Trải nghiệm Tết Việt khó quên và vô giá

“Đó thực sự là trải nghiệm khó quên và vô cùng quý giá. Chúng em đã thấy mọi thứ mà các giáo viên tiếng Việt ở Moskva đã kể cho chúng em và những gì chúng em đã đọc. Chúng em yêu văn hóa Việt Nam và rất vui khi được "chạm" vào nền văn hóa đó”, - Sinh viên Nga chia sẻ cảm xúc đón tết Quý Mão ở Việt Nam cho Sputnik.
Sputnik
Tết là một dịp tốt để hiểu biết hơn về văn hóa Việt, con người Việt. Tết Quý Mão 2023 là một cái Tết ấn tượng, ấm áp tình thương, có cả những giọt nước mắt cảm động và biết ơn của những sinh viên Nga học tiếng Việt sang Việt Nam thực tập. Phóng viên Sputnik ghi lại những chia sẻ của họ và của các bác, cô chú người Việt đã giúp các sinh viên Nga có một cái Tết tràn đầy tình thương yêu và không bao giờ quên.
Những câu chuyện Tết hay và đi vào trái tim qua những lời kể của nhân vật cho phóng viên Sputnik.

28 và 29 Tết – những trải nghiệm đầu tiên

“Theo thỏa thuận trao đổi sinh viên, hai cô sinh viên Nga Giênhia và Katia tới Đại học Ngoại ngữ ĐH Quốc gia Hà Nội thực tập tiếng Việt trong 6 tháng. Sau chuyến bay dài từ Moskva tới Dubai, từ Dubai tới Bangkok, rồi từ Bangkok về Hà Nội, hai cô gái đặt chân tới trường trong cảnh ký túc xá vắng lặng vì mọi người đã về nghỉ Tết. Một kế hoạch đưa hai cô bé tới các gia đình thành viên FBKN (Facebook Khoa Nga - nơi tập hợp hơn 2000 người là cựu giảng viên, cựu sinh viên Khoa Tiếng Nga ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội) đón xuân được tức tốc vạch ra và chỉ sau một đêm, đã có hàng chục thành viên FBKN nhận đón các cháu”, - Anh Vũ Mạnh Cường, thành viên FBKN kể lại cho Sputnik.
Giênhia Bocharova và Katia Verner, sinh viên tiếng Việt năm 3, Khoa phiên dịch, ĐHTH Ngôn ngữ Quốc gia Moskva:
Khi mới đến Việt Nam, chúng em chưa biết mình sẽ đón Tết Việt đầu tiên như thế nào. Tết là một ngày lễ gia đình và nên đón Tết trong không khí gia đình thực sự. Một người bạn Việt Nam của cô giáo tiếng Việt Elena Zubtsova của chúng em, chú Cường, mời chúng em đón Tết trong một gia đình Việt Nam. Chúng em rất mừng về điều này và tất nhiên là đã đồng ý. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời, cơ hội có được những kiến thức và những ấn tượng mới.
Giênhia Bocharova với tà áo dài Việt
Chị Đào Thị Xuân Thu, thành viên FBKN:
Chiều 28 Tết, bỏ lại đằng sau mọi lo toan tất bật của một năm nhiều khó khăn, thử thách tôi trở về nhà trong ánh mắt hân hoan mong đợi của hai sinh viên, hai cô gái người Nga xinh như những nụ hoa đào đầu xuân. Hai cô bé thật ngoan, ngay khi đến nhà đã biết mang chút quà Nga ra tặng và ngượng nghịu nói lời chúc Tết bằng tiếng Việt khiến mình vô cùng xúc động.
Hai bạn trẻ rất chịu khó, cứ thấy mình lúi húi trong bếp lại chạy ra hỏi: Cô có cần em giúp gì không. Sáng nay, có lịch về quê ở Bắc Ninh. Mình dặn hai đứa là 8h xuất phát thì 7h30 đã thấy ngồi ngay ngắn ở bàn rồi. Cả hai đứa đều nói: Đêm qua chúng em ngủ ngon lắm và ngủ đủ giấc. Chúng em cảm thấy rất bình yên. Và hôm nay không thấy nhớ nhà nữa vì rất vui được ở nhà cô chú!
Hai cô bé nói: Chúng cháu rất may mắn vì được “ông” Cường sắp xếp để đến ở nhà cô chú và những nhà khác cho đến khi các bạn trở lại trường.
Chả biết “ông Cường” dặn dò kỹ đến mức nào mà nhất cử nhất động đều ra xin phép mình:
1.
Cô ơi, chúng em muốn xuống dưới công viên đi dạo có được không ạ?
2.
Cô ơi, em vào nhà vệ sinh một chút rồi ra thái rau tiếp có được không ạ?
3.
Cô ơi, bà bảo em đi nằm nghỉ nhưng em không muốn nằm thì có bắt buộc phải nằm không ạ?
Chiều 29 Tết, đã kịp đưa các cháu đi thăm chùa Dâu - ngôi chùa nổi tiếng ở Bắc Ninh với lịch sử gần 1800 tuổi và là ngôi chùa cổ nhất ở Việt Nam. Hai cháu phấn khởi lắm và thổ lộ: Chúng cháu muốn đi nhiều nơi, xem nhiều thứ. Ở Hà Nội, chúng cháu muốn đi thăm Lăng Bác, thăm Văn Miếu, hồ Hoàn Kiếm.
Giênhia và Kachia trong một không gian Tết Việt tại Hà Nội
Thời gian không còn nhiều, mình chỉ kịp đưa các em đến hồ Hoàn Kiếm chụp vài kiểu ảnh, rồi dẫn hai đứa đi ăn kem Tràng Tiền. Hai em rất thích kem cốm.
Chẳng mấy chốc đã đến giờ chia tay để các em được trải nghiệm những ngày Tết đúng nghĩa ở một gia đình khác cũng cùng trong đại gia đình FBKN.
Katia Verner, sinh viên tiếng Việt năm 3, ĐHTH Ngôn ngữ Quốc gia Moskva chia sẻ ấn tượng đầu tiên về Tết Việt với Sputnik:
Năm mới của người Việt Nam gắn liền mùa xuân đang đến, vì vậy tất cả các ngôi nhà, từ trong ra ngoài, đều được trang trí bằng những cây cảnh và hoa xuân. Cây đào, cây quất và cây mai được coi là biểu tượng của ngày Tết. Một truyền thống tuyệt vời làm rực rỡ cả đất nước và mang đến tâm trạng mùa xuân và không khí ngày lễ.

