Nhân chứng trong thảm sát Sơn Mỹ tung bằng chứng quân đội Mỹ chủ đích giết phụ nữ và trẻ em

HÀ NỘI (Sputnik) - Đã từng có rất nhiều giả thiết về nguyên nhân về vụ sát hại đẫm máu. Nhưng theo Đại tá Võ Cao Lợi, nguyên cán bộ Chính trị Quân khu 5 cũng là nhân chứng trong vụ thảm sát Sơn Mỹ đã chỉ rõ cho Sputnik chi tiết chứng minh vụ thảm sát nhắm đến phụ nữ và trẻ em là có chủ đích từ trước.
Sputnik

Nhân chứng Sơn Mỹ

Từ một làng quê yên bình, chỉ sau 4 giờ ngắn ngủi, cả làng Hồng, Sơn Mỹ, Quảng Ngãi đã nhuốm màu đỏ và mùi tanh của máu. Có những đứa trẻ mất bố mẹ, có những người mẹ mất con. Thậm chí, có cả dòng họ bị tiệt nòi tiệt giống.
55 năm trôi qua, Đại tá cựu chiến binh Võ Cao Lợi, nguyên cán bộ Ban tổng kết công tác Đảng, công tác Chính trị Quân khu 5 vẫn nhớ như in khoảnh khắc đẫm máu trong vụ thảm sát lịch sử tại Sơn Mỹ sáng ngày 16/3/1968.
Ông Võ Cao Lợi khi ấy mới 15 tuổi. Chưa bao giờ ông nghĩ rằng có ngày mình phải tận mắt chứng kiến mẹ, chị dâu và cháu trai chết thảm hại trong chính sân nhà mình. Ngày 16/3 không chỉ là ngày giỗ của người thân ông, mà còn là ngày giỗ của hơn 500 phụ nữ và trẻ em khác sau vụ thảm sát man rợ này. Chia sẻ với PV Sputnik về khoảnh khắc ám ảnh nhất cuộc đời, ông Lợi lắng giọng kể lại:
“Hôm đó ở làng chỉ toàn phụ nữ và trẻ em. 1 xóm nhỏ mà 97 người nằm la liệt, có những gia đình 5-6 người đều bị giết hết. Từ mẹ đến 5-6 đứa con đều bị giết hết. Khi đó, linh tính thế nào mẹ bảo tôi trốn đi, chứ ở nhà khi ấy là chết. Nghe lời mẹ, tôi chạy núp ra bờ sông và thoát chết. Đúng là đau thương kinh khủng, căm thù”, ánh mắt ông Lợi sắc lên.
Sau vụ thảm sát, ông Lợi bắt đầu tham gia Quân giải phóng. Ông cùng em Võ Thị Liên, Đỗ Thị Tuyết lên núi phát động căm thù, kể chuyện cho các đơn vị bộ đội nghe để thấy rõ tội ác của lĩnh Mỹ, khơi dậy lòng căm thù. Vụ thảm sát đã dấy lên làn sóng căm phẫn tột cùng. Nhiều quân nhân Việt Nam khi ấy còn trích máu để viết tâm thư, quyết tâm đánh giặc Mỹ để trả thù cho đồng bào người dân Sơn Mỹ.

