Bỏ đèn tín hiệu: Cuộc cách mạng cho giao thông đường bộ

HÀ NỘI (Sputnik) - Giải pháp bỏ đèn đỏ và tổ chức phân luồng giao thông đường bộ tại Hà Nội và TP HCM nhằm tránh ùn tắc đã đạt giải nhất hạng mục ý tưởng trong cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022.
Sputnik
Tác giả của ý tưởng trên, ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc công ty TNHH Du lịch và biểu diễn nghệ thuật Tây Đô kỳ vọng rằng, giải pháp này sẽ giải quyết triệt để vấn nạn ùn tắc giao thông tại các đô thị trên tòan quốc.

Sáng kiến có một-không-hai

Trao đổi với Sputnik, ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc công ty TNHH Du lịch và biểu diễn nghệ thuật Tây Đô cho biết sáng kiến độc đáo này xuất phát từ mong muốn giảm tải áp lực về thời gian, sức khỏe mà tắc đường gây ra. Ông Dương Anh Tuấn cho biết:

“Tôi thấy người dân Việt Nam cũng như bản thân tôi và gia đình đi lại rất vất vả, nếu không nói là vấn nạn ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất. Đặc biệt, nếu tình trạng ùn tắc này vẫn tiếp tục diễn ra thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của mỗi công dân Việt Nam. Từ đó, tôi nghĩ rằng mình nên nghiên cứu để tìm ra giải pháp cho vấn đề ùn tắc giao thông, mang lại thay đổi cho cộng đồng”.

Ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc công ty TNHH Du lịch và biểu diễn nghệ thuật Tây Đô, Giải nhất hạng mục ý tưởng trong cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022
Theo ông Dương Anh Tuấn, giải pháp được nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học là bảng mạch điện.

“Xuất phát từ việc được đào tạo chuyên ngành vô tuyến điện, trong tư duy của tôi hình dung dòng điện chạy trong thiết bị. Đặc biệt, trong hệ thống để sinh ra từ trường nhất là động cơ quạt trần có chiều dòng điện rất rõ ràng. Một phần từ quy luật dòng điện, tôi liên tưởng tới giao thông đường bộ và tôi đưa ra được giải pháp bây giờ”, ông Tuấn giải thích.

Nói rõ hơn về giải pháp, ông Tuấn giải thích khi loại bỏ đèn tín hiệu (đèn đỏ) tại các nút giao thông thì phương tiện sẽ được chạy liên tục, xuyên suốt. Bên cạnh đó, các điểm quay đầu xe liên hoàn sẽ thay thế các đèn đỏ. Những điểm quay đầu xe cách các nút giao từ 100m trở lên để đảm bảo xe cộ di chuyển liên tục, giảm mật độ xe ở các điểm giao cắt.

“Đây là cuộc cách mạng về giao thông đường bộ. Đặc biệt giải pháp có tính mới, tính sáng tạo và tính hiệu quả, thời gian triển khai nhanh và chi phí thấp. Nếu so sánh với số lượng phương tiện tham gia hiện tại thì giải pháp này là bước cắt giảm 1/2 phương tiện. Nhưng thực tế số lượng phương tiện chúng ta vẫn duy trì như bây giờ, chỉ là di chuyển liên thông, không điểm nghẽn”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cục CSGT, Bộ Công an: Phạt các trạm thu phí để xảy ra ùn tắc

Giải pháp đi ngược với số đông

Chia sẻ với Sputnik, ông Dương Anh Tuấn không cùng quan điểm với các chuyên gia giao thông tập trung vào việc giảm số lượng phương tiện hay mở rộng đường. Ông Tuấn cho biết:

“Tôi nghĩ rằng, nếu thực hiện hai biện pháp vừa nêu thì sẽ bất cập. Nếu mở rộng lòng đường sẽ làm mất đi kiến trúc đô thị của Thủ đô. Nếu cắt giảm phương tiện sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế vì tất cả mọi công việc phụ thuộc rất nhiều vào phương tiện hiện tại”.

Hà Nội chi gần 600 tỷ giải quyết tắc đường
Giải pháp loại bỏ đèn giao thông của ông Tuấn được chia làm 3 phần, có thể được áp dụng tại Hà Nội, TP HCM hay bất kỳ đô thị nào trên toàn quốc và thế giới.
Đối với những tuyến đường 2 chiều có mỗi chiều đường rộng ít nhất 4 làn xe trở lên (chiều ngang lòng đường >15m): Loại bỏ đèn đỏ và tạo điểm quay như nút giao Mễ Trì - Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo vừa được thí điểm.
Đối với những tuyến đường 2 chiều có mỗi chiều đường rộng 3 làn xe (chiều ngang lòng đường = 10,5 ÷ 12m): Vẫn sử dụng đèn tín hiệu. Tuy nhiên, sẽ áp dụng đèn xanh tại các nút liên thông với nhau, quy định vận tốc tối thiểu, lập các điểm quay – điểm dừng chờ và phân luồng lại cho các phương tiện.
Đối với những tuyến đường 2 chiều có mỗi chiều đường rộng 2 làn xe (khoảng 8m trở xuống) mà có các tuyến đường khác chạy song song bên cạnh và có các tuyến đường khác cắt ngang như khu nội đô và khu phố cổ ở Hà Nội. Áp dụng chuyển những tuyến đường này thành những đường 1 chiều ngược hướng nhau rồi kết hợp với những tuyến đường cắt ngang tạo thành nhánh quay liên hoàn và bỏ đèn đỏ ở các nút giao giúp cho phương tiện được di chuyển liên tục mà không phải dừng lại. Đặc biệt, các tuyến cắt ngang cũng được phân thành 1 chiều và ngược hướng nhau. Trong đó ưu tiên tuyến chính cho chạy liên tục.

