Lô hàng sầu riêng của Đồng Nai xuất khẩu gồm 20 container với khoảng 360 tấn gồm giống Dona, Ri6 đã xuất bến chở sầu riêng sang thị trường Trung Quốc bằng đường bộ qua các cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Văn Phi, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho hay sầu riêng là loại cây ăn quả truyền thống có ưu thế và chủ lực của địa phương.
Mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới là phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, chuyển đổi số và tăng năng suất lao động.
Ông Phi mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn; các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật của các thị trường thế giới.
Các sở, ngành, địa phương trên địa bàn đồng hành, chia sẻ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân để sản phẩm nông sản của tỉnh Đồng Nai, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, điều kiện theo quy định của nước nhập khẩu.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung, việc tỉnh Đồng Nai chính thức xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào Trung Quốc không chỉ là niềm tự hào của nhà vườn trồng sầu riêng Đồng Nai, mà còn là niềm vui chung của người dân khu vực Đông Nam bộ và cả nước.
Dù là tỉnh công nghiệp, dịch vụ, nhưng Đồng Nai luôn chú trọng nông nghiệp, nông dân và nông thôn, xem nông nghiệp, nông thôn là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Với những lợi thế về khí hậu và vị trí địa lý, tỉnh Đồng Nai đang hình thành vùng cây ăn quả tập trung, có diện tích khoảng 76.000 ha, sản lượng 700 ngàn tấn trái cây các loại, như chôm chôm, bưởi, sầu riêng, măng cụt, xoài, chuối…
Đồng Nai được xem là "thủ phủ" trồng sầu riêng của Đông Nam Bộ với tổng sản lượng đạt gần 69.000 tấn. Đến nay, toàn tỉnh có 6 cơ sở đóng gói, 11 vùng trồng sầu riêng với diện tích 820ha được cấp mã vùng trồng, sản lượng khoảng 20.000 tấn được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, hiện có 61 vùng trồng sầu riêng với diện tích gần 2.000ha và 4 cơ sở đóng gói sầu riêng đã hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số.
Đây là tiền đề đảm bảo xuất khẩu sầu riêng ổn định và bền vững, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, mang lại lợi ích cho người nông dân.