Đón Giao thừa Quý Mão bên Hồ Gươm

Một thành viên FBKN kể lại câu chuyện đón giao thừa Quý Mão cùng 2 sinh viên Nga:
“Sáng 30 Tết, hai cô sinh viên Nga Giênhia và Katia đón Tất niên với món quà đầy ý nghĩa: Hai bộ áo dài màu hồng - màu của hoa đào xuân. Trong nháy mắt, 2 cô gái Nga biến thành các cô gái Hà Thành thuỳ mị.
Các em được mời lên phòng thờ cùng gia đình dâng mâm cúng Tất niên. Cúng Tất niên xong hai em được dẫn đến Bờ Hồ: Chụp ảnh với Hồ Gươm, Tháp Rùa.
Tới chiều, hai cháu cùng gia chủ tới Văn Miếu xin chữ. Tới đây thì chất Việt trong hai cô gái đậm hơn rất nhiều.
Tối 30, hai cháu đón Giao thừa cùng gia đình và cùng ngắm pháo hoa chào đón Xuân Quý Mão trên bầu trời Hà Nội”.
Tối 30 Tết, sau khi ăn bữa cơm Tất niên, Katia và Giênhia lại được tặng thêm mỗi người một bộ áo dài thêu rất tinh xảo. Áo của Katia màu tím, của Giênhia màu be. Và cũng giống như hai bộ màu hồng, các cháu mặc hai bộ này vừa như in. Hai thiếu nữ tròn mắt cảm động.
Bàn thờ tổ tiên là gì: Thờ cúng tổ tiên và nghi lễ gia đình
Diện áo dài mới, hai cô tung tăng theo đoàn gia đình đi bộ đến nhà ông bà nội. Đó là một căn nhà giữa phố cổ Hà Nội với lối sinh hoạt và thờ cúng vẫn còn giữ nền nếp cổ. Trong căn nhà Việt, hai thiếu nữ Nga được mời rượu mơ Hàn Quốc nhấm nháp với pho mai Hà Lan, nói chuyện với chị học ở Anh, với cô mới từ Séc, với hai anh từ Mỹ, từ Đức về. Dường như là cả thế giới hội tụ trong một ngày Tết Hà Nội...
Rồi hai cô được tận mắt ngắm màn pháo hoa tưng bừng tại trung tâm thủ đô từ sân thượng tầng 5 của một ngôi nhà gần Hồ Gươm, thấy phố cổ Hà Nội đêm Giao thừa rực rỡ nằm ngay trong tầm mắt - chắc không nhiều người được thưởng thức cảnh tuyệt diệu này!
Và sau đó, hai tà áo dài còn được dẫn tới ngôi chùa cổ mấy trăm năm để lễ Phật vào những giờ khắc đầu tiên của năm mới Quý Mão.
Katia và Giênhia xúc động nói với gia chủ: “Thật cám ơn cô, hôm nay đã cho chúng cháu những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong đời".

