Trong đó, sản xuất, nhập khẩu điện vào mùa khô là 137,1 tỷ kWh, còn mùa mưa là 147,4 tỷ kWh. Kế hoạch này cao hơn 16 tỷ kWh so với 2022 và trên 29 tỷ kWh so với 2021.
Tăng sản lượng điện
Theo kế hoạch kế hoạch cung cấp, vận hành hệ thống điện vừa được Bộ Công Thương phê duyệt ngày 30/12, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu là 284,5 tỷ kWhnăm 2023.
Kế hoạch này cao hơn 16 tỷ kWh so với 2022 và trên 29 tỷ kWh so với 2021. Trong đó, sản xuất, nhập khẩu điện vào mùa khô là 137,1 tỷ kWh, còn mùa mưa là 147,4 tỷ kWh. Dữ lượng sản xuất điện được đẩy lên do kinh tế phát triển ‘thần tốc’.
Bộ Công Thương lưu ý, kế hoạch sản xuất, nhập khẩu điện năm 2023 được lập trên cơ sở kịch bản tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% và điện thương phẩm (sản lượng bán ra cho các hộ tiêu dùng điện) gần 251,3 tỷ kWh (tăng gần 9 tỷ kWh so với 2022).
Hiện đã có 108 nhà máy điện tham gia chào giá trên thị trường cạnh tranh. Sản lượng mua bán điện thực tế của các nhà máy (theo hợp đồng mua bán điện, phương án giá điện) sẽ được xác định theo các quy định liên quan về giá điện và thị trường điện.
Do đó, Bộ Công Thương yêu cầu các nhà máy ngoài đảm bảo công suất các tổ máy phát điện, cần chuẩn bị nguồn nhiên liệu sơ cấp (khí, dầu...) đủ cho phát điện năm nay.
Bộ Công Thương giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lập phương thức vận hành và huy động hợp lý các nguồn điện (gồm nguồn năng lượng tái tạo), để đảm bảo cung ứng đủ điện trên cơ sở nguyên tắc công bằng, tối ưu chi phí toàn hệ thống và phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật lưới điện, quy định pháp luật.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được giao có phương án cung cấp, ưu tiên huy động khí cho sản xuất điện. Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp Than, khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc lập kế hoạch sản xuất, ưu tiên cung ứng đủ, liên tục than cho sản xuất điện.
Năm ngoái việc cung ứng than cho điện chưa đảm bảo. Số liệu của EVN cho thấy, TKV cung ứng cho sản xuất điện là 16,8 triệu tấn, đạt gần 97% hợp đồng, và Tổng công ty Đông Bắc chỉ đạt hơn 82%, với 5,23 triệu tấn.
‘Nhiều khó khăn’
Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, kế hoạch đặt ra cần phải bổ sung 4.200 MW nguồn điện để có thể đáp ứng tăng trưởng 9 tỷ kWh điện thương phẩm và công suất cực đại tăng trưởng khoảng 6% cần 2.500 MW để phủ đỉnh.
“Trong bối cảnh chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào một số dự án nguồn điện đang rất khó khăn về công tác đưa vào vận hành như Nhiệt điện Thái Bình 2 và các công trình nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam cũng như tiến độ của một loạt dự án thủy điện nhỏ mà các chủ đầu tư thực hiện ở khu vực phía bắc, dự báo công tác vận hành bảo đảm, cung ứng điện sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2022”, - đại diện EVN bày tỏ.
Bàn về thách thức sắp tới trong vận hành hệ thống điện, VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) thông tin, hiện tỷ trọng tham gia thị trường điện giảm đáng kể và xu hướng ngày càng thấp, nên các cấp có thẩm quyền cần điều chỉnh các quy định tại thị trường điện phù hợp với thực tế.
Do tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo tăng cao, dẫn tới áp lực lớn tới ổn định hệ thống, giải toả công suất và chất lượng điện năng khi buổi tối không thể phát điện mặt trời hay mùa gió lặng (tháng 3-5 hàng năm).
Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đề nghị khi hạ tầng kỹ thuật cho phép, cần xem xét thiết lập và phát triển thị trường dịch vụ phụ trợ bên cạnh thị trường năng lượng để đảm bảo mục tiêu duy trì an ninh hệ thống với chi phí cạnh tranh.
Thách thức nữa là chi phí, khi biểu giá chi phí tránh được (biểu giá được tính dựa trên các chi phí tránh được của hệ thống điện khi có 1 kWh công suất phát từ nhà máy thuỷ điện nhỏ lên lưới điện) năm nay dự báo tăng 58% so với 2022, khiến khung giá trần của các nhà máy thuỷ điện tăng hơn 40%. Chi phí sản xuất điện tăng cao khiến EVN lỗ hơn 31.000 tỷ đồng trong năm ngoái.
Đảm bảo không thiếu điện
Đến cuối năm 2022, tổng công suất đặt toàn hệ thống gần 77.800 MW, tăng 1.400 MW so với 2021. Trong đó, nguồn điện năng lượng tái tạo là 20.165 MW, chiếm tỷ trọng 26,4%.
Theo ông Lâm, ngay từ những ngày đầu năm 2023, EVN đang phải đối mặt với nhiều áp lực trong việc bảo đảm đủ nước để phục vụ đổ ải sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023 theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT.
Ngoài ra, kế hoạch đưa ra, EVN sẽ xả khoảng 4,9 tỷ m3 nước từ các hồ chứa thủy điện trong 2 đợt với thời gian 12 ngày trong khi thủy văn, mực nước trên sông Đà và các dòng sông tại các tỉnh phía bắc giảm sút so với cùng kỳ năm trước.
Đây cũng là một trong những thách thức đối với việc bảo đảm nguồn nước để phục vụ các tổ máy phát điện.
“Từ thực tế này, Tập đoàn đề nghị các địa phương, người dân, doanh nghiệp sử dụng nguồn nước tưới từ các hồ chứa thủy điện phục vụ sản xuất tiết kiệm, hiệu quả nhất, tránh thất thoát, lãng phí để bảo đảm mục tiêu phát điện”, - ông Lâm nhấn mạnh.
Ngoài ra giá nhiên liệu như xăng dầu có xu hướng tăng trở lại trong những ngày đầu năm 2023 và việc bảo đảm cung ứng than cho các nhà máy điện và vấn đề bảo đảm mặt bằng cho các công trình xây dựng lưới điện cũng là những thách thức mà EVN đang phải đối mặt.
Dù còn nhiều khó khăn và áp lực trong vận hành, cung ứng điện, tuy nhiên, EVN khẳng định sẽ nỗ lực bảo đảm cung ứng điện cho nhu cầu phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước sau đại dịch và đời sống dân sinh.