Những trang sử vàng

Hoàng đế Nga - vị chính khách thăm Sài Gòn

Sputnik tiếp tục loạt bài về quá trình người Nga và người Việt Nam tạo nên sự hiểu biết lẫn nhau kể từ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.
Sputnik
Nếu được hỏi bạn biết về những yếu nhân Nga nào đã từng đến Việt Nam? - đại đa số người sẽ nêu tên hai vị tổng thống Nga Vladimir Putin và Dmitry Medvedev. Tổng thống đầu tiên và duy nhất của Liên Xô Mikhail Gorbachev cũng đã đến thăm Việt Nam vào đầu những năm 1980, tuy nhiên khi đó ông Gorbachev chưa phải là Tổng thống mà mới là ủy viên Bộ Chính trị. Đầu năm 1965, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Alexei Kosygin cũng đến Hà Nội. Ông Kosygin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký văn kiện xác định sự giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam trong kháng chiến lần thứ hai. Ít người nhớ rằng, cuối những năm 50 của thế kỷ trước, có một nhân vật cao cấp của Liên Xô đến thăm Việt Nam là ông Kliment Voroshilov, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao, nhân vật quyền lực thứ 3 ở Liên Xô thời đó.
Tuy nhiên, trong số những người Nga từng đến Việt Nam, có một nhân vật cao cấp mà vào thời điểm đến thăm ông là Sa Hoàng thừa kế ngôi vua. Ông tên là Nikolai Romanov, người mà 3 năm sau chuyến đi Việt Nam trở thành Nga hoàng Nikolai II. Đó chính là vị Hoàng đế cuối cùng của nước Nga, bị lật đổ năm 1917.

Phương Đông thay vì châu Âu

Vào thời điểm đó người thừa kế ngai vàng, Sa Hoàng Nicholai, con trai cả của Hoàng đế toàn Nga Alexander III, đang ở tuổi hai mươi ba. Theo truyền thống Hoàng gia Nga, chương trình giáo dục dành cho người thừa kế ngai vàng phải kết thúc bằng chuyến đi dài ngày đến châu Âu. Tuy nhiên, Alexander III đã phá vỡ truyền thống này và gửi con trai của mình, cùng với một đoàn tùy tùng đông đảo, đến phương Đông. Theo kế hoạch ban đầu, sau khi đến thăm các quốc gia phương Đông, Sa Hoàng phải đến Hoa Kỳ, nhưng Nicholas đã từ chối chuyến thăm này, ông nói rằng "tôi còn có cơ hội đến thăm Mỹ sau một thời gian". Hoá ra, Nikolai đã không còn cơ hội như vậy nữa, nhưng ông đã đến thăm Châu Phi và Châu Á.
Chuyến đi biển bắt đầu vào tháng 10 năm 1890. Một đoàn tàu gồm ba chiếc tuần dương hạm được lập ra để dành cho chuyến du lịch này. Vị hoàng đế tương lai du lịch trên tàu "Ký ức Azov" dài 115 mét và rộng 15 mét. Ai Cập là điểm dừng chân đầu tiên. Điều đoáng chú ý, khi ở Ai Cập, Hoàng tử kế vị đã đến thăm không chỉ lăng mộ của các pharaoh, mà còn cả thác nước ở Aswan - chính nơi bảy mươi năm sau, các chuyên gia Nga bắt đầu xây dựng con đập nổi tiếng - đập thuỷ điện Aswan là một trong những cấu trúc thủy lực lớn nhất và phức tạp nhất trên thế giới.
Ở Ấn Độ, Nikolai đi săn trong rừng, nhưng không thành công lắm: ông chỉ bắn rơi một vài con chim, trong khi một số người trong đoàn hộ tống đã bắn trúng mấy con báo và thậm chí cả con hổ. Sau đó, Nikolai đến thăm Xiêm La, nơi ông đã nhận được món quà là một cặp voi lùn - mặc dù mỗi con không thua kém con trâu về trọng lượng. Tặng voi là một truyền thống của triều đình Xiêm La. Ba thập kỷ trước chuyếm thăm của Sa Hoàng Nikolai, Vua Xiêm đã tặng một món quà tương tự cho Hoàng đế Pháp Napoléon III, chính là người đã xâm chiếm Nam Kỳ.

