Việt Nam bất chấp những cơn gió ngược

Theo DBS, bất chấp những cơn gió ngược, Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu nhờ vị thế địa chính trị đặc biệt.
Sputnik
Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tập đoàn lớn đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Việt Nam là quốc gia hưởng lợi chính

Ngày 24/4, Tập đoàn DBS công bố kết quả nghiên cứu cho rằng, bất chấp những cơn gió ngược về tăng trưởng theo chu kỳ ngắn hạn, Việt Nam vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
"Việt Nam vẫn là nước hưởng lợi chính từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu", - Theo The Business Times dẫn kết quả nghiên cứu của DBS khẳng định.
Căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc càng gia tăng, càng thúc các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp lớn đa quốc gia đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng của mình.
Trong bối cảnh đó, DBS tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia "hưởng lợi chính" từ việc tái định vị chuỗi cung ứng hoặc hợp tác sản xuất của những ông lớn thế giới.
Đã đến lúc Trung Quốc thấy được tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng

Việt Nam nắm nhiều lợi thế

Chua Han Teng, chuyên gia kinh tế của DBS nhận định, Việt Nam sở hữu các yếu tố thuận lợi khác nhau.
Theo đó, việc Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do mở rộng (FTAs), có vị trí gần Trung Quốc, chi phí lao động lành nghề cạnh tranh và hệ sinh thái điện tử đang phát triển, đặc biệt là chiến lược xây dựng hình ảnh Việt Nam như một "đứa con cưng", luôn giành được sự ưu ái đầu tư sản xuất từ nước ngoài đã đóng góp chung vào thành công của quốc gia Đông Nam Á này.
Nhóm phân tích của DBS lưu ý rằng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất mới của Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2023 (Quý I/2023) đã tăng lên mức cao nhất kể từ thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19.
Ông Chua Han Teng nhấn mạnh rằng xu hướng hồi phục diễn ra sau khi tổng vốn FDI đăng ký mới suy yếu vào năm 2022, dù lĩnh vực sản xuất vẫn ổn định, cho thấy đóng góp và tầm quan trọng của lĩnh vực này sẽ tăng lên.
Việt Nam tiến thoái lưỡng nan về ưu đãi thuế cho Samsung, Intel và các ông lớn FDI
Điều đáng nói, tổng vốn đầu tư nước ngoài mới từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã tăng lên khoảng 800 triệu USD trong quý đầu tiên của năm 2023, cao hơn 10% so với mức trung bình 3 năm trước đại dịch.
Kết quả này cũng đưa Trung Quốc và Hồng Kông trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam, sau Singapore – nhà đầu tư hàng đầu của đất nước ở thời điểm hiện tại.
Ông Chua Han Teng đặc biệt kỳ vọng mối liên kết thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ phát triển hơn nữa, nhất là việc Việt Nam ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu với vị thế như một cơ sở sản xuất thay thế cho Trung Quốc.
Ở thời điểm hiện tại, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng tính theo sức mua tương đương kể từ năm 2010, nhờ vào mô hình định hướng xuất khẩu và FDI của đất nước. Chuyên gia Chua tin tưởng triển vọng sẽ rất sáng lạn.
"Cách tiếp cận (theo định hướng xuất khẩu và thu hút FDI) của Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả kinh tế tốt đẹp trong những năm tới", - chuyên gia bày tỏ.
Tuy nhiên, DBS cũng cảnh báo rằng tính chuyên môn hoá ngày càng tăng của Việt Nam trong sản xuất và xuất khẩu công nghệ, hội nhập vào chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu cũng như độ mở thương mại cao (trên 200% - PV) khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước các biến động toàn cầu.
Giá trị và hoạt động sản xuất của Việt Nam đã giảm 0,4% so với cùng kỳ trong Quý 1 do xuất khẩu hàng điện tử giảm trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu hơn. Nhu cầu sau đại dịch đã được bình thường hóa, cùng với sự thay đổi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn từ các nền kinh tế tiên tiến ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu của Việt Nam.

