Cú quay xe đảo chiều tăng trưởng: Vì sao hàng hoá Việt Nam tắc đường ra thế giới?

Việt Nam - nền kinh tế từng phục hồi nhanh nhất châu Á – đang bất ngờ chứng kiến xu hướng sụt giảm kim ngạch xuất nhập khẩu, khan hiếm trầm trọng đơn hàng cho các nhà máy sản xuất. Tình hình này cũng đánh dấu sự đảo chiều trong tăng trưởng của Việt Nam.
Sputnik
Lạm phát cao, sức mua sụt giảm, nhất là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu khiến xuất khẩu sang các khu vực, thị trường của Việt Nam đều sụt giảm, trong đó giảm mạnh nhất là thị trường châu Mỹ, châu Âu.

Xuất nhập khẩu giảm mạnh

Các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, điển hình, một trong những chỉ số quan trọng nhất là xuất nhập khẩu hàng hóa cho thấy xu hướng sụt giảm rõ rệt.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước chỉ đạt 53,57 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu giảm 11,8%; nhập khẩu giảm 15,4%.
Trong khi đó, cùng thời điểm 4 tháng năm ngoái, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt tới 243,9 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 123,1 tỷ USD, tăng 17,1%; còn nhập khẩu đạt 120,8 tỷ USD, tăng 16,1%.
Lý giải về đà sụt giảm kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá, Tổng cục Thống kê cho rằng, chủ yếu là do kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng giảm. Điều này ảnh hưởng đến cả sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Có dự báo xuất nhập khẩu Việt Nam có thể tăng trưởng âm
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng thể hiện, trong 4 tháng qua, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 28,4 tỷ USD. Ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 33,3 tỷ USD.
Việt Nam xuất siêu sang Mỹ ước 24,4 tỷ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 9,3 tỷ USD, giảm 12,7%; xuất siêu sang Nhật Bản 367 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 589 triệu USD) trong 4 tháng đầu năm 2023.
Ở chiều ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc 16,8 tỷ USD, giảm 18,1%; nhập siêu từ Hàn Quốc 8,9 tỷ USD, giảm 36,9%; nhập siêu từ ASEAN 2,3 tỷ USD, giảm 53%.
Tính chung 4 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,35 tỷ USD.

Tìm điểm nghẽn khiến hàng hoá tắc đường ra thế giới

Để hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 238/CĐ-TTg về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã và đang ráo riết cùng doanh nghiệp gỡ điểm nghẽn với tâm thế chủ động với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Theo TTXVN/Vietnam+ dẫn lời của ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thừa nhận, dù đạt được những kết quả tương đối tích cực trong năm 2022 nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong các tháng đầu năm 2023 ghi nhận nhiều khó khăn.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm trước và giảm ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước lẫn khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); xuất khẩu sang các khu vực, thị trường cũng đều sụt giảm; trong đó giảm mạnh nhất là thị trường châu Mỹ, châu Âu.
Về nhóm hàng xuất khẩu lại giảm mạnh ở nhóm các mặt hàng công nghiệp chế biến, nhất là các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng.
“Nguyên nhân sản xuất, xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là do lạm phát cao, sức mua sụt giảm, nhất là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu”, - ông Phan Văn Chinh lưu ý.
Tổng kết 2023 và Dự báo 2024
Xuất nhập khẩu 2022 đạt kỷ lục, nhưng Việt Nam vẫn "rất lo"
Bên cạnh đó, chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tránh rủi ro.
“Một số ngành hàng như thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại”, - đại diện Bộ Công Thương nói và cho biết, yếu tố cạnh tranh trên thị trường ảnh hưởng đến giá hàng hoá xuất khẩu.
Tình trạng thiếu đơn hàng gây khó khăn và lo lắng cho nhiều ngành mũi nhọn cũng như doanh nghiệp. Theo chia sẻ của ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan Thành phố Hồ Chí Minh, Quý I, hầu hết doanh nghiệp đều bị giảm đơn hàng từ 30-40%.
“Nguyên nhân là do lạm phát tại những thị trường xuất khẩu dệt may lớn của Việt Nam tăng cao khiến người dân tiết kiệm chi tiêu, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu”, - ông Hồng phân trần.
Thêm nữa, chi phí năng lượng cao đã đẩy chi phí đầu vào tăng cộng hưởng thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi vậy, không ít doanh nghiệp sẵn sàng nhận đơn hàng khó, giá rẻ chỉ từ 1.000-3.000 sản phẩm mỗi mã.
Trước tình trạng đơn hàng sụt giảm chỉ còn 30%, có thị trường gần như đóng băng, xuất ăn đong từng container, doanh nghiệp phải cắt giảm lao động tại nhà máy, các chuyên gia cho rằng cần có cơ chế chính sách hỗ trợ kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, có giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa để doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư hệ thống sản xuất, kinh doanh.
Vì sao Việt Nam đạt kỷ lục xuất nhập khẩu 620 tỷ USD?
Một vấn đề đáng quan tâm khác là yếu tố tiếp cận vốn tín dụng. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã khảo sát và cho ra kết quả, chỉ có khoảng 38% đến 45% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng.
Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được vốn đều gặp trở ngại về điều kiện, thủ tục vay vốn của ngân hàng. Do đó, đã có hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa phải ngừng hoạt động hoặc giải thể bởi không có nguồn lực tài chính để tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất-kinh doanh. Cần lưu ý rằng, thị trường giảm sức mua, đơn hàng phục hồi chậm dẫn đến hàng tồn kho cả đầu vào và đầu ra. Trong khi đó, doanh nghiệp đang đối diện với khoản vay nợ cũ đã đến hạn, nếu không có cơ chế xử lý thì nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển sang nợ xấu, kéo theo nhiều hệ lụy. Nhiều doanh nghiệp mong mỏi mức lãi suất cho vay khoảng 5-6%/năm, biên độ từ 2-3%.

