Việt Nam: Hơn 200.000 lao động bị nợ đóng BHXH, không lương hưu

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, có hơn 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu.
Sputnik
Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, nợ bảo hiểm xã hội, chủ doanh nghiệp bỏ trốn; số cuộc ngừng việc tập thể có dấu hiệu tăng lên. Cụ thể năm 2022, Việt Nam xảy ra 144 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 53 cuộc so với cùng kỳ năm 2021.

Tình trạng nghỉ việc, thôi việc, mất việc làm tăng

Sáng 1/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2022, đề ra nhiệm vụ trọng tâm phối hợp công tác năm 2023 và thời gian tới.
Báo cáo từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong năm qua, các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động; nhất là về việc làm, thu nhập, vấn đề nhà ở của công nhân, người lao động, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trường học, trạm y tế, nhu cầu về văn hóa, nơi vui chơi giải trí…
Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác phối hợp hoạt động giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn, ở địa phương, sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo thực thi chính sách, pháp luật có thời điểm chưa quyết liệt. Công đoàn ở một số nơi chưa làm tốt tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật đến được đông đảo đoàn viên, người lao động. Một số vấn đề cần quan tâm, như: nợ BHXH, chủ doanh nghiệp bỏ trốn; số cuộc ngừng việc tập thể có dấu hiệu tăng lên.
Theo ông Nguyễn Đình Khang, năm 2022, trên địa bàn cả nước xảy ra 144 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 53 cuộc so năm 2021. Hoạt động cho vay "tín dụng đen" diễn ra tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu tập trung đông công nhân lao động diễn biến phức tạp, chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu.
Ông Khang cho biết, những tháng cuối năm 2022, khi xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp chế biến gỗ, dệt may, da giày bị thiếu, cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống. Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày giảm từ 30 – 40% đơn hàng; chế biến gỗ giảm 50% đơn hàng.
Theo báo cáo của các cấp công đoàn, có 441 doanh nghiệp với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng.
“Trong đó có 562.400 lao động bị giảm giờ làm, 31.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 31.012 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc”, ông Khang cho biết và lưu ý, tình trạng thôi việc, bỏ việc của cán bộ, công chức, viên chức tăng nhiều.

Hơn 200.000 người lao động là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH

Liên quan đến vấn đề nợ BHXH, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho hay trong những năm qua, Bộ, Tổng LĐLĐ Việt Nam và BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ đưa ra các biện pháp để giải quyết vấn đề này, từ nhắc nhở, động viên, thanh tra, kiểm tra, xử phạt…
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình trốn tránh trách nhiệm với người lao động.
“Về lâu dài, chúng ta cần phải rà soát lại cơ chế chính sách, để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bảo vệ quyền lợi và lợi ích cho người lao động”, ông Dũng nói.
Trước tình thực trạng đáng lo ngại này, ông Nguyễn Đình Khang đề nghị Chính phủ giao Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổng hợp báo cáo tình hình doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động.
Hàng chục triệu người Việt Nam sẽ không có lương hưu?
“Có giải pháp cụ thể xử lý con số hơn 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu để báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội phương án giải quyết đảm bảo quyền lợi của người lao động”, ông Khang nói.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp để ổn định sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người lao động bị giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng.
Ông Khang, thay cho người lao động, đề nghị Chính phủ trình cấp có thẩm quyền sớm thực hiện Đề án cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 27 ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Ngoài ra,tiếp tục có các chính sách để thu hút và giữ chân công chức, viên chức có trình độ, năng lực, phẩm chất làm việc trong các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị.
Theo báo cáo nhanh, một số tổng công ty ngành xây dựng nợ lương người lao động với số tiền 269 tỷ đồng, nợ tiền BHXH 435 tỷ đồng, một số tổng công ty ngành GTVT nợ lương gần 205 tỷ đồng, nợ BHXH 750 tỷ đồng.
Thảo luận