Việt Nam: Mục tiêu đón 8 triệu du khách quốc tế trong năm 2023 có khả thi?

HÀ NỘI (Sputnik) - Năm 2022, du lịch Việt Nam ghi nhận tốc độ phục hồi ngoạn mục của thị trường trong nước với hơn 101,3 triệu khách, tăng hơn 15% so với giai đoạn hoàng kim năm 2019. Tuy nhiên, tổng thu từ ngành du lịch lại giảm 30%, trong khi các công ty du lịch vẫn đối mặt với nguy cơ phá sản. Khách quốc tế có phải là lời giải cho bài toán này?
Sputnik

Thị trường du lịch nội địa khởi sắc

Tính riêng dịp nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lượng khách nội địa ước tính khoảng 9 triệu lượt, tăng 47,5% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2022. Tổng thu du khách đạt 17,5 nghìn tỷ đồng.
Du khách thăm quan Khu du lịch sinh sinh thái Tràng An những ngày đầu năm mới
Theo các công ty lữ hành chia sẻ với Sputnik, một trong những nguyên nhân khiến thị trường khách nội địa bùng nổ trong năm 2022 là việc thay đổi hành vi của du khách trong nước. Đại diện Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Yourtour Việt Nam cho biết:

“Khách nội địa, đặc biệt là du khách từ khu vực phía Bắc, chịu chi hơn rất nhiều so với trước. Ngoài ra, các địa điểm du lịch trong nước cũng rầm rộ quảng bá trên các mạng xã hội như TikTok, thu hút một lượng lớn du khách thích chụp ảnh, check in”.

Sự phục hồi mạnh mẽ sau dịch cũng ghi nhận sự tăng trưởng thăng hoa đột biến của những điểm đến mới mẻ như: Tây Ninh, Phú Quốc, Ninh Bình…
Các địa điểm du lịch trong nước thu hút số lượng lớn khách tham quan khiến ngành hàng không Việt Nam sôi động chặng bay trong nước. Theo thống kể của Cục hàng không Việt Nam mới đây, tháng 1/2023, sản lượng hành khách nội địa đạt 7,5 triệu khách, tăng 15% so với tháng 12/2022.
Đề nghị Trung Quốc sớm đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm du lịch

Điều gì cản trở khách quốc tế đến Việt Nam?

Mặc dù đạt được con số ấn tượng đối với du lịch nội địa, thế nhưng, kết thúc năm 2022, các doanh nghiệp lữ hành và hàng không Việt vẫn ngập chìm trong khó khăn.
Theo ghi nhận của Sputnik, hầu hết khách du lịch quốc tế lựa chọn Thái Lan, Indonesia hoặc các quốc gia khác làm điểm đến nhiều hơn so với Việt Nam. Lý giải về vấn đề này, bà Hoàng Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Joymark Travel, cho biết:

“Trong ASEAN, Thái Lan là đối thủ cạnh tranh ‘nặng ký’ của du lịch Việt. Mặc dù không nhiều điểm tham quan, cảnh quan không nguyên sơ như Việt Nam nhưng đổi lại, Thái Lan có rất nhiều điểm vui vơi tự do, các tour du lịch sáng tạo với giá ưu đãi và nhiều đường bay thẳng. Ngoài ra, chính sách thị thực của Thái Lan thân thiện từ 30-90 ngày”.

Khách Trung Quốc có giúp “hồi sinh” du lịch Việt Nam?
Thực tế, với thời gian lưu trú từ 15 - 30 ngày, Việt Nam cũng thuộc top có thời gian lưu trú thấp nhất khu vực. Chính sách cấp thị thực như vậy đã làm giảm tính cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt Nam so với các nước ASEAN.
Bên cạnh đó, số lượng quốc gia được miễn thị thực khi đến Việt Nam khá khiêm tốn chỉ 24 nước; con số này của Singapore và Malaysia gấp gần 7 lần - 162 nước, Philippines là 157 nước và Campuchia thậm chí có phần nhỉnh hơn - 25 nước. Bà Hoàng Phương cho biết thêm:

“Thời hạn của multiple visa cũng khá hạn chế với 3 tháng, trong khi Singapore đặt thời hạn là 2 năm hay Hàn Quốc lên đến là 5 năm. Đây cũng là rào cản để kéo du khách quay trở lại Việt Nam nhiều lần”.

Phó Chủ tịch Hà Nội "cải trang" thành du khách đi "du Xuân" Lễ hội Chùa Hương
Là một trong những quốc gia mở cửa sớm nhất sau đại dịch COVID-19, nhưng ngành du lịch Việt Nam lại phục hồi chậm nhất trong ASEAN. Một nguyên nhân nữa nằm ở giá tour chưa hợp lý. Đại diện Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Yourtour Việt Nam chia sẻ với Sputnik:

“Vừa mới mở cửa thì giá vé tham quan Hạ Long cũng tăng trở lại. Hơn nữa do tác động của tình hình thế giới, giá vé máy bay quốc tế đến Việt Nam đắt hơn trước và quá cảnh nhiều nơi khiến du khách nảy sinh tâm lý ngại ngùng. Trong khi đó, các nước ASEAN khác như Thái Lan hay Indonesia, giá tour rẻ và hợp lý nên hiển nhiên du khách quốc tế sẽ chọn những quốc gia này”.

Vụ "Du khách kẹt ở Tràng An đến nửa đêm" là tin giả

Làm thế nào đạt mục tiêu 8 triệu khách quốc tế?

Sau khi thất bại với mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế năm 2022, từ đầu năm 2023, ngành du lịch đẩy mạnh triển khai một loạt chương trình kích cầu, quảng bá, nhận diện đủ khó khăn và lên chiến lược bài bản cho mục tiêu tăng trưởng hơn 100% - đón 8 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay.

“Để đạt được mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế, giải pháp khả thi nhất hiện nay mà các doanh nghiệp lữ hành mong mỏi là Chính phủ nên mở rộng chính sách thị thực, xây dựng tốt cơ sở hạ tầng”, đại diện Công ty TNHH Joymark Travel đề xuất.

Liên quan đến du khách Trung Quốc, hiện tại, các doanh nghiệp đang kỳ vọng du lịch 2 chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ nối lại hoàn toàn từ giữa tháng 3 tới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần lưu ý đến sức cạnh tranh từ phía Indonesia, Malaysia, Maldives, Singapore… nhằm thu hút dòng khách từ thị trường "khổng lồ" này.
Đại nội Huế gây bất ngờ với du khách bằng công nghệ thực tế ảo
Trong năm 2023 sẽ diễn ra các sự kiện lớn về du lịch tại Việt Nam như Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chuỗi sự kiện của Năm Du lịch quốc gia 2023 tại tỉnh Bình Thuận với chủ đề “Hội tụ xanh”, Festival Huế 2023 v.v.
Đây sẽ là cơ hội để giới thiệu, quảng bá về du lịch địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung đến đông đảo bạn bè quốc tế. Đồng thời mở ra giai đoạn mới trong hợp tác du lịch với các quốc gia, kết nối với các doanh nghiệp du lịch, thúc đẩy mở rộng thị trường khách du lịch trong khu vực và trên thế giới.
Thảo luận