Việt Nam có thể sẽ già trước khi kịp giàu

Tuần này, các phương tiện truyền thông của Nga và nước ngoài đưa rất nhiều tin đa dạng và thú vị về Việt Nam.
Sputnik
Các sự kiện lịch sử và chính sách trong nước, nền kinh tế và ngành du lịch, văn hóa và thể thao. Chúng tôi sẽ đề cập đến những chủ đề này trong bài tổng quan truyền thống "Việt Nam trên báo chí nước ngoài".

Người phạm tội giết 500 người bị áp dụng hình phạt quản thúc tại gia 3 năm

Cách đây 55 năm, các đơn vị lính Lục quân Mỹ đã thảm sát hơn 500 người dân Sơn Mỹ, đây là một trong những giai đoạn khét tiếng nhất trong lịch sử Quân đội Hoa Kỳ và là sự kiện chấn động nhất của Chiến tranh Việt Nam. Thảm sát Sơn Mỹ ở phương Tây gọi là "Thảm sát ở Mỹ Lai". Tờ báo El Pais của Tây Ban Nha đăng tải một bài dài tái hiện bức tranh khủng khiếp hơn nửa thế kỷ trước và viết về hình phạt đối với kẻ có tội. Sĩ quan duy nhất xuất hiện trước tòa là Trung úy Kelly, ban đầu người này bị kết án lao động khổ sai chung thân, nhưng sau đó bản án được giảm nhẹ và kết quả là anh ta được ân xá sau 3,5 năm quản thúc tại gia.

Carlyle Thayer vạch trần những huyền thoại của phương Tây

Tờ The Diplomat đăng một bài dài của nhà khoa học chính trị nổi tiếng người Úc Carlyle Thayer, trong đó ông vạch trần những lầm tưởng của giới chuyên gia phương Tây về hoạt động của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Ví dụ, báo chí phương Tây viết, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đang sử dụng chiến dịch chống tham nhũng để loại bỏ các đối thủ chính trị của mình, đẩy Việt Nam hướng tới hệ thống quản lý chuyên quyền; rằng nạn nhân của chiến dịch chống tham nhũng hầu hết là các chính trị gia và quan chức thân phương Tây có định hướng kinh doanh, trong khi Nguyễn Phú Trọng và những người ủng hộ ông có tư tưởng nghiêng về Trung Quốc; rằng việc củng cố quyền lực của Tổng Bí thư sẽ dẫn đến sự kiểm soát lớn hơn của Đảng đối với nền kinh tế.
Ông Carlyle Thayer bác bỏ các giả định này. Đặc biệt, ông chỉ ra rằng, Việt Nam không có ý định thay thế hệ thống "tập thể lãnh đạo" bằng hệ thống quản lý chuyên quyền. Cuộc chiến chống tham nhũng có quy mô lớn đến mức nó không thể được phân loại là trực tiếp chống lại các đối thủ chính trị, và chiến dịch phòng chống tham nhũng giúp cải thiện môi trường kinh doanh cho đầu tư nước ngoài. Sự tương tác chặt chẽ của Việt Nam với Trung Quốc, do nhiều yếu tố, không nên được coi là một xu hướng nghiêng về CHND Trung Hoa, mà là một chính sách thực tế hàng ngày. ĐCSVN chưa bao giờ mất quyền kiểm soát nền kinh tế và cam kết tích cực phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa thông qua cải cách trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Giới chuyên gia phương Tây: Sự ổn định và chính sách dễ dự đoán được khôi phục ở Việt Nam

Người dân Việt Nam cần có hệ thống an sinh xã hội

Fulcrum viết về một vấn đề nghiêm trọng của xã hội Việt Nam có tốc độ già hoá đáng báo động. Đó là sự thiếu vắng của hệ thống an sinh xã hội quốc gia toàn diện và dễ tiếp cận. Tờ báo viết, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam, giống như Trung Quốc, sẽ già trước khi kịp giàu, và nếu không có những cải cách cơ cấu cần thiết trong hệ thống bảo hiểm, người Việt Nam lớn tuổi sẽ gặp khó khăn.

