Hội thảo nhằm tìm ra giải pháp huy động tối đa nguồn lực kiều hối trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gửi về qua hệ thống các ngân hàng thương mại và các công ty kiều hối.
Kiều hối chuyển về TP.HCM có thể đạt 7 tỷ USD năm 2023
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TP.HCM, năm 2022, TP.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối với 6,6 tỷ USD.
Trong quý 1/2023 lượng kiều hối về thành phố tiếp tục tăng trưởng tích cực với gần 2,2 tỷ USD, tăng 19,41% so với cùng kỳ năm 2022.
“Lượng kiều hối chuyển về thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng khá, dự kiến có thể đạt 7 tỷ USD trong năm 2023, tăng khoảng 6-7% so với năm 2022”, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM thông tin.
Thống kê chỉ ra rằng, lượng kiều hối chuyển về thành phố Hồ Chí Minh tăng liên tục trong 5 năm gần đây. Trong đó, năm 2021 đạt cao nhất, hơn 7,1 tỷ USD. Mặc dù năm 2022, lượng kiều hối có giảm về mức 6,6 tỷ USD, nhưng đây vẫn là mức cao.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh lý giải, sở dĩ thành phố Hồ Chí Minh thu hút lượng lớn kiều hối vì thành phố luôn có cơ chế chính sách thông thoáng.
Ông Lệnh dẫn chứng việc thân nhân không phải trả thuế thu nhập, có thể nhận trực tiếp hoặc chuyển khoản cùng với hệ thống điểm giao dịch, đại lý, tổ chức chi trả rộng khắp để đáp ứng tốt nhất việc chi trả kiều hối.
Đại diện Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
© Ảnh : TTXVN - Hứa Thị Chung
Cũng theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - cho biết, trước đây, người nhận kiều hối ở Việt Nam bằng ngoại tệ, nhưng bây giờ phần lớn đều muốn nhận luôn tiền mặt.
Vì vậy làm sao có cơ chế để tỷ giá ổn định, tạo thuận lợi an tâm cho người hưởng thụ kiều hối. Hiện có khoảng 30 - 40 công ty kiều hối khắp cả nước nhưng dịch vụ kiều hối mạnh mẽ nhất vẫn nằm ở TP.HCM.
Hiện nay, quá trình số hóa đang rút ngắn thời gian giao dịch từ vài ngày xuống chỉ còn vài giây, thêm nữa, sự phát triển của Fintech khiến nhu cầu chuyển kiều hối cũng khá đa dạng không chỉ giữa cá nhân với nhau mà còn giữa cá nhân và doanh nghiệp hay doanh nghiệp - doanh nghiệp.
Tầm quan trọng của kiều hối
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoài Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế và Khoa học công nghệ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết nguồn lực kiều hối đã và đang có vị trí rất quan trọng trong tổng thể các nguồn lực từ bên ngoài của đất nước.
Các năm gần đây, dòng tiền về Việt Nam thường xuyên đạt trên 10 tỷ USD/năm và lên tới 17 tỷ USD năm 2019. Ngay sau đại dịch COVID-19, kiều hối cũng nhanh chóng tăng trở lại, đạt 18 tỷ USD trong năm 2022.
“Nguồn lực kiều bào còn tiềm năng lớn chưa được khai thác. Cùng với sự phát triển của quan hệ giữa Việt Nam và các nước, nhiều người thuộc thế hệ trẻ mong muốn gắn bó với cội nguồn, tìm kiếm cơ hội làm việc, kinh doanh tại Việt Nam. Đây còn là sự dịch chuyển về nguồn lực con người”, ông Nguyễn Hoài Anh cho biết.
Theo các chuyên gia, hiện dòng kiều hối vẫn đang chảy về Việt Nam nhưng có sự dịch chuyển trong nhóm người gửi.
Ông Bùi Việt Khôi, Tham tán khoa học công nghệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Úc - cho biết kiều hối gửi về Việt Nam từ kiều bào và người xuất khẩu lao động.
Gần đây, kiều hối giúp người thân có xu hướng giảm, thay vào đó, kiều bào chuyển kiều hối về Việt Nam để làm ăn, đầu tư nhiều hơn. Thêm nữa, đây là những khoản tiền nhàn rỗi nên kiều bào mong được đầu tư đạt hiệu quả cao nhất có thể mua nhà tại Việt Nam hay rót vào các dự án sản xuất, kinh doanh.
Đồng quan điểm, GS Nguyễn Đình Phú, Chủ tịch Hội doanh nhân người Việt tại Mỹ dự báo, thời gian tới kiều hối gửi về giúp người thân sẽ có xu hướng giảm. Thay vào đó, kiều bào chuyển kiều hối về Việt Nam để làm ăn, đầu tư bất động sản sẽ tăng.
“Nhiều kiều bào mong muốn Nhà nước tạo điều kiện để có thể sở hữu nhà tại Việt Nam với quyền lợi như người Việt trong nước. Việt Nam là thị trường còn nhiều tiềm năng nên cần có chính sách tạo thuận lợi, hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư”, GS. Nguyễn Đình Phú bày tỏ.
Tham tán khoa học công nghệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Úc nêu quan điểm, hiện nay, nguồn lực từ kiều bào Việt Nam đang sống tại Australia là rất lớn.
“Do vậy, cần nghiên cứu các chính sách phù hợp với kiều bào tại các nước phát triển, trong đó có Australia, để thu hút kiều hối”, ông Bùi Việt Khôi lưu ý.
Chuyên gia lý giải, nếu không có cơ chế, chính sách hỗ trợ thì nguồn tiền sẽ được họ đầu tư ngay ở nước sở tại, mà không chuyển về nước.
“Cơ quan quản lý cần nghiên cứu, có chính sách cụ thể, phù hợp với thực tế để thu hút lượng kiều hối về Việt Nam”, tham tán Khoa học Công nghệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia khuyến nghị.
Để Việt Nam thu hút lượng lớn kiều hối
Nhận định nguyên nhân Việt Nam vẫn thu hút lượng lớn kiều hối chuyển về trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, điều này là do tỷ giá, lạm phát trong nước ổn định.
Ngược lại, dòng kiều hối liên tục tăng trong thời gian vừa qua cũng đã hỗ trợ rất lớn đối với điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Các chuyên gia đề xuất Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng hành lang pháp lý mới để bắt kịp xu hướng, thu hút người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở về đầu tư và phát triển kinh doanh tại Việt Nam.
Kiến nghị giải pháp thu hút kiều hối, PGS.TS Nguyễn Đức Trung cho rằng, cơ quan quản lý cần có dự báo tiềm năng tối đa kiều hối về thành phố Hồ Chí Minh, để từ đó có các chính sách thu hút cụ thể.
“Thành phố Hồ Chí Minh cần phát huy các lợi thế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, logistics và du lịch để kiều bào thấy được đây là thành phố đáng sống. Khi đó thành phố mới có thể thu hút lượng kiều hối cao hơn”, chuyên gia khuyến nghị.
Cùng với đó, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư, nguồn kiều hối chuyển về để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, lĩnh vực công nghệ, phát triển kinh tế xanh.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thu hút người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở về đầu tư và phát triển kinh doanh ngay tại quê nhà Việt Nam.