30 Tết và mùng Một Tết đầy ắp sự kiện

Giênhia Bocharova, sinh viên tiếng Việt năm 3, Khoa phiên dịch, ĐHTH Ngôn ngữ Quốc gia Moskva:
Sáng mùng Một Tết, chúng em và gia đình thực hiện nghi lễ lạy gia tiên, lễ Phật. Không phải tất cả người Việt Nam đều theo tín ngưỡng, nhưng tất cả đều thờ cúng tổ tiên - thờ cúng những người thân đã khuất của họ, những người được cho là sẽ bảo vệ tất cả các thành viên trong gia đình. Lần đầu tiên chúng em được nghe đọc lời khấn gia tiên, lễ Phật như thế nào trong một gia đình Việt Nam.
Lễ Phật
Katia Verner, sinh viên tiếng Việt năm 3, Khoa phiên dịch, ĐHTH Ngôn ngữ Quốc gia Moskva:
Vào ngày Tết, nhiều phụ nữ Việt Nam mặc áo dài, trang phục truyền thống của Việt Nam có nét đẹp tuyệt vời. Chúng em cũng được tặng mỗi người 3 chiếc áo dài rất đẹp, mà chúng em đã mặc vào ngày mùng Một, mùng Hai và mùng Ba Tết.
Một truyền thống thú vị nữa của người Việt Nam là đốt nhà, xe hơi và tiền bằng giấy. Người Việt tin rằng, khói từ ngọn lửa này bay lên trời tới tổ tiên, thể hiện họ đang nhớ tới tổ tiên. Sau đó, tổ tiên sẽ giúp đỡ và chăm sóc các thành viên trong gia đình trong suốt năm mới.
Còn một truyền thống khác của Việt Nam - đó là lì xì cho trẻ em - đó là những phong bao lì xì. Người ta tin rằng lì xì mang lại may mắn, hạnh phúc và còn giúp ích trong học tập. Chúng em cũng được lì xì, một điều thật vô cùng bất ngờ.
Giênhia Bocharova, sinh viên tiếng Việt năm 3, Khoa phiên dịch, ĐHTH Ngôn ngữ Quốc gia Moskva:
Chúng em, cũng giống như nhiều người Việt Nam, cũng đi xin chữ đầu năm. Cô… đưa chúng em tới Văn Miếu. Mỗi người chọn những gì quan trọng hơn đối với mình trong năm mới. Katia xin chữ “Thành Công”, còn em xin chữ “Đức”.
Gần nửa đêm, tất cả mọi người ra quảng trường chính bên cạnh Hồ Gươm, nơi có thể nhìn thấy pháo hoa lễ hội một cách hoàn hảo. Đây là một cảnh tượng tuyệt không tả được, và chúng em đã thưởng thức "vũ điệu tuyệt đẹp của những bông hoa trên bầu trời đêm." Sau pháo hoa, người Việt Nam đi đến chùa hoặc về bàn thờ gia tiên để cầu nguyện và cầu xin sự thịnh vượng và an lành trong năm mới. Sau nửa đêm, chúng em cũng được cô …. đưa đến chùa.
1 / 3
Nhận lì xì năm mới
2 / 3
Đêm giao thừa
3 / 3

Katia xin chữ Thành Công

Giênhia Bocharova, Katia Verner, sinh viên tiếng Việt năm 3, Khoa phiên dịch, ĐHTH Ngôn ngữ Quốc gia Moskva:
Ngày 30 Tết là một ngày đầy ắp sự kiện. Đây là Tết đầu tiên của chúng em và chắc chắn chúng em sẽ ghi nhớ mãi.
Không khí Tết trong gia đình rất thần tiên, còn cô chủ nhà thì tuyệt vời. Chúng em đã tận mắt chứng kiến bao điều tuyệt diệu về Tết Việt Nam mà trước giờ mới chỉ được đọc trong sách và nhìn thấy trên phim ảnh. Cảm ơn các cô các chú đã cho chúng cháu trải nghiệm tuyệt vời.

