Chiến tranh kết thúc trên bàn đàm phán
Trả lời câu hỏi của tuần báo Sette của Ý rằng liệu vai trò của bà trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này có hoàn toàn bị loại trừ hay không, bà Merkel nói rằng "vấn đề đó không được đặt ra". Bà cũng thừa nhận mình không biết chính xác cuộc xung đột ở Ukraina có thể kết thúc ra sao.
"Một ngày nào đó nó sẽ kết thúc bằng các cuộc đàm phán. Mọi cuộc chiến tranh đều kết thúc tại bàn đàm phán", - cựu Thủ tướng nói.
"Có sự khác biệt giữa một nền hòa bình gượng ép, điều mà tôi cũng như nhiều người khác không mong muốn, và một cuộc đối thoại cởi mở và thân thiện", - bà nói thêm.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Sette, phụ bản của báo Corriere della Sera, bà Merkel nhấn mạnh rằng với tư cách là Thủ tướng Đức, bà đã đưa ra các quyết định liên quan đến Nga và Ukraina dựa trên logic mà bà nghĩ là vẫn hợp lý cho đến nay.
"Vấn đề nói đến ở đây là cố gắng ngăn chặn một cuộc chiến như hiện tại. Thực tế nó không thành công không có nghĩa là nỗ lực đó sai lầm", - bà nói.
Về việc mở rộng NATO
Bà Merkel lưu ý rằng khả năng Ukraina và Gruzia gia nhập NATO được thảo luận vào năm 2008, theo ý kiến của bà, chắc hẳn là một sai lầm. Bà chỉ ra rằng khi đó người ta không tính đến hậu quả mà một quyết định như vậy có thể gây ra, cả về phản ứng từ phía Nga cũng như đối với chính NATO.
Cựu Thủ tướng đã xác nhận đánh giá của bà về các thỏa thuận Minsk mà bà bày tỏ trong cuộc phỏng vấn với báo Die Zeit của Đức vào đầu tháng 12.
"Các thỏa thuận Minsk năm 2014 là một nỗ lực để dành thêm thời gian cho Ukraina. Ukraina đã sử dụng giai đoạn đó để trở nên mạnh hơn như ta thấy ngày nay. Đất nước này trong năm 2014-2015 không giống như bây giờ. Và tôi cũng không chắc rằng NATO khi ấy có thể làm được nhiều việc để giúp đỡ Ukraina như đang làm hôm nay", - bà Merkel nói.
"Tất cả chúng tôi đều hiểu rằng đó là một cuộc xung đột bị đóng băng, rằng vấn đề vẫn chưa được giải quyết, nhưng chính điều đó đã mang lại cho Ukraina thời gian quý báu", - bà nói.
Về việc khởi động “Dòng chảy phương Bắc -2”
Trả lời câu hỏi về lý do khởi động đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc -2”, bà Merkel lưu ý đến thực tế là giờ đây "mọi phân tử khí đốt của Nga đều bị coi là ác quỷ". “Mặt khác, không phải Cộng hòa Liên bang Đức, mà là các công ty đã xin cấp phép hoạt động cho “Dòng chảy phương Bắc -2”. Đối với chính phủ và đối với tôi, vấn đề là liệu có nên thông qua đạo luật mới từ chối phê duyệt “Dòng chảy phương Bắc -2” như một văn bản mang tính chính trị hay không", - chính trị gia giải thích.
Theo bà, việc từ chối như vậy kết hợp với các thỏa thuận Minsk chỉ làm trầm trọng thêm quan hệ với Nga.
“Sự phụ thuộc năng lượng nảy sinh do nguồn cung khí đốt đến từ Hà Lan và Anh ít hơn, đồng thời khối lượng khai thác ở Na Uy bị hạn chế”, - bà Merkel nói.
Cựu Thủ tướng cũng cho rằng phản ứng của phương Tây đối với việc Crưm sáp nhập vào Nga là chưa đủ cứng rắn và nhanh chóng. Về vấn đề này, bà nhắc lại việc loại Liên bang Nga khỏi G8, triển khai lực lượng NATO ở vùng Baltic và quyết định tăng chi tiêu quân sự của các nước trong liên minh lên đến 2% GDP.
"Nhưng cả chúng tôi cũng cần phải phản ứng nhanh hơn trước sự hung hăng của Nga. Mặc dù có tăng nhưng Đức vẫn không đạt được mục tiêu 2%. Và tôi cũng không làm hết khả năng để hỗ trợ việc này hàng ngày", - bà nói.