Tập đoàn FLC tái cấu trúc, sẽ chuyển nhượng cổ phần tại Bamboo Airways

Lãnh đạo FLC cho biết, công ty sẽ bán cổ phần sở hữu tại hãng hàng không Bamboo Airways trong quá trình tái cấu trúc.
Sputnik
Đây là hãng hàng không mà ông Trịnh Văn Quyết từng dành rất nhiều tâm huyết khi thành lập.
Trong 2 năm đầu thành lập, Bamboo Airways đều có lãi ròng. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, liên tiếp trong năm 2021 và 2022, hãng bay này thua lỗ nặng.
Theo số liệu Cục Hàng không Việt Nam đưa ra hồi tháng 2/2023, Bamboo Airways là hãng bay dẫn đầu ngành hàng không nội địa về tỷ lệ bay đúng giờ trong suốt 4 năm liên tiếp.

FLC dự tính bán cổ phần tại Bamboo Airways

Sáng 4/3, CTCP Tập đoàn FLC đã tổ chức thành công đại hội cổ đông bất thường, thông qua các nội dung về nhân sự, giao dịch cổ phiếu, tái cơ cấu toàn diện tập đoàn.
Phát biểu tại đại hội, đại diện ban lãnh đạo FLC cho biết, giai đoạn 2020 - 2022, công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hàng loạt sự kiện bất khả kháng, bao gồm đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, nhất là các vấn đề pháp lý liên quan đến một số nguyên lãnh đạo cấp cao.
Những sự kiện này đã dẫn đến nhiều hệ lụy, gây thiệt hại lớn cho hoạt động kinh doanh nói chung của Tập đoàn FLC.
Trong bối cảnh đó, FLC sẽ thực hiện tái cơ cấu toàn diện, bao gồm tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu các khoản vay, tái cơ cấu nhân sự, tái cơ cấu hoạt động đầu tư, kinh doanh…
Chủ tịch HĐQT FLC Lê Bá Nguyên cho biết, trong năm nay 2023, FLC dự kiến định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với 3 trụ cột chính: Kinh doanh bất động sản, kinh doanh nghỉ dưỡng và M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay và duy trì hoạt động kinh doanh.
Thành viên HĐQT 'bí ẩn' của Bamboo Airways có liên quan đến chủ mới của hãng này?
Trước đó, dưới thời ông Trịnh Văn Quyết, FLC kinh doanh trong nhiều lĩnh vực trong đó có bất động sản; dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf; vận tải hàng không; đầu tư tài chính.
Thời gian tới, FLC sẽ tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ các khoản đầu tư của các công ty con, công ty liên kết để có phương án tiếp tục đầu tư hoặc chuyển nhượng.
Theo ông Lê Bá Nguyên, khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt – Bamboo Airways (BAV) cũng đang được công ty xem xét chuyển nhượng.
"Tuy nhiên, sau khi được ĐHĐCĐ ủy quyền, chúng tôi cũng cần xây dựng phương án đánh giá cụ thể bởi các chuyên gia tài chính, sau đó mới có thể đưa ra kế hoạch cụ thể. Khi có kế hoạch cụ thể, chúng tôi sẽ sẽ thực hiện công bố thông tin để các cổ đông được biết", - ông Nguyên nói.
Theo tài liệu cung cấp cho cổ đông, số tiền mà FLC đang đầu tư vào Bamboo Airways là 4.015 tỷ đồng, tương đương 21,7% vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng của hãng hàng không này.
Theo quy định kế toán, khi Bamboo Airways hoạt động thua lỗ, FLC phải trích lập dự phòng đầu tư theo tỷ lệ sở hữu. Số tiền mà tập đoàn này đã trích lập năm 2021 giữ nguyên khoảng 373 tỷ đồng. Số tiền FLC dự kiến trích lập cho năm 2022 có thể tối đa lên tới 3.642 tỷ đồng.

Bamboo Airways dẫn đầu về tỷ lệ bay đúng giờ

Được thành lập ngày 31/5/2017, Bamboo Airways có vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, do Tập đoàn FLC sở hữu 100%. Hãng hàng không này sau đó tăng vốn điều lệ lên các mức 2.200, 7.000, 10.500… và cuối cùng là 18.500 tỷ đồng kể từ tháng 9/2021. FLC cũng giảm dần sở hữu xuống còn 21,7%.
Trong 2 năm đầu hoạt động (2019 – 2020), Bamboo Airways đều có lãi ròng. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, liên tiếp trong năm 2021 và 2022, hoạt động hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên hãng bay thua lỗ nặng.
Sau khi ông Quyết bị bắt gần một năm trước, Cục Hàng không Việt Nam đưa ra thông tin về tỷ lệ sở hữu của Bamboo Airways.
Theo đó, thời điểm đầu tháng 4/2022, FLC góp hơn 3.580 tỷ đồng, tương đương 51,24% (ông Quyết nắm 30,3% vốn FLC, tương đương 1.088 tỷ đồng); ông Quyết góp hơn 2.800 tỷ đồng, tương đương 40,03%. Các cổ đông khác góp hơn 610 tỷ đồng, tương đương 8,73%.
Như vậy, tổng vốn góp của cựu Chủ tịch FLC khoảng 3.890 tỷ đồng, chiếm 55,5% vốn Bamboo Airways.
Bamboo Airways cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên vào đầu năm 2019 và là dự án ông Trịnh Văn Quyết dồn rất nhiều tâm huyết. Đến nay, Bamboo Airways đã sở hữu đội tàu bay 30 chiếc, phủ khắp mạng đường bay nội địa tới các sân bay Việt Nam và mạng bay quốc tế tới nhiều thị trường như Australia, châu Âu, Đông Nam Á, Bắc Á.
Ngày 6/2/2023, số liệu Cục Hàng không Việt Nam cho thấy: Bamboo Airways là hãng hàng không có tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ (OTP) cao nhất toàn ngành trong cả năm năm 2022 - đạt 95,2%. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp hãng này dẫn đầu ngành hàng không nội địa về tỷ lệ bay đúng giờ.
Thảo luận