Vụ thảm sát được lên kế hoạch từ trước

504 người dân thương vô tội bị sát hại, trong đó có 182 phụ nữ (17 chị đang mang thai), 173 trẻ em (trong đó có 56 trẻ em dưới 5 tháng tuổi), 60 người già trên 60 tuổi. Đặc biệt, ở xóm Thuận Yên (Mỹ Lai 4), có 407 người dân bị quân Mỹ giết hại, 24 gia đình không còn một ai sống sót. Những người bị giết toàn là người già, phụ nữ, thậm chí cả trẻ sơ sinh. Câu hỏi đặt ra, hệ tư tưởng nào đã giáo dục những tên lính Mỹ trẻ tuổi vô tư giết người một cách “bài bản” như vậy?
Chuyện đáng kinh ngạc
Thảm sát Sơn Mỹ: Sputnik gặp gỡ nhân chứng và những điều chưa kể
Đã từng có rất nhiều giả thiết về nguyên nhân về vụ sát hại đẫm máu. Nhưng theo Đại tá Võ Cao Lợi, nhân chứng trong cuộc, cũng là người nói chuyện trực tiếp với Tiểu đoàn Trưởng tiểu đoàn 48 của “Cộng sản” mà quân đội Mỹ “tìm và diệt” thời điểm bấy giờ, thì cuộc tàn sát phụ nữ và trẻ em Sơn Mỹ là có chủ đích từ trước.
“Tiểu đoàn khi đó ở xã Tịnh Hòa, cách xã Sơn Mỹ 1 xã, cả 5 cây số. Thực ra hồi đó tại Sơn Mỹ không có quân giải phóng. Vùng này phía trong là sông, phía ngoài là biển. Về quân sự, không chỉ huy nào dám để quân ở đây, nên khu này chỉ có dân”, ông Lợi chia sẻ chi tiết khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Sputnik.
Ông Lợi cũng là người từng gặp gỡ nhà báo điều tra nổi tiếng người Mỹ Seymour M. Hersh, người đã thực hiện loạt bài phóng sự điều tra, phanh phui sự thật kinh hoàng về tội ác của lính Mỹ khi đã gây ra cái chết của 504 người dân vô tội ở Sơn Mỹ trong cuốn sách My Lai 4: A Report on the Massacre and it’s aftermath (Mỹ Lai 4: Báo cáo về các vụ thảm sát và hậu quả của nó).
Đại tá Võ Cao Lợi (áo xanh) và nhà báo điều tra Mỹ Seymour Hersh
Đại tá nhấn mạnh, phụ nữ và trẻ em Sơn Mỹ chính là mục tiêu chính của quân đội Mỹ khi ấy, chứ không phải tàn sát người dân để trả thù “Việt cộng”. Bởi lẽ, bộ đội du kích hiểu được vai trò của người dân, không để Mỹ lấy dân làm cớ trả thù.
“Không có lính Mỹ nào bị du kích Việt Nam bắn trong vụ thảm sát hôm đó. Nó đã vẽ sơ đồ trước khi hành quân, chứ không phải là khi nó bị một anh du kích nào bắn tỉa bị thương, nó chết nó trả thù, không phải! Nó là có âm mưu rồi. Âm mưu ngay từ đầu. Cơ quan tác chiến của nó vẽ sơ đồ này: anh đi xuống đây, phải qua cầu, vô đây rồi giết dân ở đây, rồi rút. Thì sơ đồ này thể hiện sự chuẩn bị, có chuẩn bị”, vừa nói ông Lợi vừa chỉ vào sơ đồ phân tích.
Sơ đồ hành quân của Đại đội B (Bravo), do đại úy Earl Michaels chỉ huy, tấn công và tàn sát nhân dân xóm Mỹ Hội (Mỹ Lai 2) trong ngày 16/3/1968
Chính sơ đồ hành quân của Đại đội B (Bravo), do đại úy Earl Michaels chỉ huy, tấn công và tàn sát nhân dân xóm Mỹ Hội (Mỹ Lai 2) trong ngày 16/3/1968 đã vạch trần sự thật trong vụ thảm sát. Sự thật mà sau nhiều năm Mỹ luôn che giấu dư luận, để rồi đến khi công bố những bức ảnh trong vụ thảm sát, cả thế giới phải chấn động vì sự man rợ và tàn bạo của quân đội Mỹ.

Chiêu bài dối trá

Cuối cùng, Tổng thống Mỹ Nixon khi đó cũng thừa nhận, đây không thể nào khác là 1 vụ thảm sát. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có tổ chức chính thức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tàn sát man rợ này.
Thảm sát Sơn Mỹ: Tội ác chiến tranh và ký ức lấy xác người thân chắn đạn lính Mỹ
Trong phiên tòa tháng 9-1971, duy chỉ trung úy William Calley bị kết luận có tội trong vụ thảm sát, phải nhận án tù chung thân, nhưng sau được Tổng thống Nixon giảm án xuống còn 3 năm tù. Phải chăng đây là chiêu bài của Mỹ?

“Hành động đó theo tôi nghĩ, họ làm cho có lệ, xoa dịu dư luận, chứ đáng lẽ phải là người chỉ đạo chiến tranh này ở Lầu Năm Góc, Nhà Trắng chịu trách nhiệm, chứ không phải anh sĩ quan quèn ở chiến trường. Nó lấy Trung úy Calley ra xử, thực ra đó chỉ là một con tép nhỏ thôi, chứ trách nhiệm không phải của Trung úy Calley, mà phải là những người chỉ huy”, Đại tá Lợi nói rõ.

Thực tế, Mỹ xâm lược, tàn sát nhân dân Việt Nam là rất nhiều, Sơn Mỹ chỉ là một vụ tập trung điển hình. Vụ thảm sát Sơn Mỹ là điển hình về tội ác của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Vụ thảm sát này được coi là chương nhục nhã nhất của Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam.

Cuộc chiến nào cũng để lại mất mát, thương đau

Là nhân chứng trong cuộc, lại phục vụ trong quân đội, ông biết rõ sự thật của câu chuyện. Đặc thù nghề nghiệp trong quân đội cũng giúp ông nắm rõ hiểu biết về chiến lược, chiến tranh. Ông có nhiều mối quan hệ quốc tế, tiếp xúc nhiều nhà báo, nhà làm phim, cựu binh Mỹ, nhà nghiên cứu lịch sử…
Vụ thảm sát Sơn Mỹ. Vì sao lính Hoa Kỳ giết phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam?
Sau nhiều năm nghiên cứu, thu thập tài liệu, đúng dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thảm sát Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi (16/3/1968-16/3/2023), Đại tá Võ Cao Lợi đã phối hợp với nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho ra mắt tác phẩm “Ký ức làng Hồng”. Đây là cuốn sách miêu tả đầy đủ, toàn diện và chân thực về những “ngày đen tối” của lịch sử quân đội Mỹ trong vụ thảm sát Sơn Mỹ. Là tư liệu quý cho những ai quan tâm đến vụ thảm sát rúng động hơn nửa thế kỷ trước.
55 năm cuộc chiến qua đi, vết thương đã lành, nhưng vết sẹo còn đó. Cuộc chiến nào rồi cũng để lại vô ngàn những mất mát, thương đau.
Thảo luận