Thị trường chính của ngành dệt may tại Việt Nam bắt đầu trải qua lạm phát, dẫn đến sức mua giảm mạnh. Đến quý 4/2022, đơn hàng giảm tới 30%, có doanh nghiệp giảm đến 70% đơn hàng tại thị trường châu Âu, dù vậy, ngành xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam vẫn kiên cường vượt qua sóng gió.
Thách thức lớn
Nguyên nhân của việc giảm đơn hàng chủ yếu do nhu cầu thế giới giảm, đặc biệt là tại 2 thị trường chính Mỹ và EU, là những thị trường quan trọng của ngành dệt may Việt Nam. Giá cả cũng giảm khoảng 30% tại các thị trường này.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức khác như sự chênh lệch về tỷ giá với các đối thủ cạnh tranh, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch.
Ngoài ra, yêu cầu truy xuất nguồn gốc của các nguyên liệu như bông, vải, sợi và việc thúc đẩy xanh hóa ngành dệt may từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức không nhỏ mà các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam đang phải đối mặt.
“Xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2022 cán đích một cách đáng ghi nhận khi mang về 4 2 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây có thể xem là sự nỗ lực rất lớn của ngành dệt may”, - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang nói với Nhịp sống và Kinh doanh trước thềm triển lãm quốc tế thường niên ngành dệt may SaigonTex & SaigonFabric 2023.
Cú “quay xe” đầy bất ngờ
Theo ông Giang, có hai yếu tố lớn đã hỗ trợ cho ngành dệt may trong năm vừa qua:
Thứ nhất, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong năm 2021, nhu cầu bị dồn nén.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình đã cực kỳ tích cực khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Bức tranh kinh doanh của ngành dệt may cũng rất khả quan, hầu hết các doanh nghiệp đã đạt tăng trưởng trên hai chữ số.
Thế nhưng, đến quý 3/2022, thị trường bắt đầu phản ứng trước tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu và chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc (một thị trường lớn của ngành dệt may).
Đến quý 4/2022, ảnh hưởng đã rõ ràng hơn. Sức mua toàn cầu giảm mạnh và trong quý 1/2023, các đơn hàng bị cắt giảm hàng loạt.
Dù vậy, ngành dệt may vẫn đạt được mục tiêu trong năm 2022. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp trong nước đã tạo nên nền tảng vững chắc giữa đại dịch. Hầu hết các bên đều nỗ lực thích ứng nhanh chóng bằng cách chuyển đổi sang các thị trường mới và cơ cấu sản phẩm đa dạng hơn.
Thứ hai, doanh nghiệp dệt may đã mở rộng danh mục thị trường xuất khẩu và không còn phụ thuộc vào một khách hàng lớn truyền thống nào đó. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đã thay đổi cơ bản một số giải pháp chuyên môn hoá, bao gồm đa dạng hóa sản phẩm và đầu tư vào máy móc công nghệ mới.
Các chủng loại sản phẩm đa dạng hơn đã giúp cho các doanh nghiệp dệt may có thêm nhiều cơ hội kinh doanh trên thị trường quốc tế.
Sự phát triển của ngành cũng được thể hiện qua SaigonTex & SaigonFabric, sẽ được tổ chức từ ngày 5-8/4/2023. Năm nay, tổng diện tích toàn khu triển lãm tăng đáng kể (250%) so với năm 2022, số lượng công ty tham gia cũng tăng mạnh và đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Đây là nơi kết nối thương mại, mang đến một thị trường giao thương sôi động của ngành công nghiệp dệt may và mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh.
Dệt may Việt Nam bị truy xuất nguồn gốc bông, vải sợi
Trong năm 2023, ngành dệt may tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức do sự giảm đơn hàng, lãi suất tăng và biến động tỷ giá. Trong đó, việc phát triển bền vững đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Theo Vitas, các đối tác ngày càng yêu cầu chặt chẽ hơn trong việc truy xuất nguồn gốc của bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may, và đây chính là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong năm 2023.
Có ba giải pháp cho năm 2023, bao gồm việc tiếp tục xây dựng nền tảng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa các nhãn hàng sản xuất tại Việt Nam. Không nên dừng lại ở một số sản phẩm truyền thống như trước.
Song song đó, cần xây dựng các giải pháp thích ứng với quy trình bền vững của thị trường dệt may toàn cầu. Trong đó, các đối tác nhập khẩu yêu cầu sử dụng sản phẩm tái chế, do đó các doanh nghiệp trong nước phải luôn tìm kiếm nguyên liệu, đầu tư vào con người và cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu này.
“Cuối cùng, đây cũng là bài toán chung không chỉ với doanh nghiệp mà cho cả hiệp hội, các cơ quan ban ngành: chính là xây dựng được giải pháp về nguồn lực. Có máy móc rồi, có thị trường rồi thì phải có nguồn lực để thực hiện. Đặc biệt, nguồn lực hiện nay còn đòi hỏi đáp ứng được sự thay đổi rất nhanh về cơ chế cũng như nhu cầu thị trường”, - ông Giang nhấn mạnh.
Vững vàng hơn
Trong số đó, nguồn lực được xem là yếu tố quan trọng nhất. Tại triển lãm này, hiệp hội tập trung tạo một môi trường giao lưu với các nhà sản xuất trên toàn thế giới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận và giao tiếp với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là liên quan đến sản phẩm tái chế.
“Mặt khác, trọng tâm năm nay cũng hướng tới phản ánh được giải pháp về thiết bị công nghệ tự động hoá mà các doanh nghiệp dệt may đang tìm kiếm. Bởi, thị trường bây giờ đòi hỏi phải cực kỳ nhanh nhạy, và chúng ta cần máy móc công nghệ để có thể đáp ứng”, - Chủ tịch Vitas kết luận.