Gửi tiết kiệm ở TPBank thành mua bảo hiểm nhân thọ Sun Life, ngân hàng nói gì?

Bộ Tài chính mới đây đã chuyển đơn tố cáo gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) liên quan đến trường hợp khách hàng tố cáo gửi tiết kiệm thành hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ Sun Life.
Sputnik
Khách hàng cho rằng, nhân viên Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - đại lý của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam) có hành vi tư vấn sai lệch, nhằm ký kết hợp đồng bảo hiểm, gây thiệt hại cho người dân.
Ngân hàng TPBank thì cho rằng, trong buổi làm việc với Sun Life Việt Nam, khách hàng đã có xác nhận về các chữ ký trên Biên nhận bàn giao hợp đồng và thư xác nhận yêu cầu bảo hiểm qua ứng dụng điện tử cũng là do khách hàng thực hiện.

Gửi tiết kiệm ở TPBank thành hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ Sun Life

Sau vụ việc tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng SCB bị "hô biến" thành bảo hiểm nhân thọ "Tâm an đầu tư" của Manulife, mới đây, đến lượt ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank) bị phản ánh về "chương trình lãi suất tốt" biến thành hợp đồng bảo hiểm Sun Life.
Cụ thể, nữ khách hàng Nguyễn Hồng Anh (SN 1990, trú tại Hà Nội) có đơn tố cáo về việc được bà Hạnh là nhân viên của Phòng giao dịch Tây Hà Nội của TPBank ở địa chỉ 535 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, Quận Ba Đình, Hà Nội có gửi tin nhắn thông báo về việc trái phiếu đã mua đã đến ngày nhận lãi và giới thiệu bên ngân hàng có "chương trình tiết kiệm lãi suất tốt".
Do có mong muốn gửi tiền tiết kiệm nên chị Hồng Anh đã tới gặp nhân viên của TPBank. Sau khi nghe tư vấn, chị Hồng Anh đã đồng ý ký và chuyển số tiền 100 triệu.
Ngày 17 tháng 9 năm 2022 sau khi cân nhắc các khoản tài chính và thấy không thể tiếp tục gửi số tiền 100 triệu đồng như năm trước, chị Hồng Anh mở hợp đồng đã nhận năm 2021 để tìm hiểu về khoản tiền đóng năm 2, sau khi xem hợp đồng và hỏi người có kiến thức về các loại hợp đồng mới được biết đây hoàn toàn là Bảo hiểm nhân thọ và khách hàng có thêm quyền lợi gửi tiền đầu tư chứ không phải là "sản phẩm tích lũy đầu tư lãi suất 8,7%" như nhân viên đã tư vấn lúc đầu.
Trong đơn tố cáo, chị Hồng Anh cho biết, trong quá trình tư vấn chị đã không được thông tin đây là Bảo hiểm nhân thọ và khách hàng có thêm quyền lợi gửi tiền đầu tư.
Đồng thời, tiền đầu tư này đầu tư hầu hết vào cổ phiếu, có lãi hay lỗ khách hàng tự chịu; không tư vấn về các loại phí bị trừ như phí ban đầu, phí quản lý hợp đồng, phí quản lý quỹ, phí hủy hợp đồng, phí rút tiền.
Bộ Tài chính "sờ gáy" 4 doanh nghiệp bảo hiểm
Chị cũng không được đề cập đến việc đầu tư lãi lỗ là tùy theo thị trường, lãi suất không được đảm bảo, chỉ nói cao hơn gói gửi tiết kiệm ngân hàng online thường thấy.
Cùng với đó, nữ khách hàng cũng phản ứng với việc không được nhân viên tư vấn thông tin về việc nếu năm 2 không đóng tiếp sẽ bị mất toàn bộ số tiền của năm trước.
Không hề có xác nhận tình trạng sức khoẻ, không yêu cầu đi khám sức khỏe. Trong hợp đồng phần khai sức khoẻ không phải do khách hàng cung cấp; Không tư vấn thời hạn 21 ngày kể từ khi nhận hợp đồng bảo hiểm khách hàng có quyền huỷ hợp đồng không mất phí nên khách hàng không biết quyền lợi này để kiểm tra lại kỹ hợp đồng một lần nữa, vẫn hiểu là hợp đồng đầu tư nhận lãi như hình thức gửi tiết kiệm tại ngân hàng TPBank.

TPBank nói gì vụ gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm nhân thọ Sun Life?

Liên quan đến phản ánh của khách hàng, đại diện Ngân hàng TPBank cho biết, phía ngân hàng đã cùng đối tác là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam, phối hợp rà soát lại toàn bộ và thực hiện phản hồi ý kiến của khách hàng theo đúng quy định về bán sản phẩm, quy định của pháp luật.
Với khách hàng Nguyễn Hồng Anh, đại diện TPBank giải thích rằng, trong buổi làm việc với Sun Life Việt Nam, chị Hồng Anh có xác nhận về các chữ ký trên Biên nhận bàn giao hợp đồng và "thư xác nhận yêu cầu bảo hiểm qua ứng dụng điện tử là do khách hàng thực hiện".
Trong thời gian tham gia hợp đồng từ 2021 tới nay, Chị Hồng Anh đã được Công ty liên hệ xác nhận tham gia sản phẩm, và giải đáp thắc mắc (nếu có) trong thời gian cân nhắc.
"TPBank và Sun Life Việt Nam đã thuyết phục khách hàng tiếp tục cung cấp thêm các dữ liệu để làm rõ, giải quyết tới cùng về quá trình ký kết hợp đồng", theo ngân hàng nói với báo Tiền phong.
Ngoài ra, TPBank và Sun Life khẳng định "luôn mong muốn được lắng nghe để giải đáp tối đa các thắc mắc cũng như hướng tới quyền lợi tối đa của khách hàng".
Động thái cứng rắn của NHNN đối với ngân hàng ép khách mua bảo hiểm

Đã chuyển đơn tố cáo sang Bộ Công an

Ở góc độ cơ quan chức năng, hiện Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, đã nhận được đơn tố cáo của công dân Nguyễn Hồng Anh (ở Hà Đông, Hà Nội) phản ánh việc nhân viên Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - đại lý của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam) có hành vi tư vấn sai lệch, nhằm ký kết hợp đồng bảo hiểm, gây thiệt hại cho người có đơn tố cáo.
Sau khi tiếp nhận đơn của chị Hồng Anh, Bộ Tài Chính đã chuyển đơn của công dân đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an để được xem xét, giải quyết.

"Căn cứ quy định của Luật Tố cáo, Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10.4.2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 1.10.2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, Bộ Tài chính chuyển đơn đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (CO3) để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả đến Bộ Tài chính", - Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm xác nhận.

Thời gian qua, như Sputnik đã thông tin, Bộ Tài chính đã có chỉ đạo về việc tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động trên thị trường bảo hiểm, không để xảy ra tình trạng nhân viên ngân hàng chèo kéo, gợi ý, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm cùng với các sản phẩm tài chính khác khi vay vốn, tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.

"Đề nghị Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng để xảy ra tình trạng nhân viên ép buộc khách hàng mua bảo hiểm", - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.

Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã ra thông điệp mạnh với các ngân hàng là sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện nhân viên ép khách hàng mua bảo hiểm​.
Bộ Tài chính, NHNN Việt Nam cũng thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng.
Thảo luận