Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam cho rằng, vốn điều lệ của Vietcombank là thấp nhất trong số các ngân hàng thương mại quốc doanh của Việt Nam, thấp hơn một số ngân hàng thương mại cổ phần và có khoảng cách lớn so với các ngân hàng hàng đầu trong khu vực hiện nay.
Vietcombank muốn thành NHTM Nhà nước có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (mã chứng khoán VCB) vừa công bố tờ trình bổ sung về phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2018, cổng thông tin điện tử ngân hàng Vietcombank xác nhận.
Cụ thể, Vietcombank cho biết việc tăng vốn điều lệ là “rất cần thiết” trên cơ sở đánh giá quy mô vốn của Vietcombank so với các ngân hàng trong nước và khu vực.
“Nếu không được tăng vốn điều lệ thì ngân hàng khó có thể đảm bảo vai trò chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần và khả năng điều tiết thị trường trong nước, đồng thời, cũng không đạt được mục tiêu “Phấn đấu đến cuối năm 2025, có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất thế giới (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á” theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng của Việt Nam”, - Vietcombank lưu ý.
Đồng thời, Vietcombank đánh giá việc tìm kiếm nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính phủ hợp với mục tiêu của ngân hàng và sẵn sàng đầu tư vào thời điểm này là “khá thách thức”. Do đó việc thực hiện phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư của Vietcombank vẫn chưa hoàn thành và đang tiếp tục xúc tiến.
Vietcombank cũng cho biết giải pháp phát hành trái phiếu tăng vốn cũng gặp khó khăn do đối mặt với xu hướng thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng và gây áp lực gia tăng chi phí vốn của Vietcombank.
Với vai trò là ngân hàng thương mại lớn góp phần hỗ trợ thực hiện các chính sách của Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và đặc biệt là cỏ đủ nguồn lực tích cực tham gia phương án tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém tại Việt Nam, Vietcombank khẳng định, cần bổ sung vốn để trở thành ngân hàng thương mại Nhà nước có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.
“Nước cờ lớn” với 2,77 tỷ cổ phiếu và 75.000 tỷ đồng vốn điều lệ
Phương án trở thành quán quân vốn điều lệ trên thị trường mà nhà băng quốc doanh này vừa công bố cho thấy những ‘nước cờ’ rất chiến lược.
Cụ thể, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tại phiên họp bất thường vào chiều 30/1/2023 đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2018.
Theo đó, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm 27.685 tỷ đồng.
Trong trường hợp thành công, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm 58,4%, từ hơn 47.325 tỷ đồng lên hơn 75.000 tỷ đồng.
Thời gian phát hành cũng được ngân hàng điều chỉnh dự kiến trong năm 2023, 2024, thời điểm cụ thể giao cho HĐQT quyết định sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Vietcombank cũng thông tin, vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của Vietcombank như: đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ; xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng mạng lưới; đầu tư cho quá trình chuyển đổi số; mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn…
Thực tế, trước đó, không ít lần đại diện các ngân hàng thương mại nhà nước đã đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ để tăng nguồn lực tài chính, đảm bảo chỉ số an toàn vốn.
Vượt qua VPBank
Hiện trong hệ thống ngân hàng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã HoSE: VPB) là nhà băng có vốn điều lệ cao nhất hơn 67.434 tỷ đồng.
Nếu lộ trình tăng vốn của Vietcombank thành công, ngân hàng thuộc nhóm Big4 quốc doanh này của Việt Nam sẽ có thể soán ngôi VPBank sau khi hoàn tất phương án tăng vốn năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 30/1, giá cổ phiếu VCB neo ở mức 89.900 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ so với đầu tháng 1/2023.
Về tình hình hoạt động, báo cáo từ Vietcombank cho biết, kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Vietcombank tăng 39% so với năm 2021 (khoảng 36.774 tỷ đồng, đạt 119% kế hoạch năm 2022).
NIM đạt 3,51%, tăng 0,24 điểm % so với 2021. Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,84% và 24,25%.
Theo Vietcombank, năm 2022, tín dụng tăng trưởng vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021. Tín dụng bán buôn tăng trưởng 18,5%; Tín dụng bán lẻ tăng trưởng ở mức 19,4% so với năm 2021.
Huy động vốn thị trường I của ngân hàng đạt xấp xỉ 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021, đạt 100% kế hoạch năm 2022. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn (CASA) bình quân đạt 34%, tăng 1,8 điểm % so với 2021 (tương đương khoảng 428.000 tỷ đồng). Huy động vốn bán buôn tăng trưởng 10,4%; huy động vốn bán lẻ tăng trưởng ở mức 8,0% so với năm 2021.
Đặc biệt, ngân hàng khẳng định, chất lượng tín dụng được kiểm soát. Dư nợ nhóm 2 là 3.289 tỷ đồng, tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,29%, giảm 0,08 điểm % so với 2021 (0,36%). Tổng số dư nợ xấu là 7.662 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,67%, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được giao. Dư quỹ dự phòng rủi ro là 35.603 tỷ đồng; tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng (khoảng 465%).
Trong năm 2023, ban lãnh đạo Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản đạt 9% so với năm 2022, tăng trưởng tín dụng dự kiến 12,8%, trong đó chưa loại trừ dư nợ 51.000 tỷ đồng dự kiến bán cho một tổ chức tín dụng yếu kém nhận chuyển giao bắt buộc trong năm 2023. Lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1,5%.
Tại Đại hội cổ đông của Vietcombank cũng đã thông qua việc bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 là ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank.