Xuất khẩu Việt Nam đang gặp nhiều thách thức?

HÀ NỘI (Sputnik) – Các đơn hàng từ thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... suy giảm đã tác động đến thị trường xuất khẩu của một số nhóm hàng chủ lực của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023.
Sputnik

Xuất nhập khẩu sẽ còn khó khăn

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 96,06 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10,4%; nhập khẩu giảm 16%.
Số liệu báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, giá hàng hóa xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm ghi nhận sự sụt giảm ở hầu hết mặt hàng đã góp phần giảm tăng trưởng xuất khẩu chung.
Trừ nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết nhóm hàng đều giảm. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 3,88 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ; xuất khẩu thủy sản giảm 32,9%...
Mặc dù Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 13,1 tỷ USD nhưng giảm 21% so với cùng kỳ. Các đơn hàng suy giảm đã tác động đến thị trường xuất khẩu của một số nhóm hàng chủ lực của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023.
Hành lang xuất nhập khẩu được lên kế hoạch tạo ra giữa tỉnh Rostov thuộc Nga và Việt Nam
Phân tích với Sputnik, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này, đó là các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Anh… có xu hướng giảm lượng tồn kho để tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao khiến khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn trước.
“Bối cảnh kinh tế quốc tế đã và đang tác động không mấy tích cực đến nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Với việc thiếu vắng các đơn hàng từ các thị trường chính, tình hình nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đã phần nào có phần trầm xuống. Điều này cũng cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu nhiều khả năng vẫn còn khó khăn trong những tháng tới”, chuyên gia dự đoán.
Riêng đối với thị trường Trung Quốc, sau gần ba năm thực hiện chính sách “Zero Covid” việc mở cửa trở lại từ đầu năm 2023 đã tác động tích cực đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này trong tháng 2 tháng đầu năm đạt 8,2 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng cường sản xuất theo hướng giảm phát thải

Hiện các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam phần lớn vẫn xuất khẩu sản phẩm thô, qua đường tiểu ngạch và đang chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực ASEAN, châu Á.
Trước bài toán này, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng mấu chốt là cần cải thiện chất lượng sản phẩm, công tác bảo vệ môi trường luôn phải coi trọng. Việc chăm sóc sản phẩm để đạt tiêu chí trở thành sản phẩm OCOP là một trong những hướng đi để duy trì, bảo vệ và phát triển nâng cao giá trị sản phẩm.
Xuất khẩu Việt Nam bước vào “cuộc chơi khắt khe” hơn trong năm 2023
Để làm được điều này, công tác liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương phải ngày càng chặt chẽ hơn để phong trào ngày càng có chất lượng, luôn luôn đổi mới cả về tổ chức sản xuất và tiêu thụ hàng hoá trên các thị trường trong và ngoài nước.

“Định hướng trong thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, sản phẩm phải có yếu tố “xanh”, tăng cường sản xuất theo hướng giảm phát thải. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia, nhãn hiệu, bảo hộ. Tiếp nữa, dần dần Việt Nam phải ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao năng suất lao động trong chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu thụ của từng sản phẩm, để làm sao để giá thành sản phẩm có thể cạnh tranh được”, TS. Trần Công Thắng đưa ra giải pháp.

Song song với đó là phát triển logistics hỗ trợ cho thương mại nông sản, thúc đẩy mở cửa cho thị trường nông sản.
Trong bối cảnh này, ông Thắng nhấn mạnh rằng, vai trò của các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài là rất lớn. Sự tham gia của tham tán thương mại là rất quan trọng, bởi họ là sợi dây kết nối các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài gặp gỡ, trao đổi với nhau trong các tổ chức các Hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

“Các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần nắm bắt diễn biến chính sách của nước sở tại, kể cả chính sách thị trường khu vực như quy cách, tiêu chuẩn đóng gói sản xuất, tập quán tiêu dùng của nước sở tại. Từ đó, đề xuất phản ứng chính sách phù hợp ở cả cấp quốc gia và doanh nghiệp”, Vị Viện trưởng chia sẻ.

Khá bất ngờ khi nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam giảm mạnh
Song song đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng theo hướng đa kênh nhằm mở rộng hợp tác đầu tư.
“Tận dụng tối đa thị trường Trung Quốc, đơn giản hóa thủ tục thông quan xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới Việt - Trung; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Đồng thời, thúc đẩy đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tại các thị trường mới như châu Phi hay Mỹ Latinh nhằm đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.
Thảo luận