Tết ở nhà bác Phạm Chi Mai

Căn hộ của cô Phạm Chi Mai, nguyên giảng viên Khoa Nga ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (ĐH Ngoại ngữ ĐH Quốc gia Hà Nội) nhìn thẳng ra cánh đồng lớn, vài năm trước khi các công trình xây dựng còn thưa thớt, những đàn cò trắng vẫn bay rợp trời ngoài khung cửa. Trong nhà có một căn phòng thờ Phật trang nghiêm và thanh nhã.
“Nước Nga, nền văn hoá và thiên nhiên Nga vẫn là một tình yêu lớn và sâu nặng trong trái tim những người đã từng đến đó, là một phần rất đẹp của cuộc đời mình và góp phần tạo nên tính cách của mình”, - Cô Phạm Chi Mai nói.
Người Việt tại Nga: 'Tổng thống Putin đã làm rất tốt. Tết Nguyên đán vẫn đầy đủ!'
Cô Phạm Chi Mai kể lại, sáng mùng Hai, sau bữa điểm tâm, cô dạy hai cô bé Nga Giênhia và Katia cách pha trà sen, dâng lên cúng Phật.
“Cái gì cũng thích, nhất là nghi lễ pha trà sen cúng Phật và được lì xì từ bàn thờ các cụ”.
Thấy các cháu thích uống trà, cô Mai đã gửi biếu hai bà mẹ của Katya và Giênhia loại trà hảo hạng, được gói cẩn thận và hút chân không. Hy vọng mùa hè này hai cô bé sẽ vui mừng thực hiện nghi lễ pha trà cho bố mẹ vừa nhớ lại những kỷ niệm tuyệt vời khi ăn Tết cùng Bác Mai.
“Em chưa bao giờ gặp ai dễ thương như bác Mai. Rất thú vị được ở bên bác, trò chuyện và nghe bác nói” - Katia cảm động nói, trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Chiều mùng Hai se lạnh, cô Phạm Chi Mai đưa Katia và Giênhia đến đón Tết với đại gia đình ở gần Hồ Tây, nhân tiện đưa hai cháu một vòng quanh thắng cảnh này của Thủ đô. Tới nơi, ba bác cháu được người nhà đưa đi một vòng hơn 15 km theo con đường nằm sát Hồ Tây. Cô Chi Mai chỉ cho hai cô gái Nga phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, những cánh sâm cầm trong buổi chiều mùa đông và dừng lại chụp ảnh bên hai chú rồng thép gần đường Trịnh Công Sơn.
Giênhia Bocharova và cô Phạm Chi Mai
Cô Phạm Chi Mai kể: Sau bữa cơm tối, cả nhà quây quần bên bàn nước cùng hát những bài hát tiếng Nga. Giai điệu “Chiều ngoại ô Mátxcơva” vang lên từ những người đã gắn bó với văn hóa Nga nhiều thập kỷ khiến Giênhia rơi nước mắt. Cô bé xúc động vì nhớ nhà, hay vì được yêu quý, hay vì giai điệu máu thịt vang lên ở nơi đất khách quê người cách nhà hàng vạn cây số?
“Cháu cảm động quá chú ạ. Cháu không thể cầm được nước mắt. Thật tuyệt diệu khi đại gia đình bác Mai biết nhiều bài hát tiếng Nga như vậy và hồi tưởng lại kỷ niệm với nước Nga một cách ấm áp”, - Giênhia chia sẻ với chú Vũ Mạnh Cường.

“Đó thực sự là một trải nghiệm khó quên và vô cùng quý giá. Chúng em đã thấy mọi thứ mà các giáo viên tiếng Việt ở Moskva đã kể cho chúng em và những gì chúng em đã đọc. Chúng em yêu văn hóa Việt Nam và rất vui khi được "chạm" vào nó”, - Giênhia và Katia chia sẻ cảm xúc về Tết Việt với Sputnik.