Vụ tấn công của tên khủng bố Nhật Bản

Sa Hoàng cũng đã đến thăm Trung Quốc, rồi vào tháng 4 năm 1891, ông đến Nhật Bản. Tuy nhiên, chuyến đi đến đất nước này đã bị gián đoạn do một sự kiện khó chịu. Tại thành phố Otsu, sau bữa tiệc chiêu đãi tại dinh thống đốc, khi Hoàng tử Nikolai và đoàn tùy tùng ngồi trên xe kéo, ông đã bị một cảnh sát Nhật Bản thuộc biệt đội đảm bảo an toàn cho vị khách quý tấn công. Nicholai bị thanh kiếm đâm vào đầu. Hoàng tử Hy Lạp George, anh họ của ông đi cùng Nikolai, đã đánh viên cảnh sát xuống đất. Sau đó, các lính canh Nhật Bản, những người bắt giữ tên khủng bố, đã được trao tặng huân chương Nga. Sa Hoàng Nikolai được đưa đến dinh thống đốc. Vào sáng hôm sau, đích thân Hoàng đế Nhật Bản đã đến đó để bày tỏ sự thương tiếc.
Hóa ra, vết thương không nghiêm trọng, và thanh kiếm mà kẻ tấn công đã dùng để tấn công Sa Hoàng Nga đã được chuyển đến kho lưu trữ của hoàng gia Nhật Bản. Trong tương lai, thanh kiếm này đã phục vụ rất tốt cho lịch sử. Năm 1918, theo lệnh của chính quyền cách mạng thành phố Yekaterinburg (vùng Ural), Nikolai II và gia đình, những người bị giam giữ ở đó, đã bị bắn, xác chết bị đốt cháy và ném vào mỏ, mà thông tin về nơi đó đã bị mất. Sau bảy mươi năm nữa, các nhà khoa học Nga đã tìm thấy hài cốt của mấy người trong khu vực đó. Nhưng, câu hỏi: các bộ hài cốt tìm được là hài cốt của ai thì không thể giải quyết được. Cho đến khi các nhà khoa học nhớ đến thanh kiếm của tên khủng bố Nhật Bản. Sau khi thực hiện phân tích ADN của hài cốt đã được khai quật và các mẫu máu và da trên thanh kiếm, các chuyên gia đã rút ra kết luận rằng, hài cốt được tìm thấy thuộc về vị hoàng đế cuối cùng của Nga. Nhưng đó là trong tương lai. Còn khi đó, vào năm 1891, sau khi nhận được tin con trai mình bị tấn công, Hoàng đế Alexander III đã ra lệnh cho Hoàng tử ngừng hành trình và trở về Nga, và điều này đã được thực hiện.
Sa hoàng Nikolai II

