Tính đến hết năm 2022, nợ bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn lên đến hơn 4.000 tỷ đồng, khiến cho gần 206.500 lao động bị ảnh hưởng.
Cho hưởng lương hưu?
Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong đó đề xuất giải quyết chế độ với lao động tại doanh nghiệp phá sản, đang làm thủ tục phá sản, ngừng hoạt động, hoặc không còn người đại diện pháp luật mà chưa đóng đủ bảo hiểm xã hội.
Đối với lao động đủ tuổi nghỉ hưu, đóng bảo hiểm xã hội 20 năm trở lên mà không gồm thời gian bị nợ bảo hiểm xã hội thì được hưởng lương hưu tại thời điểm đủ điều kiện.
Trường hợp sau đó khoản tiền bảo hiểm xã hội bị nợ được doanh nghiệp đóng bù hoặc bổ sung bằng nguồn tài chính khác thì được cộng thời gian này để tính lại mức hưởng lương hưu.
Trường hợp sau đó khoản tiền bảo hiểm xã hội bị nợ được doanh nghiệp đóng bù hoặc bổ sung bằng nguồn tài chính khác thì được cộng thời gian này để tính lại mức hưởng lương hưu.
Đối với lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà đóng bảo hiểm dưới 20 năm, trong đó có 10 năm thực đóng trở lên, nếu có nguyện vọng thì đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu. Thời điểm hưởng được tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đóng đủ tiền.
Trường hợp khoản tiền bị nợ được doanh nghiệp đóng bù hoặc nguồn tài chính khác bổ sung sau đó thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ cộng thêm thời gian bị nợ để tính lại mức hưởng. Tuy nhiên, số tiền lao động đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện không được hoàn trả.
Chế độ bảo hiểm xã hội một lần
Chế độ này được đề xuất giải quyết với các trường hợp sau đây:
Thứ nhất là với lao động làm việc trong điều kiện bình thường, chưa đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội (tính cả thời gian bị nợ); người ra nước ngoài định cư;
Trường hợp thứ hai là với người mắc một trong các bệnh nguy hiểm tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang AIDS và một số bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
Trường hợp thứ ba là với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan nghiệp vụ, người làm công tác cơ yếu trong lực lượng vũ trang phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu;
Trường hợp còn lại là lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc và người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không đóng tiếp mà chưa đủ 20 năm.
Số tiền hưởng một lần được tính trên thời gian thực đóng, không tính lúc bị nợ. Nếu tiền nợ sau đó được đơn vị hoặc nguồn tài chính khác đóng bù thì giải quyết bổ sung bảo hiểm xã hội một lần. Lao động đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên bị từ chối rút bảo hiểm xã hội một lần.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị cho lao động hưởng chế độ ốm đau, thai sản trên thời gian thực đóng. Riêng đối với lao động sinh con, nhận con nuôi mà doanh nghiệp vẫn đang nợ tiền bảo hiểm thì vẫn được hưởng trợ cấp nếu đóng đủ 6 tháng trở lên vào Quỹ Ốm đau, thai sản. Trường hợp tiền nợ được đóng bù sau đó thì lao động sẽ được điều chỉnh mức hưởng.
Chế độ tử tuất
Về tử tuất, lao động thực đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 12 tháng trở lên hoặc tổng thời gian đóng bắt buộc lẫn tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên, không tính quãng bị nợ thì được giải quyết trợ cấp mai táng với thân nhân.
Lao động thực đóng 15 năm bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên, có thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng mà không muốn hưởng một lần thì được hưởng hàng tháng.
Tiền tuất một lần được giải quyết cho lao động chưa đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội bắt buộc; người đủ 15 năm thực đóng trở lên; người có 15 năm thực đóng trở lên mà không có thân nhân đủ điều kiện hưởng tiền tuất hàng tháng.
Trường hợp khoản nợ bảo hiểm xã hội được đóng bù sau đó thì lao động được giải quyết tiền tuất một lần bổ sung như với bảo hiểm xã hội một lần.
Nhiều khó khăn
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, lao động bị doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội đang gặp nhiều khó khăn, có nhu cầu hưởng bảo hiểm và tự nguyện đóng nộp để hưởng chế độ. Do đó, cần sớm có biện pháp giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, ổn định an ninh, trật tự địa phương.
Đến hết năm 2022, nợ bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn là hơn 4.000 tỷ đồng, ảnh hưởng quyền lợi của gần 206.500 lao động.
“Việc khởi tố tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội còn vướng mắc về mặt chính sách, thẩm quyền”, nhà chức trách lưu ý.
Như Sputnik đã thông tin, vào đầu tháng 2 vừa qua, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị Chính phủ sớm báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội phương án giải quyết quyền lợi cho số lao động bị ảnh hưởng nói trên.