Theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom, FPT đặt mục tiêu tự làm được những sản phẩm “make in Vietnam - made by FPT”.
Nguyên nhân FPT không sản xuất ô tô, điện thoại
Chia sẻ mới đây trong chương trình “Đối thoại” của Vietnamnet, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom, đã lý giải tại sao FPT không sản xuất những sản phẩm vật lý như điện thoại, ô tô cho người tiêu dùng Việt Nam dù đã làm được chip bán dẫn.
Ông Tiến nói rằng:
“Chúng tôi đủ thông minh khi quyết định không sản xuất điện thoại. Những hãng vô cùng lớn, tên tuổi như Nokia cũng từ bỏ sản xuất điện thoại. Họ nhận thấy không có một lợi thế cạnh tranh nào. Cách đây rất lâu chúng ta đã nhận ra điều này”.
Trước đó, FPT đã lắp ráp máy tính với thương hiệu Elead. Trên thị trường, nhiều thương hiệu máy tính để bàn do Việt Nam sản xuất một thời đến nay như CMS, ROBO, VTB,… đến nay không còn nữa.
Ở lĩnh vực điện thoại thông minh, việc Vsmart của ông lớn Vingroup phải dừng việc sản xuất smartphone sau một thời gian “chinh chiến” cũng là điều đáng cân nhắc. Theo chuyên gia, sự rút lui của nhiều tên tuổi lớn trong mảng điện tử cho thấy sự khắc nghiệt của thị trường.
Đối với ngành công nghiệp sản xuất ô tô, ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh, FPT không có ý định sản xuất ô tô, mà làm cho chiếc ô tô có thể thành không người lái.
“FPT cần thử nghiệm những công nghệ liên quan đến xử lý IoT (internet kết nối vạn vật), Big Data (dữ liệu lớn), AI (trí tuệ nhân tạo), xử lý hình ảnh tốc độ cao và nhiều hơn thế”, - ông Tiến khẳng định.
Doanh nghiệp làm chiếc ô tô tự lái là để thử nghiệm như vậy. Thay vì trình bày từng công nghệ đơn lẻ, FPT quyết định đưa toàn bộ công nghệ lên chiếc ô tô.
“Make in Vietnam - Made by FPT”
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty FPT Telecom Hoàng Minh Tiến, hào khí hôm nay không phải nói chuyện câu chữ mà người phải làm ra sản phẩm, phải làm ra dịch vụ, phải làm ra tiền, được quy về tiền bằng với thế giới.
"Chúng tôi có những đội ngũ tiên phong, hàng chục nghìn nhân viên đang làm được điều đó. Chỉ cách đây mười mấy năm nói về Big Data hay AI, hay blockchain, hôm nay chúng tôi nói được những điều mới hơn nữa rồi. Đấy là lợi thế của người đi sau”, - ông Tiến lưu ý.
CEO FPT Telecom bày tỏ, từ ngày đầu, FPT đã đặt ra mục tiêu “Go global” ( ra thế giới). Hiện công ty có gần 30.000 kỹ sư.
Khi bắt đầu đi làm, khi đi ra nước ngoài chứng kiến sản phẩm của những công ty công nghiệp hàng đầu thế giới sử dụng các phần mềm của mình, FPT đặt mục tiêu lớn là đến ngày nào đấy phải tự làm được những sản phẩm “Make in Vietnam - Made by FPT”.
Đến nay, FPT bắt đầu làm được những sản phẩm thực sự thế giới đã phải dùng. Những hãng công nghiệp, những hãng công nghệ hàng đầu thế giới đã phải dùng. Các kỹ sư Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng để làm những sản phẩm như vậy.
‘Kỹ sư Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng’
Như Sputnik đã thông tin, vừa qua, FPT Semiconductor, thành viên của tập đoàn FPT, đã ra mắt dòng chip bán dẫn đầu tiên trong lĩnh vực IoT cho lĩnh vực y tế, và đã có kế hoạch cung cấp 25 triệu chip trên toàn cầu trong ba năm tới.
Nói thêm về thành tựu này, ông Hoàng Minh Tiến vui mừng bày tỏ, FPT tự hào sản xuất chip, những con chip được các kỹ sư Việt Nam thiết kế.
“100% kỹ sư Việt Nam thiết kế. Nhưng như thế vẫn còn nhỏ”, - ông Tiến khiêm tốn nói.
Trong khi đó, trên trang cá nhân của mình, ông Đỗ Cao Bảo - thành viên HĐQT Tập đoàn FPT, chia sẻ rằng, con đường đi tốt nhất của Việt Nam là bắt đầu từ các con chip IoT cho lĩnh vực y tế, chip cho tủ lạnh, máy điều hoà không khí, máy giặt.
“Khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, chúng ta sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo”, - chuyên gia Đỗ Cao Bảo viết.
Ông Bảo nhận định thêm việc tham gia vào chuỗi giá trị chip bán dẫn đồng nghĩa Việt Nam có cơ hội chia phần trong miếng bánh có quy mô 1.500 tỷ USD (vào năm 2030) với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 12%.
“Chỉ cần đạt được 10% trong chiếc bánh quy mô 1.500 tỷ USD cũng đủ giúp Việt Nam cất cánh bởi chip là công nghệ nền tảng cho tất cả công nghệ khác, chẳng hạn như quốc phòng, an ninh, máy bay, tên lửa, và tất cả thiết bị khác xung quanh chúng ta”, - thành viên HĐQT FPT tin tưởng.
Nâng tầm trí tuệ Việt Nam
Đáng chú ý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty FPT Telecom Hoàng Minh Tiến cũng tiết lộ, một trong các đối tác lớn nhất của FPT hiện nay chính là hãng sản xuất máy bay Boeing. Ông Tiến cũng tự hào khi Boeing đang sử dụng nhiều phần mềm của Việt Nam.
“Chúng tôi vô cùng tự hào rằng, có rất nhiều phần mềm hiện nay mà Boeing đang sử dụng là do FPT làm ra”, - ông Tiến cho biết.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty FPT Telecom, chúng ta sẽ không chỉ xuất khẩu những sản phẩm mà chúng ta đang làm như điện thoại, máy tính, các thiết bị điện tử do những hãng nước ngoài đặt nhà máy tại Việt Nam, chúng ta không chỉ xuất khẩu những hạt gạo, những con tôm, rau xanh ra nước ngoài, chúng ta còn xuất khẩu được nhiều hơn thế.
“Tôi muốn nói đến trí tuệ của người Việt Nam. Giờ này, không thể dùng chữ xuất khẩu nữa mà giờ này chúng ta phải nói về sự chinh phục thế giới”, - ông Tiến nhấn mạnh.
Điều này sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.