Nguyên tắc chiến lược là không để bị cuốn vào vòng xoáy của các mâu thuẫn quốc tế, tiếp tục khéo léo “vững chèo” trong “Cuộc chiến đề xuất toàn cầu”.
Theo Bloomberg, G7 và EU đang chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh với Nga và Trung Quốc trong quan hệ đối tác với một nhóm nước. Cụ thể, G7 và EU đang chuẩn bị kế hoạch thu hút sự tham gia của một số quốc gia, bao gồm Brazil, Việt Nam, Nam Phi và Kazakhstan, như một phần của “Cuộc chiến đề xuất toàn cầu” với Nga và Trung Quốc. Cuộc chiến giành ảnh hưởng toàn cầu đang diễn ra trong khuôn khổ một loạt hội nghị thượng đỉnh, bắt đầu từ
Thượng đỉnh G7 thường niên khai mạc ngày 19/5 tại Nhật Bản.
Việt Nam sẽ giữ vững quan điểm và đường lối độc lập của mình như thế nào trong “Cuộc chiến đề xuất toàn cầu” của Mỹ và phương Tây đang diễn ra?
Bình luận về nhận định của Bloomberg về một cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu của G7 cùng với khối EU đối chọi với Nga và Trung Quốc, nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm cho rằng điều này không có gì là mới.
Chúng ta có thể thấy các nhà máy của “Daimler AG”, của “Volkswagen”, của “Bosch”, của “MTU Aero Engines AG”, của “Siemens”, của “Honda”, của “Toyota”, của “Misubishi”, của “Intel”, của “Boeing”, của “IBM” v.v… có mặt trên khắp đất nước Trung Quốc. Trung Quốc có quan hệ tài chính rộng rãi với các thị trường chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông nằm trong tốp 20 thị trường chứng khoán có ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu. Các đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Australia, Việt Nam, Malaysia, Brazil và gần đây là Liên bang Nga.
“Trong 30 năm gần đây, Trung Quốc đã từ một “quốc gia hạng ba” vươn mình thành cường quốc kinh tế thứ hai toàn cầu (sau Mỹ) và là cường quốc quân sự thứ ba toàn cầu (sau Mỹ và Nga)”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.
Chính vì lo ngại sự cạnh tranh toàn cầu của Trung Quốc mà Mỹ, dưới chính quyền Donald Trump, đã phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, những mâu thuẫn trong nội bộ nước Mỹ giữa hai thế lực “Dân chủ” và “Cộng hòa” đã làm cho chính sách của nước Mỹ luôn “giật cục”, kể cả trong quá khứ và hiện tại. Dù không chấm dứt chiến tranh thương mại với Trung Quốc nhưng chính quyền của đảng Dân chủ Mỹ lại chuyển trọng tâm sang Châu Âu để cạnh tranh ảnh hưởng với Liên bang Nga.
Đề cập tới hành động của Nga và Trung Quốc, chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng lưu ý rằng, cũng như người Nga, người Trung Quốc không bị động “ngồi chờ chịu trói” mà đã chủ động trong chính sách đối ngoại. Bên cạnh việc làm sâu sắc hơn quan hệ với Liên bang Nga, Trung Quốc đã dần dần giảm căng thẳng với Ấn Độ,
một thành viên của “bộ tứ QUAD”, gây dựng ảnh hưởng với các quốc gia dầu mỏ Trung Đông vốn là đồng minh của Mỹ.
Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng cũng nhấn mạnh
, những bước phát triển nói trên và tình huống “song kiếm hợp bích” giữa Nga và Trung Quốc càng làm cho người Mỹ cảm thấy “đất rung chuyển dưới chân mình”. Nhưng liệu Mỹ có đạt được những mục đích của họ ở Hiroshima hay không thì lại là việc khác. Bởi trước mắt G7 còn nhiều vấn đề có tính toàn cầu cần phải giải quyết.
Trong khi đó thì mỗi quốc gia G7 đều có những lợi ích riêng của họ nên sự nhất trí cũng sẽ có những giới hạn do các nước G7 có quyền lợi chung nhưng không giống nhau.