Tăng trưởng GDP Việt Nam

Một điểm quan trọng khác được giới phân tích DBS đưa ra chính là hạ dự báo tăng trưởng kinh tế.
"Mặc dù kỳ vọng tăng trưởng sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, DBS cho rằng Việt Nam có thể khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho cả năm", - báo cáo nêu.
DBS đã hạ dự báo tăng trưởng GDP thực tế năm 2023 cho đất nước xuống 5,5% từ 6,5% trước đó.
DBS lưu ý, sự biến động về tăng trưởng và những trở ngại ngắn hạn của Việt Nam trong bối cảnh bên ngoài toàn cầu trở nên khó khăn hơn, phản ánh sự hội nhập thành công của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam đang nổi lên như nhà sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử quan trọng trong những năm qua", - chuyên gia Chua đánh giá.
GDP quý 1/2023 của Việt Nam không đạt kỳ vọng

Tình hình thu hút FDI

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy, tính đến ngày 20/4/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 8,88 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ.
Vốn thực hiện ước đạt khoảng 5,85 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tổng vốn đăng ký, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, ngoài vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục giảm thì vốn đầu tư mới và góp vốn, mua cổ phần đã tăng trở lại so với cùng kỳ.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỷ USD, tăng 65,2% về số dự án và tăng 11,1% về số vốn so với cùng kỳ năm trước. Cạnh đó, có 386 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với vốn đầu tư tăng thêm đạt 1,66 tỷ USD, tăng 19,5% về số dự án và giảm 68,6% về số vốn so với cùng kỳ.
Có 1.044 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,1 tỷ USD, tăng 1,8% về số lượng và tăng 70,4% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy, tình hình đã có sự khởi sắc.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, trong 4 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu, với tổng vốn đầu tư đạt hơn 5,1 tỷ USD, chiếm 57,8% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 17% so với cùng kỳ.
Đứng thứ hai là ngành hoạt động tài chính - ngân hàng, với tổng vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ USD, chiếm hơn 17% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ.
Các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 972 triệu USD (giảm 65,5%) và gần 372 triệu USD (giảm 44,3%). Còn lại là các ngành khác.
Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng vẫn là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 29,9%) và điều chỉnh vốn (chiếm 56,7%). Bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch góp vốn, mua cổ phần (chiếm 40,8%).
FDI vào Việt Nam: Khoảng lặng trước những đợt sóng lớn

Niềm tin vào Việt Nam

Xét về đối tác đầu tư, đã có 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023.
Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 2,2 tỷ USD, chiếm hơn 24,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 29,5% so với cùng kỳ 2022; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 2 tỷ USD, chiếm hơn 22,1% tổng vốn đầu tư, gấp 2,63 lần so với cùng kỳ.
Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 752 triệu USD, chiếm gần 8,5% tổng vốn đầu tư, giảm 30% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc…Tuy nhiên, xét về số dự án, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu cả về số dự án mới (chiếm 16,1%), số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 24,4%) và GVMCP (chiếm 28,2%).
Đánh giá về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài đã giảm so với cùng kỳ nhưng đã có cải thiện so với các tháng đầu năm 2023.
Các số liệu hiện chỉ còn giảm 1,2%, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mức giảm của 3 tháng đầu năm (2,2%); và thấp hơn 3,7 điểm phần trăm so với mức giảm của hai tháng đầu năm 2023 (4,5%).
Trong khi đó, vốn đầu tư mới đã tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong quý I/2023. Số dự án đầu tư mới cũng tiếp tục tăng so với cùng kỳ và tăng mạnh so với mức tăng của 3 tháng (62,1%).

"Việc tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng tổng vốn đầu tư, cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam để đưa ra các quyết định đầu tư mới", - theo Cục Đầu tư nước ngoài.

Ở góc độ khác, Cục Đầu tư nước ngoài cũng tiếp tục cảnh báo, có dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Trong 4 tháng qua, các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, song tổng vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới.
Những lí do khiến doanh nghiệp Úc đầu tư vào Việt Nam
Cục Đầu tư nước ngoài nhận định,, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc túc đầu tư…), như Hà Nội, Bắc Giang, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng…
Các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống, như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc... Riêng 6 đối tác này đã chiếm tới 75,1% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 4 tháng.
Trong khi đó, vốn đầu tư điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ, chủ yếu do không có nhiều các dự án điều chỉnh vốn lớn song mức giảm đã được cải thiện hơn so với các tháng đầu năm. Theo đó, vốn điều chỉnh chỉ còn giảm 68,6% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với mức giảm 70,3% trong 3 tháng; 85,2% trong 2 tháng và 75,9% trong tháng đầu năm 2023.
Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng mạnh hơn (tăng 19,5% so với cùng kỳ), thay vì chỉ tăng 2,6% trong 3 tháng và giảm 6,3% trong 2 tháng đầu năm.
"Điều này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu", - Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Thảo luận