Dệt may Việt Nam xử lý tốt đơn hàng khó, nắm chắc vị trí thứ 3 thế giới

Xuất khẩu dệt may Việt Nam đứng thứ ba thế giới, chỉ thua Trung Quốc và Bangladesh.
Sputnik
Các đối tác Mỹ, EU đánh giá cao ngành dệt may của Việt Nam nhờ vào tính đa dạng về dòng hàng cũng như khả năng làm được đơn hàng khó với thời gian giao hàng ổn định.

Vị trí của dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới

Ông Vương Đức Anh - Chánh văn phòng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thông tin, năm 2021 dệt may Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 về xuất khẩu trên thị trường thế giới với 5,7% thị phần.
“Năm 2022 xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 44,5 tỷ USD, tăng 10,5-11% so với năm 2021, vẫn đứng vị trí thứ 3 sau Trung Quốc, Bangladesh”, ông Vương Đức Anh nói.
Lấy thị trường Mỹ làm ví dụ, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã lý giải nguyên do vì sao trong khó khăn dệt may Việt Nam vẫn tăng trưởng con số và duy trì được vị trí. Theo Chánh văn phòng Tập đoàn Dệt may Việt Nam, đối tác Mỹ đánh giá ngành dệt may của Việt Nam có tính đa dạng về dòng hàng, làm được đơn hàng khó, thời gian giao hàng ổn định.
Theo ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, thời gian tới, đơn hàng nhỏ sẽ là xu thế do tiêu thụ khó khăn, nhà nhập khẩu sẽ chỉ đặt đơn hàng nhỏ khoảng 1.000- 2.000 sản phẩm.
“Có những nhà máy 600 công nhân có thể cùng lúc sản xuất 12 mã hàng khác nhau, về nguyên tắc quản trị là cực kỳ khó. Thông thường với một mặt bằng và nhân công như vậy chỉ làm 2-3 mã hàng. Đây là những điểm cộng giúp Việt Nam là lựa hàng đầu để đặt hàng”, Chủ tịch Vinatex cho hay.
Đối với thị trường EU, Việt Nam được hưởng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Năm 2022, số hàng hoá đáp ứng được quy tắc xuất xứ và hưởng ưu đãi khoảng 5-6%. Đây cũng là động lực kéo nhà mua hàng tới Việt Nam.
Dệt may Việt Nam thiếu hụt đơn hàng đến đầu năm 2023

Khó dự đoán chính xác tình hình dệt may thế giới 2023

Xét từ bài học kinh nghiệm năm vừa qua, ông Lê Tiến Trường khẳng định không thể dự đoán được chính xác tình hình thị trường dệt may thế giới cho cả năm 2023 nhưng vẫn có thể nhìn ra một vài điểm, tương ứng với 3 kịch bản cụ thể.
Theo đó, suy thoái kinh tế thế giới, cầu giảm 15% so với năm 2022; suy giảm kinh tế không quá nặng nề, cầu giảm 8-10%; trường hợp nửa đầu năm 2023 kinh tế suy giảm sau đó khôi phục, cầu sẽ giảm khoảng 5-6% và đơn hàng sẽ phong phú trở lại.
Thông tin về việc ứng phó với các kịch bản thị trường, báo Công Thương dẫn lời lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, 13.000 doanh nghiệp dệt may sẽ có ‘cách ứng phó khác nhau’.
Riêng với Vinatex đã và đang thực hiện có hiệu quả 5 mục tiêu: Kiên định tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để tập đoàn trở thành một điểm đến cung cấp từ sợi đến sản phẩm may mặc cuối cùng cho các đối tác.
“Xu thế của thế giới hiện nay là khách hàng muốn tiếp xúc với những đối tác có thể làm từ đầu đến cuối và cắt đi các khâu trung gian”, ông Lê Tiến Trường nói và lưu ý, nếu có hệ thống sản xuất hoàn chỉnh thì tập đoàn sẽ có một bước tiến quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cạnh đó, Vinatex cũng kiên định thực hiện các cam kết về trách nhiệm xã hội, sản xuất xanh vì đây sẽ là những yếu tố phi tài chính để lựa chọn những đối tác bền vững hơn, đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường; chuyển đổi số và tự động hóa; phát triển nguồn nhân lực và con người để đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, kinh tế số và giao dịch số.
“Đây cũng đồng thời sẽ là 5 giải pháp xuyên suốt của Tập đoàn Dệt May Việt Nam đối với các đơn vị thành viên để ứng phó với biến động thị trường, thực hiện kế hoạch dài hạn đã đặt ra”, ông Lê Tiến Trường khẳng định.
Đối với năm 2023 này, ông Lê Tiến Trường cho rằng, khó khăn nhất là không thể nhìn thấy điểm kết thúc suy giảm thị trường. Chuyên gia bày tỏ, ít nhất phải từ 6-9 tháng nữa thị trường trong trạng thái trầm lắng. Có thể lần đầu tiên trên thị trường dệt may thế giới có nhu cầu dạng sóng.
“Có nghĩa, có thể đến tháng 6 sẽ bùng lên một đợt sóng tiêu dùng, đơn hàng dồn dập trong 2-3 tháng xong lại xuống. Về dài hạn thị trường dệt may có thể chưa có tín hiệu tốt nhưng đón được sóng doanh nghiệp có thể có hiệu quả”, ông Lê Tiến Trường cho biết.

Nắm chắc vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Để giảm đi yếu tố phụ thuộc vào biến động bên ngoài, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải phát triển được nguồn cung nguyên phụ liệu, đảm bảo chắc chân trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thực tế, trong Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 mới được Chính phủ phê duyệt cũng đưa ra những định hướng cơ bản cho ngành. Trong đó, ngành được định hướng phát triển theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hóa; đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn.
Phát triển thời trang dệt may, thúc đẩy và tạo gắn kết, phối hợp giữa các nhà sản xuất, thiết kế phát triển sản phẩm và kinh doanh để định hướng và tạo ra các xu hướng thời trang cho thị trường trong nước; phát triển xây dựng thương hiệu sản phẩm và thương hiệu quốc gia. Phát triển trung tâm thời trang tại TP. Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội.
Mỹ làm căng Đạo luật chống cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, dệt may Việt Nam bắt đầu ngấm đòn
Cùng đó, định hướng thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày.
Việt Nam cần chú trọng đến sản xuất vải, vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước nhằm giảm nhập khẩu, tác động tích cực đến mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh trong ngành, qua đó nâng cao vị thế của dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới.
Thảo luận