Tin tức mới về nền kinh tế

Tuần này, Reuters cung cấp thông tin phong phú và đa dạng về những gì đang xảy ra trong nền kinh tế Việt Nam. Theo Reuters, SpaceX, Meta Platforms, Netflix và Boeing là 4 trong hơn 50 công ty tham gia "chuyến công du kinh doanh lớn nhất từ trước đến nay" của Mỹ tới Việt Nam vào tuần tới. Hãng tin này cho biết về việc giảm giới hạn đối với cổ đông cá nhân và tổ chức mua cổ phiếu ngân hàng khiến nhà đầu tư nước ngoài bất bình. Reuters cũng đưa tin về làn sóng đầu tư mới của Trung Quốc vào Việt Nam sau khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách Zero Covid. Các công ty tạo nên làn sóng đầu tư ra Việt Nam chủ yếu là các nhà cung cấp nhỏ của các công ty lớn đã chuyển đến Việt Nam. Tờ The Star phiên bản Malaysia viết về sự tăng trưởng thương mại của Việt Nam với 12 thị trường trọng điểm của châu Á.
Lockheed Martin, SpaceX, Boeing sẽ bán vũ khí gì cho Việt Nam?

Du lịch Việt Nam đang hồi sinh

Báo chí các nước phản ánh sự trỗi dậy của ngành du lịch quốc tế tại Việt Nam. Một số hãng hàng không Việt Nam nối lại các chuyến bay đến các thành phố ở Trung Quốc đại lục, GGRAsia viết. Còn ASGAM đưa tin rằng, Việt Nam đã nối lại thực hiện chính sách miễn thị thực 15 ngày cho khách du lịch đến từ 13 quốc gia ở Châu Âu và Châu Á và thời gian miễn thị thực 30 ngày cho các nước ASEAN. Korea Joongang Daily cho biết rằng, các hãng hàng không Hàn Quốc đã tăng tần suất các chuyến bay đến Việt Nam, vì đây là điểm du lịch nổi tiếng thứ hai ở Hàn Quốc sau Nhật Bản. Và tờ Insider dẫn chia sẻ của Ian Paynton, người gốc Vương quốc Anh sống ở Việt Nam 12 năm, ông đưa ra những lời khuyên hữu ích dành cho khách du lịch đến từ Anh phải làm thế nào để không gây rối và không xúc phạm cư dân địa phương.

Cà phê, golf, nhân khẩu học và điện ảnh

Nikkei Asia đăng tải một bài viết thú vị về văn hóa cà phê của người Việt, trong đó giải thích bằng cách nào văn hóa cà phê này đã có thể vượt trước chuỗi cà phê Starbucks của Mỹ lớn nhất thế giới, vốn không phổ biến ở Việt Nam, không giống như các nước láng giềng của Việt Nam trong khu vực. Bài báo nêu ba nguyên nhân Starbucks thất thế ở Việt Nam: giá cả cũng như hương vị và văn hóa uống cà phê.
Prnewswire thông báo về "Giải golf Việt Nam Italy - VIG League Cup" được tổ chức tại sân golf Long Biên. Việt Nam là địa điểm ngày càng nổi tiếng về môn thể thao đẳng cấp này dành cho giới thượng lưu.
Kênh "Big Asia" của Nga dự kiến vào trung tuần tháng 4/2023, Việt Nam sẽ đón công dân thứ 100 triệu chào đời. Và cổng thông tin Pobedarf cho biết rằng, các nhà điện ảnh Nga khởi quay bộ phim lịch sử quân sự với nhan đề "Liên Xô" kể về hoạt động của các chuyên gia tên lửa Liên Xô, những người đã huấn luyện các trắc thủ Việt Nam vận hành các thiết bị quân sự của Liên Xô vào những năm 1960 để bảo vệ bầu trời Việt Nam khỏi máy bay Mỹ.
Thảo luận