Đây là bình luận của ông về nhận xét của nữ nhà báo rằng Kiev và Moskva vào tháng 3/2022 từng tiến gần nhất đến khả năng ký kết thỏa thuận. Theo Thư ký báo chí Bộ Ngoại giao, thông tin về sự can thiệp của phương Tây đến từ một số nguồn đáng tin cậy.
"Một số quan chức cấp cao nói với chúng tôi quan điểm của các đối tác phương Tây được truyền đạt đến Tổng thống Zelensky của Ukraina là ở giai đoạn này nên dừng các cuộc đàm phán hòa bình", - ông Glaz nói.
Ông cho biết thêm rằng vào thời điểm đó văn bản ở mức độ nhất định đã sẵn sàng, có thể đưa ra thảo luận. Glaz nói rằng Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko vào thời điểm đó nhấn mạnh điều quan trọng nhất là ngăn chặn đổ máu. Đồng thời, Moskva và Kiev thực sự chỉ còn một bước nữa là đạt được thỏa thuận, nhưng sau đó phía bên kia nhận được "những chỉ thị khác" - và quá trình đàm phán đã bị dừng lại.
Theo Thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Belarus, hiện nay không thấy có điều kiện nào giúp nối lại đối thoại, mặc dù "ngoại giao cần phát huy tác dụng".
Nỗ lực đàm phán
Các cuộc tham vấn Nga - Ukraina bắt đầu vào cuối tháng 2/2022: các phái đoàn đã tổ chức hai cuộc gặp mặt trực tiếp tại Belarus, sau đó quá trình tham vấn tiếp tục diễn ra hàng ngày thông qua hội nghị truyền hình. Vào cuối tháng 3, đại diện các nước đã tổ chức một vòng đàm phán khác tại Istanbul. Khi đó ông Vladimir Medinsky, Trợ lý Tổng thống đứng đầu phái đoàn Nga nói rằng Ukraina đã đưa ra các đề xuất bằng văn bản cho một thỏa thuận trong tương lai. Moskva coi đó là một bước tiến và lưu ý rằng đây là lần đầu tiên sau nhiều năm Kiev thể hiện mong muốn đàm phán.
Để đáp lại, phía Nga đã tiến hai bước về phía Ukraina. Thứ nhất đã quyết định giảm đáng kể hoạt động chiến sự ở hướng Kiev và Chernigov. Thứ hai, Moskva đề xuất để cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Vladimir Zelensky diễn ra đồng thời với việc hai Ngoại trưởng ký tắt hiệp ước.
Tuy nhiên sau đó Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Ukraina đã từ chối đề xuất của chính họ và thực hiện nhiều hành động khiêu khích nhằm làm chậm quá trình đàm phán. Cụ thể Kiev đưa ra dự thảo hiệp ước khác biệt hẳn so với các điều khoản đã được ấn định tại cuộc họp ở Istanbul. Đó là sửa đổi những điểm liên quan đến Crưm, cũng như ở điểm về các cuộc tập trận quân sự, phái đoàn Ukraina không đưa vào nội dung cần có sự đồng ý của Moskva.