Theo đánh giá chung của các chuyên gia Sputnik đã phỏng vấn, Việt Nam nhận thức được thế và lực của các bên trong cuộc chiến này cũng như những giới hạn bắt buộc của cuộc chiến phức hợp giữa các cực quyền lực trên thế giới nên luôn giữ vững lập trường độc lập, tự chủ và phương châm linh hoạt, uyển chuyển trong các mối quan hệ quốc tế hết sức phức tạp hiện nay.
Đối với G7 thì đây là lần thứ 3 Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh mở rộng trong 7 năm trở lại đây. Sự kiện này cho thấy các nước G7 và cộng đồng quốc tế đã tích cực ghi nhận vị thế, uy tín, cũng như những nỗ lực và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy hợp tác quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu trong thời gian qua.
Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng cũng khẳng định, Việt Nam cũng sẽ chia sẻ những kinh nghiệm phát triển của mình từ góc độ một quốc gia đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; đồng thời, cũng mong muốn các nước G7 và các nước dự hội nghị chia sẻ những bài học, thực tiễn tốt, cách làm hiệu quả trong xử lý các vấn đề toàn cầu cũng như các thách thức đối với phát triển bền vững, nhất là với các nước đang phát triển.
Liệu Việt Nam có thể tiếp tục khéo léo “vững chèo” giữa lợi ích của ba cường quốc: Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ, hay sớm hay muộn Việt Nam sẽ phải đứng về một bên nào đó?
Nhật Bản đã сhọn Hiroshima làm địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Theo các chuyên gia, điều này không phải là ngẫu nhiên.
“Hiroshima là nạn nhân đầu tiên của vũ khí hạt nhân với hàng trăm nghìn người chết ngay tức khắc sau khi quả bom nguyên tử “Litte boy” của Mỹ phát nổ và hàng trăm nghìn người khác qua đời sau đó vì bỏng và nhiễm xạ. Có lẽ chủ nhà đã ngầm ý bày tỏ sự nhắc nhở rằng những cái “đầu nóng” của các bên tham gia sự kiện cần bình tĩnh lại. Bởi một lẽ đơn giản là thế giới này dù có cuộc cạnh tranh địa chiến lược khốc liệt tới đâu đi nữa thì bất cứ một cuộc chiến tranh phức hợp dù là “nóng’ hay “lạnh” thì sớm muộn cũng sẽ đẩy loài người đến bờ vực diệt vong”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm phát biểu với Sputnik.
“Hiện tại, cấu trúc kiểm soát kho vũ khí hạt nhân đang bị lung lay: Nga đã đình chỉ việc tham gia hiệp ước vũ khí hạt nhân START III với Hoa Kỳ - thỏa thuận mới nhất hạn chế kho dự trữ chiến lược của họ. Làm thế nào để ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân là một trong những vấn đề rất quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của G7-2023. Địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng Nhật Bản đã hai lần bị Mỹ ném bom hạt nhân trong Thế chiến II”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang nói với Sputnik.
Theo nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, Việt Nam hiểu rõ rằng trong thời đại vũ khí hạt nhân, trong thời đại công nghệ 4.0 với kỹ thuật số, với kỹ nghệ trí tuệ nhân tạo AI và còn hơn thế nữa thì sẽ không có kẻ thắng trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng toàn cầu. Vì với một quốc gia có tiềm lực vừa đủ để phòng thử và giữ vững an ninh cho mình thì mọi việc tham gia vào liên minh này hay liên minh kia đều là sự phiêu lưu nguy hiểm, là đánh cược số phận của quốc gia-dân tộc mình vào những cuộc chiến không liên quan đến mình. Và trong cuộc chiến không có kẻ thắng ấy thì cách thắng duy nhất đúng là trung lập, là đứng ngoài cuộc.
“Từ sự hiểu biết nói trên Việt Nam dứt khoát không chọn phe, không đứng về bên nào cả. Còn lợi ích của quốc gia, của dân tộc Việt Nam phải được bảo đảm”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.
“Mục tiêu tồn tại an toàn, ổn định và phát triển là mục tiêu tối cao trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với nhiều bên, với Nga, Trung Quốc, Mỹ…, với các trục khác nhau trong thế giới đa cực hiện nay. Và nguyên tắc chiến lược là không để bị cuốn vào vòng xoáy của các mâu thuẫn quốc tế, tiếp tục khéo léo “vững chèo trong “Cuộc chiến đề xuất toàn cầu” của Mỹ và phương Tây”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang phát biểu với Sputnik.