SCB tiếp tục “vào tầm ngắm”, NHNN sẽ tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương trình phương án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, nhất là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Sputnik
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất, đồng thời, cho phép tổ chức tín dụng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng đầu tư, cho vay đối với trái phiếu doanh nghiệp nhằm tăng nguồn cung, tính thanh khoản, phát triển thị trường trên cơ sở an toàn, hiệu quả.

Cuộc họp quan trọng

Chiều 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc họp với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp.
Việc tổ chức cuộc họp là để rà soát, thúc đẩy việc ban hành ngay 2 thông tư quan trọng về cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Biến động kiều hối: Việt Nam – xứng đáng với vị thế “con hổ mới châu Á”
Theo cổng thông tin Chính phủ, tham dự cuộc làm việc có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Giãn, hoãn nợ

Liên quan đến dự thảo Thông tư liên quan đến hướng dẫn cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện dự thảo theo hướng cân nhắc mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian áp dụng phù hợp.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát và đẩy mạnh phân cấp để tăng cường trách nhiệm của các tổ chức dụng và phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp thúc đẩy ban hành hai Thông tư quan trọng về tài chính, ngân hàng

Cho phép mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp

Đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thiết kế hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường niềm tin thị trường và theo hướng cho phép tổ chức tín dụng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp.
Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng đầu tư, cho vay đối với trái phiếu doanh nghiệp nhằm tăng nguồn cung, tính thanh khoản, phát triển thị trường trên cơ sở an toàn, hiệu quả.

Sớm cơ cấu SCB, tiếp tục hạ lãi suất

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng hạ lãi suất phù hợp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
4 ngân hàng yếu kém bị chuyển giao bắt buộc, Vietcombank, VPBank, MSB sẽ có biến động?
“Khẩn trương trình phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, nhất là ngân hàng SCB”, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.
Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, cần sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi để tháo gỡ vướng mắc hiện hành, phù hợp với tình hình thực tế, trên cơ sở khả thi, hiệu quả.

Kế hoạch chuyển giao ngân hàng yếu kém

Như Sputnik đã thông tin trước đó, căn cứ vào Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, đến năm 2025 ngành ngân hàng phải xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã ban hành Chỉ thị 01 chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023.
Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là xử lý ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay (DongABank, CBBank, OceanBank và GPBank).
Ngoài ra, từ giữa tháng 10/2022, NHNN đã đưa Ngân hàng Sài Gòn (SCB) vào diện kiểm soát đặc biệt sau sự cố rút tiền hàng loạt. Số lượng các ngân hàng yếu kém cần phải tập trung xử lý của Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể.
Vừa qua, NHNN đã ban hành Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.
Dự thảo đang được NHNN đưa ra lấy ý kiến, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém (ngoại trừ nhóm nhân hàng quốc doanh "Big 4") sẽ được nới room vốn ngoại lên mức tối đa 49%.
Ngân hàng Nhà nước đang tạo điều kiện và khuyến khích các ngân hàng lớn mua lại hay sáp nhập các ngân hàng nhỏ, ngân hàng yếu kém để hỗ trợ các ngân hàng này cũng như để tránh những tín hiệu xấu trong hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước đi ‘đúng nước cờ’
Mới đây, lãnh đạo Vietcombank cho biết đã hoàn thành phương án nhận chuyển giao bắt buộc, đang triển khai nhanh để đáp ứng đúng tiến độ của NHNN.
Trước đó, nêu tại báo cáo về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Chính phủ, khả năng cao Vietcombank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc CBBank.
Vietcombank cũng đã được chỉ định tham gia hỗ trợ CBBank tái cơ cấu, khi ngân hàng này bị mua lại bắt buộc 0 đồng do thua lỗ, âm vốn. Theo thông tin được tạp chí Kinh tế Môi trường cho biết, sau khi thông qua phương án sáp nhập, OceanBank có thể được sáp nhập vào MB (Ngân hàng Quân đội). Tuy nhiên, theo tính toán của MB, sẽ mất khoảng 7-8 năm để có thể xử lý hết số lỗ lũy kế mà OceanBank chuyển giao.
Vừa qua, VPBank cũng trình cổ đông thông qua phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém. Giới quan sát kỳ vọng VPBank sẽ tham gia tái cơ cấu GPBank.
Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) dự kiến sẽ trình phương án sáp nhập thêm một ngân hàng tại đại hội đồng cổ đông 2023 trong tháng 4. Hiện, MSB đang cân nhắc, lựa chọn một ngân hàng phù hợp với định hướng phát triển để thực hiện việc sáp nhập, giúp MSB tăng quy mô nhanh hơn. Trong đó, PGBank là một trong số các ngân hàng được MSB quan tâm.
Thảo luận