Vừa ‘đội sổ’ thế giới, Việt Nam lại gây bất ngờ

Tại Lễ trao Giải thưởng du lịch ASEAN 2023, ở hạng mục "Nhà vệ sinh công cộng ASEAN lần thứ 2", Việt Nam có 3 đơn vị xuất sắc nhận giải. Cả 3 đơn vị này đều nằm ở TP.HCM.
Sputnik
Đáng chú ý, chỉ vài ngày trước đó, một khảo sát xếp hạng điều kiện nhà vệ sinh công cộng tại 69 thành phố du lịch trên thế giới cho biết, cả 2 thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM đều có điểm số rất thấp.

Giải thưởng du lịch ASEAN 2023

Chiều qua 5/2, trong khuôn khổ Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF) 2023 tại Indonesia, đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng du lịch ASEAN 2023.
Đây là sự kiện thường niên nhằm tôn vinh các địa phương, đơn vị có sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch chất lượng cao, góp phần phát triển bền vững các điểm đến du lịch trong khối ASEAN.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, 14 đơn vị đến từ Việt Nam đã vinh dự nhận giải thưởng.
Cụ thể, ở hạng mục giải thưởng "Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) ASEAN lần thứ 4", Việt Nam có 2 ứng viên đoạt giải là cụm homestay xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long và cụm homestay xã Nghĩa Đô, huyện Nghĩa Đô, tỉnh Lào Cai.
Việt Nam chiến thắng hàng loạt giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2021
Ở hạng mục "Du lịch cộng đồng lần thứ 3", Việt Nam có 4 đơn vị đoạt giải bao gồm: Hợp tác xã Dịch vụ du lịch cộng đồng Quản Bạ, tỉnh Hà Giang; điểm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, tỉnh Lai Châu; cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành, tỉnh Quảng Nam và Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, tỉnh Thái Nguyên.
Ở hạng mục giải thưởng "Dịch vụ Spa ASEAN lần thứ 2", Việt Nam có 5 đơn vị đoạt giải, bao gồm: Cham Spa & Massage ở TP.Đà Nẵng; cơ sở Sen Tài Thu Vincom Mega Mall Smart City - Hà Nội; Sol Spa (khách sạn nghỉ dưỡng Minera Resort), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Chi Spa (khách sạn nghỉ dưỡng Silk Path Grand Resort & Spa Sa Pa), tỉnh Lào Cai và Thala Spa (khách sạn Best Western Premier Sonasea Phú Quốc) ở Kiên Giang.

Bất ngờ cho Việt Nam

Đặc biệt, ở hạng mục "Nhà vệ sinh công cộng ASEAN lần thứ 2", Việt Nam có 3 đơn vị xuất sắc nhận giải là: nhà vệ sinh công cộng tại Đài quan sát Saigon Skydeck- Tháp tài chính Bitexco; tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và tại Khu du lịch Bến Xưa. Đáng chú ý, cả 3 công trình này đều ở TP.HCM.
Việc Việt Nam được trao giải "Nhà vệ sinh công cộng ASEAN lần thứ 2" cho 3 đơn vị nói trên là khá bất ngờ, theo đánh giá của báo Thanh niên. Trước đó chỉ vài ngày, tờ báo Nhật Bản Nikkei Asia dẫn một khảo sát xếp hạng điều kiện nhà vệ sinh công cộng tại 69 thành phố du lịch trên thế giới cho biết, cả 2 thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM đều có điểm số rất thấp.
Theo đó, Hà Nội đứng ở vị trí 66 và TP.HCM xếp 67/69 thành phố du lịch toàn cầu. Thứ hạng này thua xa Kuala Lumpur (Malaysia) ở vị trí 42, Bangkok (Thái Lan) ở vị trí 45; chỉ xếp trên Johannesburg (Nam Phi) và Cairo (Ai Cập). Bảng xếp hạng được tính toán dựa trên số nhà vệ sinh công cộng có trên mỗi km vuông.
Tổng kết 2024 và Dự báo 2025
10 sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch tiêu biểu năm 2022 của Việt Nam
Giải thưởng “Nhà vệ sinh công cộng ASEAN” được đánh giá dựa trên hệ thống quản lý môi trường và thiết kế. Các tiêu chí đánh giá bao gồm: hệ thống quản lý nước thải tốt và hệ thống xử lý nước đạt tiêu chuẩn, cảnh quan và thiết kế dễ chịu, bảng hiệu nhà vệ sinh công cộng rõ ràng, cơ sở vật chất dành cho người khuyết tật và người cao tuổi.
Giải thưởng còn được xét dựa trên các tiện nghi và cơ sở vật chất của nhà vệ sinh, như không gian thích hợp cho mỗi buồng, cung cấp đầy đủ tiện nghi, móc treo áo khoác và gờ trong buồng.
Giải thưởng "Nhà vệ sinh công cộng ASEAN" là sáng kiến của lực lượng đặc nhiệm tiêu chuẩn du lịch khối ASEAN, với mục tiêu giải quyết các vấn đề về tiêu chuẩn chất lượng trong nhà vệ sinh công cộng.
Thảo luận