Hơn 100 chiếc xe cổ đến từ nhiều thương hiệu khác nhau là kết quả của gần 10 năm anh Bùi Văn Cường kiếm tìm và mua lại từ trong nước và nước ngoài. Những dòng xe từ thời Liên Xô chiếm gần một nửa số lượng bộ sưu tập xe cổ của thanh niên trẻ này.
Thời bao cấp, thị trường xe Việt Nam chứng kiến sự ra đời của nhiều “huyền thoại” như Minsk, Ural 3 bánh, Simson, MZ, Jawa 350, Vespa, Super Cub 50, hay xe đạp Peugeot. Những dòng xe cổ này đều nằm trong bộ sưu tầm mà anh Cường sở hữu. Đa phần xe được anh Cường mua tại Việt Nam. Còn lại số ít được vận chuyển trực tiếp từ Nga, Tiệp, Đức, Nhật…Ước tính tổng giá trị các xe cổ anh Cường sở hữu lên đến hơn 2 tỷ đồng.
Một phần bộ sưu tập xe cổ Liên Xô mà anh Bùi Văn Cường (Hà Nội) sở hữu
© Ảnh : Bùi Văn Cường
Mỗi chiếc xe gắn với từng thời đại và từng câu chuyện lịch sử. Kể lại với Sputnik, anh Cường không quên được ký ức được trèo lên chiếc xe Minsk huyền thoại một thời. Từ cảm giác thích thú, anh bắt đầu nghiêm túc với đam mê này, dành thời gian, công sức và tiền bạc để "săn lùng" từng chiếc xe.
“Những chiếc xe Minsk gắn liền với ký ức tuổi thơ trong tôi. Khi khoảng 4-5 tuổi, tôi thường được đi xe ôm Minsk. Trước đó, bố tôi cũng chơi và sưu tầm đồ cổ, như một phần cuộc sống, đam mê này bắt đầu “ngấm” vào mình. Dần dần, tôi sưu tập dần từng loại xe một và săn tìm khắp nơi”, anh Cường nhớ lại.
Một phần bộ sưu tập xe cổ Liên Xô mà anh Bùi Văn Cường (Hà Nội) sở hữu
© Ảnh : Bùi Văn Cường
Khác với các dòng xe Honda (Nhật) về Việt Nam dưới dạng xe cũ, Minsk là một trong những mẫu xe côn tay được nhập mới nguyên chiếc từ Liên Xô cũ. Đây là mẫu xe mà dường như bất kỳ người lao động Việt Nam nào trước những năm 1990 đều tìm cách tích cóp và mua bằng được để gửi về Việt Nam.
Một phần bộ sưu tập xe cổ Liên Xô mà anh Bùi Văn Cường (Hà Nội) sở hữu
© Ảnh : Bùi Văn Cường
Tiếng nổ của xe Minsk cũng gắn với cuộc đời của nhiều người dân Việt Nam, thậm chí cho tới ngày nay. Dù có tiếng nổ lớn, song xe Minsk có khả năng “trèo đèo lội suối” đáng kinh ngạc. Đây là phương tiện không thể thiếu cho người dân ở những vùng địa hình khó khăn, hay những tay lái buôn luôn chuyên chở hàng nặng tại Việt Nam.
“Chủ đạo trong dòng xe Liên Xô, tôi sở hữu 2 dòng xe Minsk và Ural 3 bánh là nhiều nhất. Xe Minsk phổ biến là màu xanh và đỏ. Gần đây, tôi mới sở hữu một chiếc Minsk khá hiếm màu xám, có biển số Nga, sản xuất từ năm 1992 hiện còn lưu lại. Xe này lưu lạc trong tay một nhà sưu tầm tại Nga. Qua liên hệ, tôi cố gắng vận chuyển xe này về Việt Nam”, anh Cường chia sẻ với Sputnik.
Một phần bộ sưu tập xe cổ Liên Xô mà anh Bùi Văn Cường (Hà Nội) sở hữu
© Ảnh : Bùi Văn Cường
Một phần bộ sưu tập xe cổ Liên Xô mà anh Bùi Văn Cường (Hà Nội) sở hữu
© Ảnh : Bùi Văn Cường
Nói thêm về những khó khăn khi chơi xe cổ, anh Cường cho biết việc tìm mua linh kiện, phụ kiện thay thế và sửa chữa khi xe hỏng hóc cũng là vấn đề. Những linh kiện không mua được ở Việt Nam, anh phải nhập từ nước ngoài với chi phí đắt đỏ. Và hạn chế lớn nhất khi sử dụng xe cổ là không đi được đường dài.
“Trong quá trình chơi cũng phải sưu tầm và chọn lọc nhiều. Tôi có lập ra một hội nhóm xe cổ, nơi mọi người có thể giao lưu, trao đổi khi cần. Ví dụ, nếu có xe nào chưa ưng ý, chúng tôi có thể giao lưu, đổi hoặc bán mua một xe khác giá trị hơn. Có những xe giá trị ngang ngửa nửa chiếc ô tô mới”.
Bộc bạch thêm về những chiếc Ural 3 bánh, anh Cường cho biết, cũng như Minsk đây là những mẫu xe huyền thoại một thời, mà khi ấy phải khá giả lắm mới có thể sở hữu. Xe máy Ural trước đây cũng rất nổi tiếng ở Việt Nam, được sử dụng trong quân đội và cảnh sát. Nhưng gần đây khi các thương hiệu xe máy Nhật Bản và Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường, xe Nga đã bị lãng quên.
Một phần bộ sưu tập xe cổ Liên Xô mà anh Bùi Văn Cường (Hà Nội) sở hữu
© Ảnh : Bùi Văn Cường
“Ví dụ như xe 3 bánh gắn liền với hình ảnh của lực lượng vũ trang Việt Nam từ những năm 1980 - 1990. Trong quá trình sưu tầm các dòng xe cổ này, mình phải tư sửa lại khá nhiều. Có những xe buộc phải phục dựng sửa chữa lại, bởi đây là dòng rất hiếm. Có những phụ kiện phải vận chuyển từ nước ngoài về, chi phí rất cao. Để giữ gìn, hàng tuần tôi vẫn lau chùi, bảo dưỡng dầu mỡ để chống rỉ sét”, anh Cường tâm sự.
Anh cho biết, trước đó anh cũng sưu tầm đồ bao cấp, chủ đạo là đồ dùng từ thời Liên Xô, cung cấp cho các quán cafe xưa từ Hà Nội đến Côn Đảo, TPHCM…Có thể kể đến như bàn là điện Jauza, đài VEF, phích đá TMT, đèn dầu, quạt tai voi,..
Các sản phẩm mới liên tiếp ra đời vẫn không làm mất đi danh tiếng lẫy lừng của Minsk, Ural và những dòng xe Liên Xô huyền thoại khác. Đặc biệt, với những ai yêu vẻ xưa cổ, sự tái sinh của một “hoài niệm Liên Xô” luôn mang lại niềm vui lớn.