Hà Nội: Chênh lệch giá “khủng” làm đường Vành đai 1 và Vành đai 4

Dự kiến Hà Nội sẽ khởi công đường Vành đai 4 ở 4 vị trí vào tháng 6 tới đây. Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng ước tính giá hơn 328 tỷ đồng cho 1km đường Vành đai 4. Có sự chênh lệch rất lớn với đường Vành đai 1.
Sputnik
Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, đối với dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô chỉ khoảng 328 tỷ/km so với chi phí làm đường Vành đai 1 là 7.600 tỷ đồng cho hơn 1 km thì Vành đai 4 rẻ hơn rất nhiều. Đồng thời, càng làm sớm, đồng bộ càng giảm chi phí, ổn định đời sống nhân dân.

Trên 328 tỷ cho một km đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Sáng 5/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội (Đơn vị bầu cử số 4) đã tiếp xúc với cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã thông tin về việc xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi tiếp xúc.
Cụ thể, mục tiêu theo Nghị quyết của Chính phủ đến 30/6/2023 phải bàn giao cơ bản 70% mặt bằng và tổ chức khởi công, đến 31/12/2023 bàn giao 100% mặt bằng. Đến nay, Hà Nội đã bàn giao 50% diện tích đất của dự án, gần 60% mồ mả được di chuyển. Ông Dũng khẳng định, sau Tết, các quận huyện tiếp tục cho di chuyển mồ mả và bà con rất đồng thuận.
“Rất xúc động khi những ngôi mộ "tươi" được đóng hòm kẽm để di chuyển, sự đồng thuận của nhân dân rất quan trọng, thuận lòng dân là chúng ta sẽ làm được”, Bí thư Hà Nội chia sẻ.
Theo ông Dũng, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng chiều dài 112km đi qua 3 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng mức đầu tư trên 85.000 tỷ đồng.
Trong đó, phần đường đi qua Hà Nội có chiều dài hơn 58km, còn lại của Bắc Ninh, Hưng Yên. Tính theo phương án giải phóng mặt bằng đã duyệt thì tổng kinh phí để làm một km đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thấp hơn rất nhiều so với các dự án khác. Cụ thể, theo phương án được duyệt thì GPMB cho toàn bộ đường Vành đai 4 bao gồm đường cao tốc, đường song hành 2 bên mỗi bên 2 làn xe, kể cả 30m chiều ngang dự trữ cho đường sắt quốc gia tổng kinh phí GPMB tái định cư trên 13.000 tỷ đồng. Chi phí làm đường song hành 2 bên, mỗi bên 2 làn xe là 5.400 tỷ đồng. Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, cộng lại chia ra chi phí 328 tỷ/km đường.

Hà Nội sắp làm đường Vành đai 4: Chênh lệch giá “khủng”

Theo Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng, thông tin như vậy để quy lại so sánh với 2 tuyến đường vành đai đang xây dựng.
Ông so sánh, như đường Vành đai 2,5 nối từ Nguyễn Trãi sang Đầm Hồng có hơn 1km chi phí đến 2.500 tỷ đồng bao gồm cả GPMB và làm đường 4, 5 làn xe.Thứ hai là đường Vành đai 1 đoạn từ Hoàng Cầu - Voi Phục cũng trên 1km chi phí tới 7.600 tỷ đồng.
“Nói để thấy chúng ta làm đường sớm ngày nào, đồng bộ ngày nào thì rẻ ngày đấy. Ngoài mặt kinh tế, điều quan trọng hơn nếu làm đồng bộ thì sớm ổn định đời sống nhân dân. Như đường Vành đai 1, Vành đai 2,5 nhân dân hàng chục năm nay có yên được không? Có làm ăn kinh doanh yên ổn không hay suốt ngày lo lắng về giải phóng mặt bằng. Tự chúng ta gây nên mất an ninh trật tự trong lòng Thủ đô”, ông Dũng thẳng thắn.
Nhấn mạnh yêu cầu phải rút kinh nghiệm từ các bài học đã nêu, Bí thư Hà Nội cho biết, Ccùng sự đồng thuận của nhân dân, khả năng đến 30/6 tới Hà Nội sẽ khởi công được dự án Vành đai 4.
“Làm gì phải ra tấm ra món, rốt ráo từ đầu. Tiền là một phần, còn ổn định đời sống nhân dân là vô cùng quan trọng”, người đứng đầu Thành uỷ Hà Nội khẳng định.

