Nhóm Big 4 hiện đang dẫn đầu về quy mô tổng tài sản, nền tảng vốn cũng như mức độ uy tín tại Việt Nam.
NHNN trình phương án tăng vốn cho 4 ngân hàng Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2023 gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (Vietcombank, Vietinbank, BIDV) và từ nguồn ngân sách nhà nước (Agribank).
Đồng thời, NHNN đã trình Thủ tướng về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt.
Đáng chú ý, NHNN cũng đã trình Thủ tướng và dự thảo tờ trình Quốc hội về phương án tăng vốn điều lệ của Agribank.
Với vai trò nhà điều hành - NHNN cũng đã chỉ đạo Vietcombank, Vietinbank, BIDV xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng phê duyệt.
Kế hoạch tăng vốn của nhóm Big 4
Căn cứ vào dữ liệu được NHNN công bố, đến cuối tháng 1/2023, vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 180.400 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt hơn 7,3 triệu tỷ đồng.
Nhóm Big 4 có huy động vốn thị trường 1 đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 5,3 triệu tỷ đồng.
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, tại đại hội cổ đông thường niên 2023 hồi tháng 4, Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, VCB đang triển khai 3 nội dung tăng vốn.
Theo ông Dũng, Vietcombank tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019 với tỷ lệ phát hành 18,1% đã được Chính phủ thông qua. Ngày 19/4, NHNN cũng đã thông qua phương án tăng vốn của Vietcombank. Như vậy, chỉ trong vòng khoảng 1 tháng nữa, Vietcombank sẽ hoàn thành việc tăng vốn.
Tăng vốn theo lợi nhuận của năm 2021 và lợi nhuận lũy kế còn lại đến trước trước năm 2018 với mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng. Chủ trương tăng vốn đã được NHNN và Bộ Tài chính thống nhất và đang chuẩn bị các thủ tục để trình các cơ quan có thẩm quyền thông qua. Theo quy định, với mức tăng vốn như trên phải được Quốc Hội thông qua.
Đối vớiAgribank, ngày 25/4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng này. Theo đó, Thống đốc NHNN sẽ thừa uỷ quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2023 thêm 17.100 tỷ đồng.
Vốn bổ sung cho ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ lấy từ dự toán chi ngân sách trung ương 2023 đã được Quốc hội phê duyệt, trên 6.750 tỷ đồng. Phần còn lại gần 10.350 tỷ đồng bố trí từ ngân sách Nhà nước và thực hiện chuyển cấp trong 2024.
Về phần ngân hàng VietinBank, nhà băng này có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2016.
Lãnh đạo Vietinbank cho biết, 12.330 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu, khối lượng phát hành hơn 1,2 tỷ đơn vị.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2022 của VietinBank cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 48.000 tỷ đồng lên 53.700 tỷ đồng nhưng chưa được hoàn tất. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận còn lại năm 2020.
NHNN cử người đại diện phần vốn nhà nước tại BIDV
Riêng tại BIDV, ngân hàng Đầu tư và Phát triển có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỷ trong năm 2023 theo 2 đợt phát hành cổ phiếu.
Đợt 1, ngân hàng sẽ phát hành gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tỷ lệ 12,69% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2022; vốn điều lệ sẽ tăng thêm hơn 6.419 tỷ đồng.
Đợt 2, BIDV phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu (dự kiến 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022), vốn điều lệ theo phương án này sẽ tăng thêm 4.552 tỷ đồng.
BIDV cũng dự kiến dùng 11.634 tỷ đồng lợi nhuận để lại năm 2022 để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 23% so với vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố Quyết định của Thống đốc NHNN Việt Nam về việc cử người đại diện phần vốn nhà nước tại BIDV.
Theo quyết định của Thống đốc NHNN, ông Đặng Văn Tuyên - Thành viên Hội đồng quản trị BIDV nhiệm kỳ 2022 – 2027 được cử làm người đại diện 30% phần vốn Nhà nước tại BIDV, từ ngày 28/4.
Trước đó, Đại hội cổ đông của BIDV đã thống nhất bầu bổ sung ông Đặng Văn Tuyên, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ NHNN, vào HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Ông Đặng Văn Tuyên (SN 1973) từng công tác tại NHNN từ tháng 4/1996 đến nay và đi từ vị trí chuyên viên đến Thanh tra viên thanh tra Ngân hàng Trung ương; Chuyên viên, Phó trưởng phòng, Trưởng phòng thuộc Vụ Tổ chức cán bộ NHNN; Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ NHNN.
Các ngân hàng quốc doanh của Việt Nam đang kinh doanh khá tốt. Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 vừa được công bố cho thấy, 3 ngân hàng TMCP có vốn nhà nước là Vietcombank, BIDV và VietinBank tiếp tục giữ vững được đà tăng trưởng trong đó mạnh nhất là BIDV (52,8%), Vietcombank (13%), VietinBank có tốc độ tăng trưởng thấp nhất (3%).