Sputnik đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Nguyên Chính ủy Học viện Kỹ thuật Quân sự, Chủ tịch Hội hỗ trợ Gia đình Liệt sĩ Việt Nam về ngày tháng quân dân miền Bắc vừa chiến đấu, vừa sản xuất, đập tan chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Nguyên Chính ủy Học viện Kỹ thuật Quân sự, Chủ tịch Hội hỗ trợ Gia đình Liệt sĩ Việt Nam
© Ảnh : Hoàng Khánh Hưng
Sputnik: Xin chào Trung tướng, khi đế quốc Mỹ chính thức phát động chiến tranh miền Bắc ngày 7/2/1965, cảm xúc của ông lúc đó như thế nào?
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng:
Cảm nhận xúc của tôi lúc đấy là căm thù Đế quốc Mỹ, ý chí nung nấu muốn trả thù cho dân tộc. Năm 1965, khi đó mới 17 tuổi, tôi xung phong đi bộ đội và chiến đấu tại Đại đội Công binh phà Bến Thủy (Nghệ An) - một trong những trọng điểm ác liệt nhất mà địch đánh phá tại thành phố Vinh.
Phà Bến Thủy là khu vực đưa xe và bộ đội qua sông, chở hàng ra tiền tuyến suốt đêm ngày. Mặc dù có nhiều tuyến đường nhưng đường 1 và phà Bến Thủy là trọng điểm ác liệt nhất.
Ngược lại dòng lịch sử, ngày 5/8/1964, Đế quốc Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc Việt Nam nhưng cao trào nhất của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc phải tính từ năm 1965 với mục đích:
Thứ nhất, chiến tranh cục bộ tại miền Nam Việt Nam lúc đó đang bị sa lầy. Đế quốc Mỹ muốn cứu vãn chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Thứ hai, đế quốc Mỹ muốn ngăn chặn chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.
Thứ ba, Mỹ muốn đánh phá các cơ sở hạ tầng không chỉ của quân đội, mà còn của cả người dân, các khu công nghiệp, kinh tế nhằm mục đích phá hoại nền kinh tế của Việt Nam.
Thứ tư, Mỹ đánh phá miền Bắc nhằm đánh đòn tâm lý với âm mưu hòng làm nhụt ý chí của quân dân miền Bắc, cắt đứt chi viện từ hậu phương ra tiền tuyến miền Nam Việt Nam.
Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc ngày càng ác liệt hơn theo thời gian, đặc biệt từ Khu IV trở vào. Âm mưu của đế quốc Mỹ đánh phá vào khu vực tiếp giáp giữa miền Bắc và miền Nam, vì vậy Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình không ngày nào là không có tiếng bom rơi, sự hy sinh của các chiến sĩ và người dân vô tội, làng mạc bị đốt cháy.
Khẩu hiệu lúc bấy giờ “Xe chưa qua, nhà không tiếc”. Người dân sẵn sàng dỡ nhà, thậm chí cả bàn thờ tổ tiên để lát đường cho xe qua tiền tuyến.
Sputnik: Khi chiến đấu tại phà Bến Thuỷ, kỷ niệm khó quên nhất của Trung tướng vào thời điểm đó là gì?
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng:
Tháng 11/1965, tôi được phân công tại Đại đội Công binh phà Bến Thủy (Nghệ An). Tuy còn nhỏ tuổi nhưng với tác phong nhanh nhẹn, Đại đội đã cử tôi đi học lớp lái cano tại Ty giao thông Nghệ An.
Sau đó, tôi về trực tiếp lái cano tại phà Bến Thủy. Được mệnh danh là “yết hầu lửa”, mỗi ngày đế quốc Mỹ dội hàng nghìn quả bom, rocket và pháo các loại vào đây nhằm ngăn chặn chi viện của miền Bắc cho miền Nam.
Buổi đêm, pháo sáng của đế quốc Mỹ sáng như ban ngày để chúng có thể quan sát được phà và lực lượng quân đội Việt Nam nhằm bắn tên lửa, thả bom gồm cả bom bi.
Kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi lúc đó là khi chất 8 chiếc ô tô tải lên phà, chuẩn bị nhổ neo sang bờ Nam thì máy bay địch bất ngờ tấn công bắn phá. Đồng chí Tiểu đội trưởng lúc đó hô lớn "Cho neo phà! Lên bờ ẩn nấp!". Tôi đáp lại “Neo phà vào, có khi chúng ta chết hết! Cứ chạy đi”.
Tôi cứ chạy đến giữa sông thì quân địch thả bom bi, rất nhiều xe bị hỏng hóc và nhiều thương vong ở trên bờ. Tôi vẫn gan lì cho phà chạy, khi tới được bên kia sông mới biết là mình thoát được.
Sputnik: Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung tướng đánh giá ra sao về tinh thần vừa sản xuất, vừa chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ của quân dân miền Bắc?
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng:
Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước, khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Đảng, Chính phủ đã có chủ trương rất kịp thời, có những định hướng chiến lược phát động toàn dân đánh Mỹ, chống chiến tranh phá hoại. Chính vì vậy, Việt Nam mới có hỏa lực ở các tầm: tầm cao - tầm trung - tầm thấp.
Ngày đó, quân và dân Việt Nam còn sử dụng cả những con diều thả lên bầu trời để tiêu diệt không quân địch. Khi máy bay địch bay với vận tốc lớn, gặp phải dây diều cũng có thể phát nổ.
Mỗi một gia đình đều có hầm trú ẩn. Không chỉ có hầm trú ẩn cho gia đình và đơn vị, dọc đường giao thông cũng có hầm trú ẩn tròn. Thậm chí ở những địa hình cát không đào được hầm, người dân đã đổ bê tông vào ống cống, thả xuống thành hầm.
Chính nhờ lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân đã ra sức chung tay vừa chiến đấu, vừa sản xuất, đập tan chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Âm mưu của đế quốc Mỹ là làm lung lay ý chí của quân dân miền Bắc, cắt đứt chi viện cho miền Nam đã thất bại. Ngược lại, qua lời kêu gọi của Bác Hồ, lòng dân, ý Đảng và quyết tâm của nhân dân miền Bắc chi viện cho nhân dân miền Nam để góp phần giải phóng miền Nam càng sục sôi hơn. Thậm chí, một số nhiệm vụ được hoàn thành hiệu quả hơn.
Không những trai trẻ lên đường vào Nam đánh Mỹ, mà lực lượng dân quân tự vệ là phụ nữ, thậm chí ông bà già tham gia bắn máy bay.
Dù bị địch bắn phá ác liệt nhưng hậu phương miền Bắc vẫn kiên cường chống trả, đảm bảo “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” cho miền Nam ruột thịt.
Sputnik: Thưa Trung tướng, đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được thể hiện như thế nào thông qua việc kế hoạch leo thang chiến tranh của Mỹ thất bại? Vai trò giúp đỡ Việt Nam của Liên Xô đóng góp ra sao cho thắng lợi ấy?
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng:
Tôi cho rằng nhờ sự lãnh đạo của Đảng và ý chí quật cường của quân dân Việt Nam, mà “một viên đạn chi viện cho hai chiến tuyến”. Ví dụ, lực lượng không quân Việt Nam lúc được huy động đánh ở B5, lúc ở vĩ tuyến 17, lúc quay ra Vĩnh Linh (Quảng Bình) để chiến đấu.
Mỹ phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc được chia làm hai giai đoạn. Tuy nhiên,trong giai đoạn 1 (8/1964-11/1968) là khoảng thời gian Mỹ đánh miền Bắc ác liệt nhất. Trong thời gian đó, không quân Việt Nam đã bắn rơi khoảng 3300 máy bay Mỹ. Trong đó tiêu diệt được 6 “pháo đài bay” B52 tại Vĩnh Linh (Quảng Trị) và hàng trăm máy bay F111.
Giai đoạn 2 (sau Tổng tiến công Mậu Thân 1968), đế quốc Mỹ hạn chế ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra với suy nghĩ đây là nơi tập trung lương thực, thực phẩm, bộ đội chi viện cho chiến trường miền Nam.
Lúc đó quân đội Việt Nam còn rất khó khăn, Liên Xô đã viện trợ cho quân đội Việt Nam rất nhiều. Nếu so sánh, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam gấp đôi Trung Quốc.