Bốn ngày ở Sài Gòn

Hành trình của người thừa kế ngai vàng Nga gây hứng thú cho chúng ta chủ yếu vì trên đường từ Xiêm sang Trung Quốc, vào cuối tháng 3 năm 1891, Nikolai II và đoàn tùy tùng đã ở Sài Gòn bốn ngày. Đến thời điểm đó, thêm hai pháo hạm đã gia nhập hải đội của ông ta, bao gồm cả pháo hạm "Koreets" ("Người Hàn"). Mười bốn năm sau, trong Chiến tranh Nga-Nhật, tàu "Koreets" anh dũng hy sinh trong trận chiến không cân sức với hải đội Nhật Bản.
Tàu tuần dương "Ký ức Azov", trên đó có Sa Hoàng Nga, đã tiến đến bến tàu trong tiếng quốc ca Nga do dàn nhạc chơi trên bờ kè. Khi xuống tàu, họ đã nghe những câu cảm thán nhiệt tình: “Nước Nga muôn năm!” và pháo chào từ bến tàu và từ tất cả các tàu gần bờ. Trong những ngày ở Sài Gòn, các vị khách từ nước Nga nghỉ chân ở dinh Tổng đốc, mà vào những năm 1960 tại nơi đó là dinh tổng thống. Nikolai và đoàn tùy tùng đã chiêm ngưỡng màn pháo hoa lộng lẫy và lễ rước đuốc để vinh danh họ. Ngay tối hôm đó, họ được thưởng thức một chương trình văn hóa đặc sắc. Họ được mời đến nhà hát châu Âu, xem chương trình biểu diễn của nhóm nghệ sỹ quốc gia.
Sau đó, họ đã đến một nhà hát địa phương để xem buổi biểu diễn Trung Quốc. Ngày hôm sau Nikolai và đoàn tùy tùng đã xem cuộc duyệt binh. Lính thủy đánh bộ cùng lính pháo thủ Việt Nam diễu hành trước khán đài được dựng sẵn cho các vị khách. Lính Pháp mặc quân phục hải quân bình thường, lính Việt Nam mặc đồng phục màu xanh có thắt lưng, quần trắng và đội mũ rơm có chóp đồng.
Đến ngày thứ ba của chuyến thăm, Sa Hoàng Nikolai và đoàn tùy tùng của ông đi xe ngựa đến thăm Chợ Lớn. Còn các sĩ quan Nga tháp tùng người kế vị ngai vàng Nga đến Việt Nam thì đi tàu điện, thời điểm đó là phương tiện chuyên chở khoảng một triệu hành khách mỗi năm. Mục đích của chuyến đi là để tham dự lễ hội rồng. Từ ban công của tòa nhà cao nhất, các vị khách theo dõi đoàn diễu hành đi qua với tiếng ồn ào và tiếng pháo nổ. Trải dài một khoảng cách đáng kể, đoàn diễu hành bao gồm người Việt và người Hoa, với những biểu ngữ và vũ khí, nhạc cụ và ma-nơ-canh khổng lồ. Trở về Sài Gòn, các vị khách đã xem cuộc đua xe ngựa: ngựa nhỏ và bò địa phương - giống lai giữa ngựa và bò rừng; về tốc độ, bò không thua kém ngựa.
Tổng thống Putin: Lenin, Stalin và Nikolai II đã đưa nước Nga trở thành cường quốc

Món quà của các trưởng lão vẫn đang lưu giữ ở Kunstkamera tại St. Petersburg

Vào ngày cuối cùng ở Sài Gòn, Sa Hoàng Nikolai được thông báo rằng một đoàn đại biểu từ làng Phú Kiều thuộc tỉnh Thủ Dầu Một muốn gặp ông. Thực tế là, theo chương trình ban đầu, Sa Hoàng dự định đến đó để xem cuộc săn. Nikolai đã được thông báo rằng, dân làng địa phương là những người rất dũng cảm, họ đã ra tay chiến đấu với hổ chỉ với cây giáo trong tay. Tuy nhiên, do không có thời gian, chuyến đi này đã bị hủy bỏ. Những người nông dân rất buồn và đã cử một phái đoàn để đến gặp Nikolai, trong thành phần đoàn đại biểu có một số trưởng lão và nhà sư. Họ mang đến các món quà tặng Hoàng tử Nikolai: gồm hai báo đen sống, chiếc ghế sơn mài màu đỏ "Ngai Long" với hình ảnh con rồng tô son thếp vàng và bức ngẫu tượng thần săn bắn khổng lồ bằng gỗ
Bức ngẫu tượng thần săn bắn có sọc, eo cong, lưng và bụng được bao phủ bởi da của những động vật săn mồi, một chân giống chân voi, chân kia giống chân tê giác, trên móng vuốt có nhiều hình dạng khác nhau; cái mõm được sơn khủng khiếp với hai cặp sừng siêu nhiên, cái miệng khủng khiếp há hốc với những chiếc răng nanh nhe ra. Con quái vật này, với một bông hoa ở cuối đuôi, dựa vào một ngọn giáo khổng lồ. Khi trở về Nga, món quà này đã được chuyển đến Kunstkamera - bảo tàng công cộng tại St. Petersburg được thành lập bởi Peter Đại đế vào năm 1714, nơi nó vẫn được lưu giữ. Sa Hoàng Nikolai đã hào phóng ban tặng tiền cho những người đến từ làng Phú Kiều. Có lẽ, cho đến ngày nay, tại một trong những ngôi chùa ở tỉnh Thủ Dầu Một vẫn được lưu giữ những đồng xu rúp chứa 20 gam bạc hoặc đồng xu 10 rúp chứa 13 gam vàng của Đế quốc Nga thời đó?
Thảo luận