Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, sinh năm 1969, ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) 14 năm tù về tội “Buôn lậu” theo điểm a, khoản 4, điều 188 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngoài ra, bị cáo Hạnh bị tuyên 8 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” theo bản án hình sự phúc thẩm số 84 ngày 21/11/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh; tổng hợp hình phạt của bị cáo Hạnh phải chấp hành của hai bản án là 22 năm tù.
Các đồng phạm gồm Nguyễn Hoàng Út (sinh năm 1971, ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) 13 năm tù; Trần Công Tới (sinh năm 1987), Bùi Văn Miền (sinh năm 1984), Trần Văn Phương (sinh năm 1973) cùng ngụ huyện An Phú, Võ Minh Phương (sinh năm 1990, ngụ thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang), mỗi bị cáo 8 năm tù giam; Nguyễn Tường Cẩm Tú (sinh năm 1990, ngụ thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) 7 năm tù giam cùng về tội “Buôn lậu."
Tòa còn tuyên phạt bổ sung bằng hình thức phạt tiền đối bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh 90 triệu đồng, bị cáo Nguyễn Hoàng Út 20 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước.
Theo cáo trạng, khoảng 9 giờ ngày 23/12/2018, Út kêu Trần Công Tới đến chốt Biên phòng xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang để cảnh giới (canh đường). Đồng thời Út kêu Võ Minh Phương sang Campuchia nhận và giao đường cát lậu, quần áo cũ cho các ghe để chuyển về Việt Nam.
Tối ngày 23/12/2018, lực lượng công an tuần tra đến kênh Ruộc, xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang thấy 4 thuyền máy có dấu hiệu nghi vấn chở đồ lậu nên ra hiệu dừng lại kiểm tra.
Công an đã thu giữ hơn 1.397 bao đường cắt, 106 bao chứa quần áo, giày, túi xách, mũ (nón) nên yêu cầu các đối tượng trên thuyền máy xuất trình hóa đơn chứng từ. Do các đối tượng không chứng mình được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa nên nên lực lượng công an lập biên bản tạm giữ 4 phương tiện thuyền máy cùng toàn bộ hàng hóa nhập lậu với tổng giá trị hàng hóa trên trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra Công an tỉnh An Giang, các đối tượng khai nhận, khoảng 10 giờ ngày 23/12/20018, Văn Phương đến Campuchia giao cho Nguyễn Văn Dũng 106 bao quần áo, giày, túi xách, mũ (nón) đưa lên thuyền máy; Phương đưa Lê Văn Điện 400 bao đường cát; đưa Nguyễn Văn Lình 498 bao đường cát; đưa Trần Văn Tánh 499 bao đường cát. Đối tượng Trần Công Tới canh đường tại chốt biên phòng, khi thấy lực lượng Bộ đội Biên phòng đã về hết liền nên điện thoại thông báo cho Dũng, Điện, Tánh, Lình đưa thuyền máy vượt chốt kiểm tra để giao hàng hóa cho Bùi Văn Miền.
Mở rộng điều tra, Công an tỉnh xác định, từ năm 2010-2020, Nguyễn Thị Kim Hạnh trực tiếp mua 200 nghìn tấn đường cát từ Campuchia mang về Việt Nam bán cho 33 người tại An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, và Thành phố Hồ Chí Minh với tổng giá trị hơn 2.885 tỷ đồng.