Chính phủ thống nhất tiếp tục giữ trần giá vé máy bay, đồng thời bỏ thịt lợn, sữa cho người già khỏi danh mục bình ổn giá.
Thịt lợn không được đưa vào danh mục bình ổn giá
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó khẳng định Chính phủ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung tiếp thu, giải trình dự thảo luật Giá sửa đổi.
Theo đó, không đưa mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi và thịt lợn vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá trong luật.
Ngoài ra, Chính phủ thống nhất định giá dịch vụ vận chuyển hành khách (giá vé máy bay) hàng không nội địa theo hình thức giá tối đa (giá trần) như nội dung dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến.
Chính phủ cũng thống nhất việc định giá sách giáo khoa theo hình thức giá tối đa (giá trần) như dự thảo đã trình Quốc hội cho ý kiến đầu kỳ họp.
Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, được giao chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội biểu quyết thông qua.
Đây là những nội dung còn ý kiến khác nhau tại dự án luật Giá sửa đổi, dự kiến sẽ được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua vào tuần sau.
Đối với danh mục các mặt hàng bình ổn giá, nhiều đại biểu đã bày tỏ băn khoăn với việc dự thảo luật đưa mặt hàng sữa cho người già vào danh mục này. Thêm nữa, nhiều ý kiến cũng không đồng tình với việc đưa mặt hàng thịt lợn vào danh mục các mặt hàng bình ổn giá.
Thay vào đó, các đại biểu cho rằng danh mục hàng bình ổn giá nên là danh sách mở, không nên cố định trong luật và giao Bộ Tài chính quyết mặt hàng nào sẽ bình ổn.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) nhận định, so với các thực phẩm khác, thịt lợn không phải là mặt hàng thiết yếu nhất. Xu hướng tiêu dùng của người Việt đã có sự thay đổi đa dạng hơn với nhiều loại sản phẩm gồm thủy sản, trứng, thịt gia cầm và thịt bò.
Nữ đại biểu cũng cho rằng, rất khó để tính giá thành chăn nuôi lợn. Điều này xuất phát từ thực trạng chăn nuôi ở Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ với hàng triệu hộ chăn nuôi, năng suất chăn nuôi còn thấp.
Thêm nữa, có khoảng 80% thịt lợn được bán tại các chợ truyền thống. Do đó, việc áp dụng chính sách tính toán giá thành, hỗ trợ nguồn vốn dự phòng hay can thiệp vào giá là điều khó khăn.
"Không chỉ vậy, để thực hiện chính sách bình ổn giá đối với hàng hóa như thịt lợn thì cần nguồn kinh phí khá lớn, trong khi ngân sách đang rất khó khăn. Trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá", - đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cho biết.
Tại phiên thảo luận tổ ngày 10/6 thuộc đợt 1, kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã liên tục gửi kiến nghị về các quy định tại luật Giá sửa đổi, trong đó có việc đưa các mặt hàng kể trên vào danh mục bình ổn giá.
Giữ giá trần vé máy bay
Việc định giá vé máy bay cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Tại phiên thảo luận hôm 23/5, có đại biểu đề nghị bỏ giá trần đối với dịch vụ này. Đây cũng là kiến nghị của nhiều doanh nghiệp hàng không. Ngược lại, một số đại biểu đề nghị phải quy định cả giá trần và giá sàn với giá vé máy bay nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị trong dự thảo luật phải quy định rõ chỉ có giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông mới thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá. Đối với hạng thương gia, hạng phổ thông đặc biệt thì các doanh nghiệp hàng không tự định giá theo cơ chế thị trường.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng cần giữ giá trần vé máy bay để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và những người có thu nhập thấp, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Phớc thông tin thêm, hiện có 6 hãng hàng không nội địa, việc cạnh tranh cần phải quy định giá trần vé máy bay để đảm bảo quản lý của Nhà nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, Nhà nước luôn chia sẻ với các doanh nghiệp.
Chẳng hạn, với xăng, dầu trong hàng không, thời gian qua Nhà nước đã giảm 70% giá thuế môi trường trong xăng dầu cho các hãng bay nhằm giúp hạ giá thành, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Liên quan tới vấn đề này, tại phiên thảo luận tổ ngày 10/6, đồng chí Vương Đình Huệ cho biết, ngay tối hôm trước vẫn nhận được các kiến nghị về giá trần, giá sàn vé máy bay, dù luật này sắp tới ngày thông qua. Do đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các kiến nghị phải được xem xét, giải trình và thuyết phục một cách đầy đủ.
Trong thời gian nghỉ giữa 2 đợt họp từ ngày 12/6 đến 15/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, trong đó có luật Giá sửa đổi. Quốc hội dự kiến thông qua dự thảo luật Giá sửa đổi vào ngày mai 19/6.
Tổng kết lại, danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) bao gồm các mặt hàng: xăng, dầu thành phẩm; khí dầu mỏ hóa lỏng; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; thóc tẻ, gạo tẻ; phân đạm; phân DAP; phân NPK; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; thuốc bảo vệ thực vật; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.