Chiều nay Quốc hội thảo luận về Luật Phòng thủ dân sự

HÀ NỘI (Sputnik) - Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn nhiều ý kiến khác nhau về Quỹ Phòng thủ dân sự nên đã xây dựng 2 phương án để xin ý kiến các đại biểu.
Sputnik
Chiều 24/5, Quốc hội sẽ thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đã được gửi tới các đại biểu Quốc hội từ ngày 22/5.
VnExpress dẫn báo cáo trong đó có ý kiến đề nghị quy định cụ thể căn cứ xác định cấp độ phòng thủ dân sự để đảm bảo tính khả thi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định tiêu chí để xác định cấp độ phòng thủ dân sự có tính đến yếu tố khách quan, chủ quan, điều kiện tự nhiên, xã hội của từng địa phương. Việc lượng hóa, mô tả cụ thể từng cấp độ phải căn cứ từng loại sự cố, thảm họa như thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, ô nhiễm. Do đó, cơ quan chuyên môn cần căn cứ từng luật chuyên ngành để áp dụng biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả phù hợp.
Đối với đề nghị quy định rõ căn cứ xác định và thẩm quyền công bố, bãi bỏ "tình trạng khẩn cấp" và "tình trạng chiến tranh", Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thẩm quyền ban bố, bãi bỏ đã được quy định bởi pháp luật về tình trạng khẩn cấp và Luật Quốc phòng.
Có ý kiến đề nghị rà soát biện pháp trong cấp độ phòng thủ dân sự để bảo đảm khả thi, tránh chồng chéo. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định cụ thể biện pháp cần áp dụng trong từng cấp độ là cần thiết, bảo đảm tính bao quát chung đối với các dạng sự cố, thảm họa quy định tại luật chuyên ngành.
Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định cần có Quỹ phòng thủ dân sự
Qua rà soát, nghiên cứu, Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý theo hướng áp dụng biện pháp tăng dần theo từng cấp độ và quy định cụ thể thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh và Thủ tướng trong từng cấp độ.
Về Quỹ Phòng thủ dân sự, theo Dân Trí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy còn nhiều ý kiến khác nhau nên đã xây dựng 2 phương án để xin ý kiến.
Phương án 1 giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp.
Lập luận cho phương án này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Quỹ thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc; được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước không đáp ứng kịp thời, trong khi yêu cầu tài lực khi có sự cố, thảm họa xảy ra rất lớn, cấp thiết và rất khẩn trương để góp phần hạn chế ảnh hưởng của sự cố, thảm họa.
Hiện nay có nhiều dạng sự cố, thảm họa hiện không có nguồn quỹ để sử dụng khi xảy ra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nếu có Quỹ Phòng thủ dân sự sẽ có ngay nguồn lực để thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp làm giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra.
Phương án 1 được 27 Đoàn ĐBQH, 2 Ủy ban, 9 ý kiến tại Hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách lựa chọn.
Phương án 2 quy định: "Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng quyết định thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa".
Phương án này cho rằng Quỹ Phòng thủ dân sự chưa làm rõ được khả năng tài chính độc lập, vì nhiệm vụ chi của Quỹ trong một số trường hợp có thể trùng với nhiệm vụ chi của Ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, hiệu quả của Quỹ này sẽ không cao vì khi xảy ra thiên tai sẽ cần kinh phí rất lớn, nên nếu để số dư ở mức nhỏ sẽ không đáp ứng được yêu cầu, nếu dư Quỹ lớn sẽ lãng phí vì không thường xuyên sử dụng, việc khắc phục thiên tai vẫn phải sử dụng ngân sách.
Xây dựng Luật phòng thủ dân sự: Cần một lực lượng chính quy, chuyên nghiệp
Ngoài ra, việc điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa phòng thủ dân sự để tạo nguồn cho Quỹ Phòng thủ dân sự là không hợp lý. Việc hình thành Quỹ này sẽ dẫn đến tồn tại nhiều loại quỹ khác nhau.
Do đó, việc thành lập Quỹ là không cần thiết và chưa phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước.
Phương án này được 17 đoàn, 1 Ủy ban và 5 ý kiến tại Hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách chọn.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo dự án Luật và cơ quan chủ trì thẩm tra tán thành với Phương án 1, song cũng còn nhiều ý kiến khác nhau nên vẫn trình 2 phương án.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết việc huy động, vận động đóng góp tự nguyện và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ bảo đảm việc phân bổ công bằng, kịp thời, đúng đối tượng.
Sau khi thảo luận tại hội trường chiều nay, dự thảo luật Phòng thủ dân sự sẽ được tiếp thu, hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua ngày 20/6.
Thảo luận