Hà Nội khởi công dự án đường Vành đai 4 tại 4 vị trí

Chỉ sau hơn 10 tháng kể từ ngày Quốc hội thông qua chủ trương dự án xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, tính đến ngày 27/4, Hà Nội đã phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng 404,40ha đất trên 798,043ha đất cần thu hồi, đạt 50,67%. Tổng số tiền đã phê duyệt đền bù trên địa bàn thành phố Hà Nội là 3.051,77 tỷ đồng.
Vành đai 4 Hà Nội: Không có tên Vingroup, chỉ có T&T của bầu Hiển quan tâm?
Theo kế hoạch, thành phố Hà Nội sẽ khởi công dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô tại 4 vị trí sau:
Vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với quốc lộ 2, tại Km1+444 thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn.
Vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường Phương Bảng, tại Km28+000 thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức.
Vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với trục đường phía nam, tại Km45+700 thuộc địa phận xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, cách đường Vành đai 3 khoảng 11km.
Vị trí tuyến đường Vành đai 4 nối đê sông Hồng, tại Km56+750 thuộc địa phận xã Ninh Sở, huyện Thường Tín.
Riêng gói thầu số 11/TP2-XL sẽ không kịp khởi công trong tháng 6/2023 do vướng thỏa thuận thiết kế kỹ thuật với tuyến đường sắt bắc-nam, dự kiến sẽ khởi công chậm hơn các gói thầu khác khoảng 3 tháng. Còn 2 tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên có dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 chạy qua cũng đang rất nỗ lực để có thể khởi công đồng loạt các dự án trong tháng 6/2023.

Tháo gỡ khó khăn về quy định PCCC và vấn đề quản lý vỉa hè

Tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Hữu Sự (phường Đại Kim) nêu vấn đề quy định của Luật PCCC đối với các lĩnh vực kinh doanh như karaoke, nhà nghỉ... còn nhiều bất cập so với thực tế.
Đặc biệt, cơ sở kinh doanh karaoke còn nhiều tồn tại về PCCC và cứu hộ cứu nạn, hệ thống báo cháy tự động chưa kết nối với âm thanh trong phòng hát.
Căn cứ quy định hiện hành, nhiều cơ sở karaoke phải tạm đình chỉ hoạt động gây khó khăn, ảnh hưởng đến kinh tế của các cá nhân, doanh nghiệp do vậy, ông Sự kiến nghị đoàn Đại biểu Hà Nội có ý kiến với các cơ quan chức năng sớm giải quyết tình trạng này.
Trả lời kiến nghị của cử tri về vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy cho các quán karaoke, Bí thư Hà Nội đề nghị Giám đốc Công an thành phố Nguyễn Hải Trung cần kiểm tra, kiểm soát kỹ, quán nào đã đủ điều kiện cho hoạt động trở lại.
Cử tri Mai Thanh Trung (phường Định Công, quận Hoàng Mai) cho rằng, do quận Hoàng Mai có tốc độ phát triển đô thị cao, dân số cơ học tăng đột biến trong những năm gần đây dẫn đến những nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng như trường học, bãi giữ xe thông minh, nhất là tháo gỡ khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng.
Đã rõ mức đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án đường Vành đai 4 Hà Nội
Đối với vấn đề này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, việc xây dựng, cải tạo sửa chữa trường học cần phân cấp cho quận, huyện còn thành phố chỉ quản lý về mặt Nhà nước. Thực tế, quận Hoàng Mai còn nhiều trường học, bãi đỗ xe bị bỏ hoang trong khi nhu cầu của người dân lớn. Đối với các nhà đầu tư khi tiến hành xây dựng chính quyền cần tạo điều kiện hết sức nhưng khi làm phải có cam kết.
“Chủ trương của thành phố đối với những dự án mới, dự án đang làm phải tháo gỡ khó khăn, yêu cầu nhà đầu tư phải xây dựng trường học, bệnh viện trước khi cho người dân vào ở”, ông Dũng nói.
Người đứng đầu Thành uỷ Hà Nội nêu rõ, đã có văn bản bàn giao cho quận Hoàng Mai về vấn đề bãi đỗ xe. Ông cũng đồng tình với kiến nghị của cử tri về việc xây dựng bãi đỗ xe thông minh có thể cao từ 5-7 tầng kết hợp dịch vụ ăn uống.
Ông Dũng đánh giá công tác xử lý, giải quyết các vụ việc về an ninh; quản lý, sử dụng lòng đường vỉa hè có lúc có nơi còn chậm, thiếu bài bản, chưa triệt để.
Tuy nhiên, theo Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng, vỉa hè có nhiều chức năng, bình thường để phục vụ người đi bộ nhưng với Thủ đô phần nào nó cũng là sinh kế của người dân nên tất cả phải được tính toán kỹ lưỡng.
Thảo luận