‘Người dân Thổ Nhĩ Kỳ xúc động trước hành động của Việt Nam’
HÀ NỘI (Sputnik) - Ngay sau khi trận động đất kép xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào rạng sáng 6/2, Chính phủ Việt Nam đã cử hai đoàn cứu hộ sang Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa. Đồng thời, cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ đã chung tay giúp đỡ nạn nhân trận động đất.
SputnikLan tỏa tinh thần tương thân, tương ái
Trao đổi với Sputnik, anh Dương Nam Phương, Công ty cổ phần du lịch và thương mại VT Travel Plus có trụ sở tại quận quận Bakırköy, Istanbul, quản trị viên Facebook Cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết
cộng đồng người Việt Nam hầu hết sinh sống và làm việc tại phía Tây quốc gia này nên không chịu ảnh hưởng quá nhiều của thảm họa động đất vừa qua.
“Theo như tôi biết, may mắn chỉ có 3 người, không phải là 6 người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Ba chị em đều an toàn cả. ĐSQ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã liên lạc, động viên các chị em kịp thời. Đồng thời hẹn một ngày gần nhất sẽ xuống gặp và thăm hỏi, tìm hiểu khó khăn của bà con người Việt bị ảnh hưởng tại đây”, anh Phương nói.
Từ lúc xảy ra thảm họa, cộng đồng đã và đang làm hết sức để hỗ trợ nạn nhân của trận động đất thông qua các hoạt động cứu trợ, gửi hàng hóa đến các khu vực bị ảnh hưởng. Anh Nam Phương cho biết thêm:
“Trong ngày đầu tiên, chúng tôi đã giao được 4 thùng hàng quần áo mùa đông cho nam/nữ cho Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp của Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD). Sau đó mọi người trên Fanpage rất quan tâm, và tôi nhận được hai đề nghị của cổ đông lớn nhất của Công ty VT Travel Plus, nơi mình làm việc và Công ty LF Global Tech Media. Hai công ty này đã phối hợp và tặng 50 thùng hàng thực phẩm và các nhu yếu phẩm”.
Tất cả số hàng quyên góp của cộng đồng người Việt tại đây đã được giao cho chính quyền thành phố Istanbul. Cũng theo anh Phương, công tác cứu hộ trong 3 ngày đầu gặp khó khăn rất nhiều do thời tiết xấu, tuyết rơi nhiều. Anh cho biết thêm:
“Thời tiết lạnh giá làm cho trơn trượt, đường vào cứu hộ cũng không được. Thứ hai, thời tiết khắc nghiệt như vậy làm giảm sức chịu đựng của nạn nhân bị kẹt trong đống đổ nát, chờ giải cứu. Bây giờ đồ vật nào cũng quý từ quần áo, tã lót, giày dép và thực phẩm. Hầu hết nhà cửa đều thiệt hại nặng nề, các nạn nhân đầu tiên phải có quần áo để tránh lạnh, sau đó là thực phẩm để chống đói”, anh Phương chia sẻ với Sputnik.
Là người có vợ là người Thổ Nhĩ Kỳ, anh Phương thấu hiểu hơn ai hết khó khăn lúc này của người dân nơi đây. Anh tâm sự:
“Chị dâu và anh rể tôi là người Thổ Nhĩ Kỳ sống ở thành phố Mersin, phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù cách nơi xảy ra thảm họa 250km, rung chấn lớn đến nỗi làm thang máy của tòa nhà bị hư hại. Anh chị tôi lúc đầu định về trang trại riêng để sơ tán nhưng bây giờ xuống một vùng khác để lánh nạn”.
Điểm đặc biệt là trên các thùng hàng được chuyển đi đều in quốc kỳ của Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đặt cạnh nhau cùng dòng chữ đầy xúc động: 'Sớm khỏe lại nhé Thổ Nhĩ Kỳ!' (Gegmis Olsun Türkiye).
‘Việt Nam ngày càng có trách nhiệm với thế giới’
Đây là khẳng định của anh Dương Nam Phương khi biết tin Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam cử hai đoàn cứu hộ sang Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào hoạt động nhân đạo, cứu trợ thảm họa.
“Cũng như cộng đồng người Việt tại đây và cả người dân Thổ Nhĩ Kỳ đều rất xúc động khi thấy quân đội, cảnh sát Việt Nam sang tham gia hỗ trợ giải cứu. Nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, hai đất nước cũng có điểm giống nhau trong văn hóa truyền thống, đặc biệt là tinh thần tương thân, tương ái nên họ rất mừng. Tôi thấy rất vui Việt Nam ngày càng có trách nhiệm và tham gia nhiều hoạt động để khẳng định hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế”, anh Phương xúc động nói.
Theo TTXVN, chiều 12/2, tại thành phố Adiyaman (Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ), đoàn công tác cứu nạn, cứu hộ quốc tế của
Bộ Công an Việt Nam đã trao tặng 2 tấn thiết bị y tế cho Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Cơ quan ứng phó thảm họa và tình huống khẩn cấp (AFAD) của nước này.
Thành phố Adiyaman - địa phương mà đoàn Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ - là 1 trong 3 vùng bị thiệt hại nhiều nhất trong
thảm họa động đất sáng 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam còn lan tỏa ngay tại Việt Nam. Bà Hoàng Minh Phương, Phó Giám đốc Công ty Joymark Travel, cho biết:
“Mặc dù trận động đất khiến chúng tôi phải huỷ số lượng lớn tour du lịch dành cho khách hàng Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chúng tôi đã quyên góp được một số tiền và gửi cho đối tác ở Thổ Nhĩ Kỳ để có thể giúp đỡ người dân bị nạn”.
Tương tự, anh Lê Nguyễn Thái Sơn, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam), chia sẻ với Sputnik rằng là một thành viên thuộc EY Global Limited, EY Việt Nam cũng có chương trình đóng góp hỗ trợ đồng nghiệp tại Thổ Nhĩ Kỳ.
“Tôi tin người dân ở đó có thể vượt qua được thời khắc này giống như người dân Nhật Bản đã làm được sau thảm họa sóng thần vào năm 2011”, anh Sơn bày tỏ.
Hành động đẹp của Việt Nam được người dân Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhó và sẵn sàng hỗ trợ đất nước hình chữ S trong hoàn cảnh tương tự.
Theo thông tin từ website, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam và Tham tán Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất (quần áo, nhu yếu phẩm cần thiết chưa qua sử dụng) tới người dân khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất.
Thời gian tiếp nhận: Đến thứ sáu ngày 17-2 (từ 10h - 15h)
- Khu vực phía Bắc từ Đà Nẵng trở ra: Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ, tầng 14 Hanoi Central Office Building, 44B phố Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Khu vực phía Nam từ Quảng Nam trở vào: Kho SCSC số 30 đường Phan Thúc Duyện, quận Tân Bình, TP.HCM.
Thông tin nội dung hàng hóa, số lượng, trọng lượng cần được gửi trước tới email sau đây dưới dạng danh sách: embassy.hanoi@mfa.gov.tr hoặc hguntepe@thy.com
Lưu ý:
Hàng viện trợ được gửi đi phải được bọc bằng các túi nhựa và đặt vào trong hộp/thùng. Đối với số lượng hàng lớn, người dân và tổ chức nên liên hệ trước với đại sứ quán.