“Giải pháp loại bỏ hoàn toàn đèn đỏ như tôi đề xuất tại Việt Nam là chưa có ở quốc gia nào. Phần lớn các nước khác đều làm hầm chui, cầu vượt và vẫn dùng đèn tín hiệu vì mật độ phương tiện giao thông của các nước không nhiều và phát triển nhanh như ở Việt Nam, đặc biệt là xe máy”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Phát sinh thêm 10 điểm ùn tắc: Lối đi nào cho Hà Nội?

Những thách thức trước mắt

Mặc dù có nhiều tính ưu việt, nhưng khi áp dụng vào thực tế sáng kiến này gặp phải nhiều khó khăn. Ông Dương Anh Tuấn chia sẻ với Sputnik:

“Đầu tiên là thời gian thí điểm sáng kiến trên rất dài. Vì sáng kiến của tôi đi ngược lại điều mà hàng trăm năm nay chúng ta nghĩ là hợp lý - hệ thống đèn giao thông. Hơn nữa, quan điểm truyền thống của các chuyên gia, cho rằng đây là giải pháp không phù hợp”.

Multimedia
Độc lạ Abuja: cảnh sát giao thông vừa nhảy múa vừa chỉ dẫn cho các phương tiện
Sáng kiến được thí điểm tại nút giao Mễ Trì - Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo là cả một quá trình được các nhà chuyên môn đánh giá, thí điểm qua hai mốc thời gian và đạt được hiệu quả cao.

“Từ đó cho đến nay, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục áp dụng sáng kiến của tôi để giải quyết ùn tắc tại một số các nút thắt khác nhau trên địa bàn thành phố như Ngã ba Vũ Trọng Khánh – Tố Hữu, Ngã tư Sở, Ngã tư Trần Duy Hưng – Nguyễn Chánh – Hoàng Minh Giám, Ngã tư Lê Trọng Tấn - Quang Trung (Hà Đông); Ngã tư Chu Văn An – Quang Trung (Hà Đông), Ngã tư Phạm Hùng - Nguyễn Hoàng – Tôn Thất Thuyết (từ ngày 18/3/2023). Tuy nhiên ở các nút giao trên Sở chưa bỏ hết đèn đỏ, mà mới chỉ tạo điểm quay một số chiều đường, do đó vấn đề ùn tắc vẫn chưa được giải quyết triệt để”, ông Tuấn nói.

Từ ngày 25/3 - 26/3/2023, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục thí điểm giải pháp trên thông qua việc điều chỉnh tổ chức giao thông tại khu vực Trường Chinh - Tôn Thất Tùng - Lê Trọng Tấn (quận Đống Đa - Thanh Xuân), nút Ngã Tư Sở và các nút giao lân cận.
Hà Nội tích cực xây thêm hầm chui
Đưa ra ví dụ cụ thể, ông Tuấn cho biết đoạn đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai - Văn Cao có 7 nút đèn đỏ. Nếu bỏ các nút đèn đỏ này, có thể đi liên tục không dừng chỉ mất thời gian là 10 phút, nhanh hơn rất nhiều so với hiện nay là 30 phút trong điều kiện không tắc đường. Tiết kiệm được gần 3 lần về mặt thời gian, giảm được 60% mật độ phương tiện.

“Với cách bỏ đèn tín hiệu, phân luồng lại làn phương tiện theo tôi sẽ áp dụng được lâu dài. Trong tương lai khi nền kinh tế và tài chính của đất nước phát triển hơn, mật độ ô tô và xe máy thay đổi, rất có thể tiến tới việc điều tiết điểm quay, vẫn giữ cách phân luồng và bỏ đèn tín hiệu như bây giờ. Từ đó có thể làm hầm chui, cầu vượt quanh điểm quay, khi đó lượng phương tiện sẽ thông thoáng hơn rất nhiều lần so với hiện nay”, ông Tuấn kỳ vọng.

Cuộc thi Sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam 2022 do Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công An), Báo Dân Trí tổ chức đã khép lại. Nhưng những sáng kiến táo bạo và hiệu quả như trên là động lực khích lệ người dân “hiến kế” giải quyết vấn đề “nóng” về giao thông trong tương lai.
Thảo luận