Theo ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên Bang Nga đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam với thế mạnh về hàng may mặc, giày dép, nông sản, hàng tiêu dùng, điện tử gia dụng tăng xuất khẩu, đầu tư sang Nga.
Tình hình khó khăn
Ngày 31/3, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ, bước vào 2023 tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam nói riêng có xu hướng suy giảm bởi lạm phát tăng cao, tổng cầu giảm trên phạm vi toàn thế giới. Một số chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu chịu tác động ngày một tiêu cực từ cuộc khủng hoảng này.
"Trung Quốc và một số nền kinh tế lớn cũng mở cửa trở lại nên sức cạnh tranh với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày một gay gắt", - TTXVN dẫn lời ông Diên lưu ý.
Thêm nữa, sự đổ vỡ của một số ngân hàng lớn ở Mỹ và Thụy Sỹ đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu trong thời gian gần đây, trong nước có một số ngân hàng hoạt động rất khó khăn, được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Trái phiếu doanh nghiệp gặp sự cố nên gây khó khăn trong việc tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
Dù vậy từ đầu năm tới nay, nền kinh tế đất nước có tốc độ tăng trưởng 3,32%. Tuy nhiên, giảm so với cùng kỳ. Tổng mức tăng bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 13,9%, tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ trưởng đánh giá thị trường trong nước đạt kết quả tương đối tốt nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt 154,3 tỷ USD, giảm 13,9% nhưng xuất siêu tới 4,07 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (1,9 tỷ USD).
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trước những vấn đề đặt ra, tại Phiên họp thường kỳ tháng 3 và 3 tháng đầu năm Chính phủ thống nhất 3 nhiệm vụ cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Theo đó, tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước thông qua kích cầu tiêu dùng, kết nối giao thương, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển để cùng với thị trường nước ngoài giải quyết đầu ra cho các ngành sản xuất. Đẩy mạnh sản xuất thông qua nhiệm vụ đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng chính sách thuế, hỗ trợ tiếp cận nguồn nguyên liệu, phát triển thị trường, hỗ trợ thủ tục trong hoạt động của doanh nghiệp.
Lo khó đạt mục tiêu xuất nhập khẩu
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các thương vụ đánh giá tình hình, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng hiện nay, lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá ít nhất bằng cùng kỳ năm 2022.
Bộ trưởng cho biết, năm nay phấn đấu tăng trưởng 8-12% kim ngạch xuất khẩu, đạt ngưỡng khoảng 800 tỷ USD.
"Trong 3 tháng đầu năm mới đạt 154 tỷ USD thì cứ đà này cuối năm chỉ đạt trên dưới 600 tỷ USD, đây là khoảng cách lớn", - Bộ trưởng lo ngại.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu thương vụ tập trung dự báo tình hình kinh tế nước sở tại, từ đó đưa ra phản ứng chính sách cần có để tham mưu cho Bộ, Chính phủ đảm bảo lợi ích của quốc gia dân tộc, doanh nghiệp. Qua đó, đề xuất chủ trương chính sách giải pháp từ phía Chính phủ, địa phương hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và người sản xuất để tận dụng tốt nhất các hiệp định thương mại tự do, nhất là hiệp định thế hệ mới góp phần thúc đẩy xuất khẩu và sản xuất trong nước.
Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài
© TTXVN - Trần Quốc Việt
Tại Hội nghị, đại diện các Thương vụ cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, kinh tế Mỹ và EU dự báo tăng trưởng dưới 1% và không loại trừ khả năng suy thoái.
Các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển phục hồi khó khăn hơn, tăng trưởng giảm. Lạm phát vẫn còn ở mức cao tại nhiều quốc gia khiến xu hướng thắt chặt tiền tệ - lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm 2023. Giá năng lượng vẫn có thể biến động do xung đột tại Ukraina và sự phục hồi khá mạnh của nền kinh tế Trung Quốc.
Trong khi đó, ở Việt Nam, do tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn và sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu dẫn tới sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Cán cân thương mại được dự báo tiếp tục cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát xu hướng tăng ảnh hưởng đến hồi phục và phát triển kinh tế.
Dự báo tình hình quốc tế thời gian tới vẫn còn diễn biến phức tạp. Các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu.
Một số quốc gia dự định áp đặt thêm các quy định cho hàng hóa nhập khẩu như thu phí cacbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với hàng nhập khẩu…; Các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới.
Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài
© TTXVN - Trần Quốc Việt
Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tại Nga
Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga cho hay, thương mại Việt – Nga đang có dấu hiệu hồi phục.
"Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính cả 2 tháng đầu năm, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga đang có dấu hiệu hồi phục đạt 402,55 triệu USD giảm 61,9% so với cùng kỳ năm 2022, trước đó tháng 1 là giảm 68,92%", - ông Minh nói.
Trong đó, trong 2 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga đạt 205,43 triệu USD giảm 59,4% so với cùng kỳ năm 2022 (tháng 1 trước đó giảm 70,3%), riêng tháng 2 đạt 106,07 triệu USD tăng 6,8% so với tháng 1 năm 2023.
Đáng lưu ý, thời gian qua, việc các doanh nghiệp phương Tây rút khỏi Nga tạo ra khoảng trống lớn trên thị trường.
"Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam với thế mạnh về hàng may mặc, giày dép, nông sản, hàng tiêu dùng, điện tử gia dụng tăng xuất khẩu, đầu tư sang Nga", - ông Dương Hoàng Minh khẳng định.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga cho rằng, các doanh nghiệp có hợp tác với Nga nên nghiên cứu kỹ, xem xét tăng cường, đầu tư, thành lập doanh nghiệp tại Nga để tổ chức sản xuất - tiêu thụ các mặt hàng may mặc, giày dép, nông sản chế biến, hàng tiêu dùng tại Nga.
Tuy nhiên, ông Dương Hoàng Minh cũng cảnh báo, tình hình xung đột giữa Nga và Ukraina trong thời gian tới tiếp tục có những diễn biến rất khó lường. Dự báo, trong thời gian tới Mỹ và đồng minh cũng sẽ thực hiện các biện pháp trừng mạnh hơn đối với nền kinh tế Nga. Do đó, khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp có hợp tác với thị trường Nga cần theo dõi sát tình hình thị trường để có các biện pháp ứng phó phù hợp.
Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga khuyến nghị, trước khi giao dịch, ký hợp đồng ngoại thương các doanh nghiệp cần tiến hành tìm hiểu, kiểm tra kỹ về đối tác, có thể tìm hiểu thông qua Thương vụ, đặc biệt là các đối tác tìm được trên môi trường internet, để tránh gặp mại các trường hợp lừa đảo.
"Nội dung của hợp đồng cần đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam", - ông Dương Hoàng Minh nhấn mạnh.
Mỹ vẫn liên tục điều tra hàng hoá Việt Nam
Về thị trường Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ thông tin, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về cơ bản vẫn duy trì mức tăng trưởng khá cao đóng góp quan trọng vào thặng dư thương mại của Việt Nam.
Dẫn số liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ, ông Hưng cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 10,0 tỷ USD giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm tỷ trọng 2,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Mỹ.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 9,23 tỷ USD (chiếm xấp xỉ 5,6% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, giảm 6,8%); nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 733,8 triệu USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, nhìn chung 2 tháng đầu năm, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ đều có dấu hiệu giảm rõ rệt, thuỷ sản giảm 55%, gỗ giảm 47%, dệt may giảm 32%, giày dép giảm 34%... một số mặt hàng có dấu hiệu tích cực hơn như máy tính, linh kiện tăng 7%, cà phê tăng 22%.
Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài
© TTXVN - Trần Quốc Việt
Nguyên nhân có thể được phân tích từ nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tăng liên tục gia tăng của Mỹ gây ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống chính sách của các nước. Ngoài ra, xung đột địa chính trị giữa các quốc gia tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu; chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ ngày một tăng.
Cùng với đó, việc các nước phát triển, trong đó có Hoa Kỳ, càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu sẽ là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến nguyên liệu, lao động, môi trường cho các sản phẩm nhập khẩu.
"Mỹ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, với các mặt hàng đa dạng và có giá trị cao", - ông Đỗ Ngọc Hưng lưu ý.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, các cơ quan hữu quan cần triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, thoả thuận song phương với Hoa Kỳ; nghiên cứu tham gia và tận dụng các cơ hội trong khuôn khổ các Hiệp định đa phương thế hệ mới mà cả Việt Nam và Hoa Kỳ tham dự, phù hợp với lợi ích và trình độ phát triển của Việt Nam.
Các Bộ ngành xây dựng chính sách theo hướng khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu theo hướng tiếp cận kinh tế tuần hoàn, các yếu tố về sản xuất và tiêu dùng bền vững với mục đích thay đổi dần tư duy sản xuất của doanh nghiệp, khuyến khích áp dụng công nghệ, nguyên vật liệu, sử dụng năng lượng tái tạo để sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn và quy định tại thị trường Mỹ.