«Chuyện ở đây nói về việc chuyển đổi nền kinh tế sang chế độ thời chiến. Chúng tôi sẽ phân bổ 500 triệu euro từ ngân sách EU và khoản kinh phí này còn được bổ sung bằng tài trợ từ các quốc gia riêng biệt», - Cao uỷ châu Âu phụ trách thị trường nội bộ Thierry Breton tuyên bố.
Như vị quan chức này lưu ý, 11 nước sẵn sàng tiến tới sản xuất đạn cỡ nòng 155 mm, còn 2 nước nữa – đạn cỡ nòng 152 mm. Cũng có khả năng xuất xưởng đạn 120/122 mm và rocket các loại.
Bây giờ điều này cần được sự đồng thuận với Nghị viện châu Âu và Hội đồng EU. Tại Brussels người ta đảm bảo rằng mọi sự sẽ suôn sẻ không có gì phức tạp cản trở.
Hôm 5 tháng 5, Hội đồng Liên minh Châu Âu đã phân bổ thêm 1 tỷ euro thông qua Quỹ Hòa bình Châu Âu. Số tiền này sẽ được sử dụng để hoàn trả chi phí cho những nước sẵn sàng cung cấp cho Kiev đạn dược từ kho vũ khí của chính họ. Đây đã là đợt thứ hai như vậy.
Tổng cộng, EU đã chi hơn 5,6 tỷ euro cho LLVT Ukraina. Và đó là chưa kể chi phí của một số nước riêng biệt.
Một triệu - nhiều hay ít?
Cả hai bên của cuộc xung đột đều vấp phải tình trạng thiếu đạn dược, nhưng đối với LLVT Ukraina thì vấn đề này nghiêm trọng gay gắt hơn.
“Mỗi ngày phía Nga sử dụng đạn pháo bằng số lượng châu Âu có thể sản xuất trong cả một tháng”, - một nhà ngoại giao châu Âu nói với tờ Financial Times hồi tháng 3.
Theo dữ liệu của truyền thông phương Tây, mùa hè năm ngoái, quân Nga tiêu tốn tới 50.000 quả đạn mỗi ngày, phía Ukraina – 6.000 -7.000. Một triệu trong một năm là chưa đầy 3.000 quả đạn trong một ngày. Kiev cần nhiều hơn nữa.
Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Aleksei Reznikov, ngay cả khi ở thế phòng ngự, LLVT Ukraina cũng đã tiêu tốn khoảng 110.000 quả đạn pháo cỡ nòng 155 mm mỗi tháng.
«Nếu như không bị giới hạn như vậy, mỗi tháng chúng tôi sẽ sử dụng 594.000 quả đạn nữa kia. Theo đánh giá của chúng tôi, để kịp thời hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, cần tới ít nhất 60% trong tổng số này, tức 356.400 quả đạn», - Bộ trưởng Ukraina giải thích.
Và đó chỉ là tính riêng một loại đạn. Trong khi lực lượng Ukraina «đói khát» cần những loại khác nhau.
Tất nhiên, Liên minh châu Âu không phải là nguồn duy nhất. Ngoài ra còn có Hoa Kỳ, với khả năng lớn hơn nhiều. Từ tháng 2 năm 2022, Lầu Năm Góc đã chuyển giao:
hơn 2 triệu quả đạn 155 mm và khoảng 7.000 quả đạn có dẫn đường chính xác cho cỡ nòng này;
hơn 50.000 quả đạn 152 mm;
khoảng 40.000 đạn pháo cỡ nòng 130 mm;
40.000 quả đạn cỡ nòng 122 mm;
60.000 quả đạn cho tổ hợp phóng loạt «Grad»;
450.000 quả đạn cỡ nòng 105 mm.
Phần lớn là từ dự trữ cũ. Mỗi tháng người Mỹ xuất xưởng 14.000 quả đạn cho đại bác 155mm. Đến cuối năm, dự kiến tăng con số này lên 24.000 quả đạn. Và qua 5 năm – chỉ tiêu là 85.000.
Tại EU, theo dữ liệu của chuyên gia Franz-Stefan Gadi từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, năm ngoái tổng cộng đã sản xuất khoảng 300.000 quả đạn pháo cỡ nòng 155 mm. Tính chung, như The New York Times phản ánh, châu Âu sẵn sàng cung cấp khoảng 650.000 quả đạn pháo mỗi năm, kể cả đạn cho pháo trên xe tăng.
Nhân sự quyết định tất cả
Tổ hợp công nghiệp-quân sự châu Âu rõ ràng đã hồi phục trên diện rộng. Tuy nhiên, bản thân các nhà sản xuất lại không mấy vui mừng về chuyện này.
Trong các công ty bộc lộ rõ «cơn đói» nhân sự. Không đủ kỹ sư và công nhân, - như tờ Euractiv xác nhận. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì ắt hẳn sẽ không đạt các mục tiêu đã nêu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp hiện thời chưa có kế hoạch dài hơi về đặt hàng và đầu tư mà như thế nghĩa là họ chưa thể ký hợp đồng dài hạn với người lao động.
Cả sự phân mảnh của tổ hợp công nghiệp-quân sự châu Âu cũng tạo ra không ít vấn đề. Về cơ bản, sản xuất phân phối giữa các nước Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Ở các quốc gia thuộc khối XHCN cũ, vẫn rơi rớt cái gì đó tồn tại từ thời Xô-viết. Và khó khăn thì lan tràn khắp mọi nơi.
Công ty Explosia của Séc chuyên sản xuất thuốc súng, đang thiếu nguyên liệu thô. Vướng mắc tương tự cả ở Pyrenees: ông Antonio Caro đứng đầu Fábrica de Municiones de Granada (FMG) than vãn rằng mức giá vật liệu cơ bản đã tăng gấp đôi, trong một số trường hợp thậm chí còn đắt gấp ba.
Nhìn chung, một mặt, đối với Liên minh châu Âu rất khó đạt được mục tiêu 1 triệu quả đạn mỗi năm. Mặt khác, giả như hy hữu cố đạt chăng nữa, thì đối với Kiev vẫn cứ là ít mà thôi.