Lối ra nào?

Tại cuộc làm việc gần đây của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý, thời gian tới, tình hình chính trị và kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó đoán định.
Dự báo, tổng cầu thế giới sẽ còn giảm và cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu giữa các nước còn khó hơn, sẽ còn nhiều các rào cản kỹ thuật làm giảm động lực, giảm khả năng xuất khẩu.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định tình trạng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm vẫn chưa kết thúc, do nhu cầu toàn cầu tiếp tục suy yếu cả năm 2023. Cộng thêm, rủi ro suy thoái toàn cầu rõ ràng có thể ảnh hưởng đến đơn đặt hàng của các nhà máy, vốn là huyết mạch của nền kinh tế như trong một báo cáo gần đây của Nikkei Asia.
Tình hình trong nước, Bộ trưởng Công Thương cũng cảnh báo tác động từ vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản đóng băng và tâm lý ngại trách nhiệm của bộ phận cơ quan, tổ chức, cá nhân…
Ngoài ra, còn có sự trì trệ, chậm đổi mới về công nghệ, quản trị, chậm đổi mới về phương thức sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sẽ còn kìm hãm phát triển và khó để khai thác được các lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.
Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tiếp tục nghiên cứu, thực hiện cơ chế chính sách để khai thác thị trường mà Việt Nam đang là thành viên của FTA. Phải tăng nắm bắt cơ chế chính sách của các nước nhập khẩu; chú trọng nghiên cứu luật pháp quốc tế, luật pháp của nước sở tại để làm tốt chức năng phòng vệ thương mại trong vụ việc có tranh chấp giữa doanh nghiệp với đối tác, nhất là đối tác nước ngoài.
Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu cần mạnh mẽ tái cơ cấu trong các khâu quản trị, tổ chức sản xuất, tiết giảm chi phí. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm để xuất khẩu bền vững.
Kẹt tàu ở kênh đào Suez ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam
Để hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu và mở rộng thị trường, Bộ trưởng yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại… cần làm tốt thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng qua việc tổ chức giao ban định kỳ giữa thương vụ với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu lớn trong nước, cũng như đại diện địa phương.
Việt Nam cũng cần đổi mới nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới; chú trọng hướng dẫn hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp khai thác phát huy các thị trường truyền thống và khai mở thị trường mới giàu tiềm năng. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán với các nước để mở cửa thị trường cho sản phẩm nông, lâm thủy sản mà Việt Nam có lợi thế.
Ngân hàng Nhà nước cần có những giải pháp chính sách hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, nhất là gói tín dụng theo chuỗi giá trị sản phẩm. Ưu tiên cho lĩnh vực xuất khẩu, nghiên cứu có chính sách khoanh, giãn nợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.
Bộ Tài chính cần xem xét vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ việc giảm, giãn, hoãn một số loại thuế, tạo thêm nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển.
Năm 2023, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 393-394 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2022. Tuy nhiên, kết thúc quý 1/2023 mới hoàn thành 20% chỉ tiêu, nghĩa là áp lực cho những quý tiếp theo chắc chắn sẽ nhiều hơn.
Với quý I khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, cần phải có đột phá ở những quý tiếp theo thì cả năm, xuất nhập khẩu Việt Nam mới có thể vượt ngưỡng 600 tỷ USD.
Thảo luận