Không chỉ ở thủ đô Hà Nội

Ngoài những trải nghiệm Tết ở Hà Nội, sinh viên Nga học tiếng Việt đi thực tập ở Việt Nam cũng có những trải nghiệm Tết ở TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình…
Cũng như 2 bạn nữ Giênhia và Katia, với Ilya, sinh viên tiếng Việt năm 3, Khoa phiên dịch, ĐHTH Ngôn ngữ Quốc gia Moskva Tết Quý Mão 2023 cũng và Tết Việt đầu tiên trong đời. Và anh quyết định đón nó tại TP Hồ Chí Minh.

“Tôi rất ấn tượng về Tết ở TP Hồ Chí Minh: Cả thành phố được trang trí đẹp đẽ với những cây mai vàng và những lá cờ đỏ sao vàng cùng những lời chúc Tết. Khắp nơi tràn ngập không khí lễ, Tết. Giao thông không đông đúc như ngày thường nên đi dạo trong thành phố là một thú vui đặc biệt. Ở trung tâm thành phố có một chợ hoa khổng lồ và nhạc năm mới vang lên suốt ngày. Tôi đặc biệt thích thú và bất ngờ trước những bài hát về năm mới quen thuộc được dịch sang tiếng Việt. Một số đường phố trở thành phố đi bộ trong dịp Tết, là nơi tổ chức các hội chợ và lễ hội Tết. Tôi thích tất cả mọi thứ rất nhiều!”, - Ilya Semkin, sinh viên năm 3, Khoa phiên dịch, ĐHTH Ngôn ngữ Quốc gia Moskva nói về những cảm tưởng về Tết Việt với Sputnik.

Ilya Semkin đón Tết ở TP Hồ Chí Minh
Với Aleksandr Serdiukov và Konstantin Chudaikin thì đây không phải là Tết Việt đầu tiên. Kết thúc khóa thực tập lần này tại Hà Nội, hai sinh viên Nga này quyết định ở lại đón Tết Việt Nam trước khi về nước. Và lần này, họ đã có một trải nghiệm Tết Việt hoàn toàn độc đáo.
“Chúng tôi đã đến Ninh Bình vào dịp những ngày nghỉ năm mới. Chúng tôi ở homestay của một gia đình người Việt. Đã có rất nhiều niềm vui. Chúng tôi ăn Tết với chủ homestay và họ hàng của cô ấy. Vào bữa tối Tất niên, chúng tôi đã thử nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam: Bánh chưng, giò lụa, rau trộn, nước dùng đậm đà và dĩ nhiên là cơm. Điều này đã giúp chúng tôi hòa mình vào văn hóa Việt Nam và cảm nhận không khí Tết”, - Aleksandr Serdiukov, sinh viên năm thứ 5, Khoa phiên dịch, ĐHTH Ngôn ngữ Quốc gia Moskva tâm sự với Sputnik.
“Chúng tôi ở Ninh Bình chỉ một ngày rưỡi, nhưng đã tham quan được rất nhiều danh lam thắng cảnh: Hang động Vân Trình và Tuyệt Tịnh Cốc (động An Tiêm), cố đô Hoa Lư, đường đi dạo dọc bờ sông chính của Ninh Bình và đài quan sát trên núi bên cạnh ngôi làng nơi chúng tôi dừng chân. Chúng tôi cùng đi đến kết luận rằng khu vực Ninh Bình là một trong những nơi đẹp nhất mà chúng tôi từng đến”, - Konstantin Chudaikin, sinh viên năm thứ 5, Khoa phiên dịch, ĐHTH Ngôn ngữ Quốc gia Moskva nói với Sputnik.
Konstantin Chudaikin và Aleksandr Serdiukov đón Tết ở Ninh Bình
Những trải nghiệm Tết Việt, dù đầu đời hay lần thứ bao nhiêu đi chăng nữa, với những sinh viên Nga học tiếng Việt là vô giá. Chúng không chỉ mang lại cho họ cơ hội cảm nhận sự ấm cúng của Tết Việt, tình thương yêu của những người Việt Nam gắn bó với nước Nga, những khoảnh khắc giao thời khó quên, những trải nghiệm văn hóa Việt Nam, thiên nhiên Việt Nam, mà còn cho họ thêm nhiều kiến thức để rồi yêu hơn tiếng Việt, văn hóa Việt. Họ - những phiên dịch tiếng Việt tương lai, những “sợi chỉ” kết nối tình cảm và sự gắn bó Nga – Việt.
Thảo luận