Thậm chí, Liên Xô sẵn sàng gửi lực lượng sang Việt Nam chiến đấu nhưng quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam là “tự lực cánh sinh”, chỉ nhận viện trợ.
Điều này thấy được rằng, Đảng và Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao giải phóng miền Nam, động viên toàn dân dùng ý chí và sức mình để thống nhất toàn đất nước.
Sputnik: Gần 50 năm chiến tranh đi qua, nhưng còn rất nhiều hài cốt của những người lính anh dũng hy sinh vẫn chưa được tìm thấy. Là Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Trung tướng có thể chia sẻ một số hoạt động nổi bật của Hội trong thời gian qua?
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng:
Chiến tranh rất tàn khốc, chúng ta được sống trong hòa bình, độc lập, tự do ngày hôm nay phải trân trọng những hy sinh của gần 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống.
Tính đến thời điểm này, vẫn còn 53 vạn liệt sĩ chưa biết tên. Trong đó, hơn 300.000 liệt sĩ được đưa về hơn 3.000 nghĩa trang trên toàn quốc. Còn lại hơn 200.000 liệt sĩ đang nằm tại các chiến trường Việt Nam, Lào và Campuchia, kể cả phía Bắc và chưa tìm thấy hài cốt.
Đau đáu về việc này, khi còn sống Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh có mời một số cán bộ, trong đó có tôi để bàn việc tìm đồng đội.
Là một người lính từng chiến đấu và may mắn trở về, nhớ lại lời thề năm xưa “Người đang sống tìm cách đưa người chết trở về”. Chính vì tâm nguyện ấy, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 1081/QĐ-BNV ngày 17/9/2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Nguyên Chính ủy Học viện Kỹ thuật Quân sự, Chủ tịch Hội hỗ trợ Gia đình Liệt sĩ Việt Nam
© Ảnh : Hoàng Khánh Hưng
Qua 12 năm hoạt động, Hội được Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng hết sức quan tâm, chỉ đạo cụ thể từng công việc. Chúng tôi là cánh tay nối dài cho Đảng và Nhà nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục Chính sách - Bộ Quốc phòng thực hiện công tác tri ân.
Trong suốt thời gian qua, Hội đã giám định ADN và trả lại tên cho hơn 800 liệt sĩ, di chuyển và đưa hơn 1.000 hài cốt liệt sĩ từ nghĩa trang về đất mẹ. Đồng thời xây dựng 1.200 căn nhà tình nghĩa; tặng hơn 3.500 sổ tiết kiệm trị giá 5 triệu đồng; tặng 380.000 suất quà trị giá 3 triệu đồng.
Ngoài ra, Hội còn tặng xe đạp, xe lăn, tìm đồng đội và đính chính bia mộ thông tin cho hàng vạn liệt sĩ tại các nghĩa trang trên cả nước.
Những việc làm đó của chúng tôi là chỗ dựa tin cậy cho hàng vạn, hàng triệu gia đình liệt sĩ trên khắp cả nước. Hiện tại, chúng tôi mới thành lập được 16 hội cấp tỉnh, 28 chi hội cấp huyện, cấp phường và cấp quận.
Hình ảnh 250 mâm cỗ giỗ trận ở Vị Xuyên, Hà Giang
© Ảnh : Hoàng Khánh Hưng
Với hơn 20.000 hội viên khắp cả nước và bản thân tôi đã sang Lào 7 lần để tìm liệt, tôi vẫn luôn canh cánh một điều: việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ngày càng khó khăn, bởi vì chiến tranh kết thúc đã lâu.
Các liệt sĩ nằm ở dưới đất hay trong rừng sâu, có người còn hài cốt, có người chỉ còn nắm đất không. Hơn nữa, các nhân chứng đã già, có người đã mất, địa hình - địa chất thay đổi, địa danh nơi các liệt sĩ hi sinh cũng thay đổi do sáp nhập tỉnh…tìm được một thân nhân rất khó.
Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là việc lâu dài và cần có sự chung tay của cả xã hội, tập trung giải quyết dứt điểm trong thời gian nhất định, thì sớm hy vọng trả tên lại cho các liệt sĩ.
Sputnik: Xin cảm ơn Trung tướng vì buổi phỏng vấn đầy ý nghĩa!