi B-52 Mỹ từng nói: “Chúng tôi trao khí tài tên lửa cho các chiến sĩ Việt Nam là trao khí tài cho những bàn tay vàng”.
Tuy nhiên, cũng phải nhờ đến những “Bàn tay vàng” của các chuyên gia và cán bộ kỹ thuật tên lửa Liên Xô thì những “bàn tay vàng” của Bộ đội Tên lửa Việt Nam mới có thể đánh thắng ròn rã như vậy. Những đóng góp thầm lặng của các chuyên gia và cán bộ kỹ thuật Liên Xô luôn được các chiến sĩ tên lửa Việt Nam nói riêng, quân đội và nhân dân Việt Nam nói chung ghi nhớ và biết ơn sâu sắc.
Cho đến nay, quân đội Nhân dân Việt Nam là quân đội duy nhất trên thế giới bắn hạ được pháo đài bay chiến lược B-52 mà người Mỹ coi là bất khả xâm phạm. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc buộc phải chấm dứt chiến dịch tội ác Linebacker II của họ, buộc phải quay lại bàn đàm phán ở Hội nghị Paris. Một hệ quả không thể khác là ngày 27/1/1873, Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Paris theo bản dự thảo đã thỏa thuận hồi tháng 10/1972, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt chiến tranh và rút hết quân Mỹ về nước trước ngày 28/4/1973.
Sputnik: Chân thành cảm ơn Đại tá Nguyễn Minh Tâm. Một lần nữa Sputnik xin chúc mừng ông nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử và tái bản cuốn sách.
Thảo luận