Lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu thanh tra, kiểm tra các công ty bảo hiểm, bao gồm cả các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm. Không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn.
Chấn chỉnh tình trạng "ép" khách hàng mua bảo hiểm qua ngân hàng
Ngày 20/2, Bộ Tài chính có động thái đáng chú ý nhằm mục đích tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động trên thị trường bảo hiểm tại Việt Nam.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có ý kiến chỉ đạo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Cục QL&GS bảo hiểm) về việc tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động trên thị trường bảo hiểm.
Biện pháp này là nhằm không để xảy ra tình trạng nhân viên ngân hàng chèo kéo, gợi ý, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm cùng với các sản phẩm tài chính khác khi vay vốn, tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.
Công văn số 1544 /BTC-VP của Bộ Tài chính ngày 20/2 nêu rõ, liên quan tới công tác quản lý thị trường bảo hiểm, trong năm 2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã nhiều lần có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, các công ty môi giới bảo hiểm nhằm hạn chế tối đa tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm, cũng như đảm bảo tối đa quyền lợi của người mua bảo hiểm.
Đặc biệt, tại cuộc họp giao ban Bộ Tài chính tháng 9/2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã giao Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm chủ động giám sát chặt chẽ thị trường bảo hiểm, không để xảy ra tình trạng nhân viên ngân hàng chèo kéo, gợi ý, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm cùng với các sản phẩm tài chính khác khi vay vốn, tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.
“Tuy nhiên, qua phản ảnh của báo chí, thời gian qua vẫn có tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn”, Bộ trưởng thẳng thắn.
Về việc này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp tục yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm.
Ông Phớc yêu cầu tiến hành thanh tra, kiểm tra các công ty bảo hiểm, bao gồm cả các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm.
“Không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết trái với quy định pháp luật liên quan”, lãnh đạo Bộ Tài chính nêu rõ.
“Bia kèm lạc”
Gần nhất, như Sputnik đã thông tin, Bộ Tài chính đã nhận được đơn tố cáo các công dân liên quan đến việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên Ngân hàng SCB (đại lý của Công ty TNHH Manulife Việt Nam).
Nêu trong đơn thư, người dân tố cáo việc Bảo hiểm Manulife tổ chức mạng lưới bán bảo hiểm thông qua môi giới tại SCB lạm dụng tín nhiệm, tư vấn và “có dấu hiệu đưa thông tin sai lệch lừa khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm”. Khách hàng cho biết, họ bị phía SCB tư vấn sai lệch, không có nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ, đồng thời, nhân viên tự ý kê khai, kể cả mức thu nhập hằng tháng, tình trạng sức khỏe.
Nhiều người dân đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo, đồng thời buộc ngân hàng SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.
Căn cứ quy định của Luật Tố cáo, Nghị định 31/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, Thông tư số 05/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, Bộ Tài chính chuyển đơn đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) để được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật và thông báo kết quả tới Bộ Tài chính.
Đánh giá về tình trạng này, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB nhận định, để xảy ra tình trạng “bia kèm lạc” là điều đáng tiếc.
Nguyên nhân chính, theo lãnh đạo OCB, chủ yếu là vì nhiều nhân viên ngân hàng “ẩu”, chỉ vì chạy theo chỉ tiêu, muốn đạt được kết quả kinh doanh mà không chịu khó học hỏi kỹ năng để phân tích lợi ích của sản phẩm để thuyết phục khách hàng thay vì “chiêu dụ” dựa vào lợi thế của bên cho vay.
“Ở đây cần phải nói đến đạo đức của người bán hàng”, ông Tùng phân tích.
Ông dẫn chứng, có nhân viên ngân hàng giới thiệu sản phẩm bảo hiểm mà giống như sản phẩm tiền gửi là sai, đó là người không có đạo đức nghề nghiệp. Người có đạo đức là phải phân tích cho khách hàng để họ thấy cả mặt lợi ích lẫn rủi ro của sản phẩm bảo hiểm và phải nhắm đúng đối tượng, để khách hàng gắn bó lâu dài với ngân hàng.
Theo chuyên gia, trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thì cần nhất là khách hàng và mọi thu nhập ngân hàng có được đều đến từ “thượng đế”, do đó, nếu chỉ chăm chăm bán hàng bằng được, bán bằng mọi cách thì chắc chắn là không giữ được khách hàng.
Công bố đường dây nóng
Bộ trưởng chỉ đạo phải tổ chức công bố đường dây nóng (số điện thoại, email) để tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân và doanh nghiệp về các sản phẩm bảo hiểm biến tướng nêu trên.
“Phân công cán bộ trực 24/7 và kịp thời kiểm tra xác minh thông tin để có biện pháp thanh tra, phối hợp với cơ quan công an và thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Đồng thời, phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng để xảy ra tình trạng nhân viên ép buộc khách hàng mua bảo hiểm.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu cơ quan hữu quan tiến hành rà soát và báo cáo đánh giá rủi ro tình hình thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Đặc biệt là có đánh giá về thực trạng số lượng, hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, tái bảo hiểm so với quy mô thị trường và đặc biệt là việc tuân thủ các quy định trong hoạt động huy động, đầu tư vốn (nếu có) của các doanh nghiệp bảo hiểm tại một số lĩnh vực có hệ số rủi ro cao.
Lãnh đạo Bộ đề nghị Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm khẩn trương tổ chức thực hiện và kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả triển khai lên Bộ trưởng.
Ngân hàng Nhà nước cấm ép khách mua bảo hiểm
Đánh giá việc các ngân hàng đều bán "bia kèm lạc" từ các khoản cho vay thì trách nhiệm quản lý của NHNN như thế nào, TTXVN dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, hiện một số ngân hàng vì lợi nhuận đã không tách bạch việc giao kết hợp đồng bảo hiểm riêng với các giao kết khác của tổ chức tín dụng.
“Đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải được xử lý. Tôi hy vọng trong thời gian tới ‘vấn nạn’ này sẽ được NHNN chấn chỉnh kịp thời”, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch lưu ý.
Luật sư nhắc lại, trong hoạt động quản lý Nhà nước, NHNN có những hoạt dộng thanh tra, kiểm tra việc một số ngân hàng đang có hành vi vi phạm.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt nam (NHNN) đã có văn bản số 6535/2022 của cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài về một số vấn đề trong hoạt động của các TCTD.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của NHNN về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm.
Các ngân hàng phải cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm và không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm, nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm.
Thực tế, NHNN đã thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý phản ảnh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Khi phát hiện sự việc, người dân có thể gọi cho hotline của NHNN để phản ánh tình trạng ngân hàng ép khách hàng đi vay vốn mua bảo hiểm:
Số điện thoại cố định: (024) 3936.1017
Số điện thoại di động: 0942.966.854
Email: duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn.