Cổng TTĐT Quốc hội cho hay, chiều 20/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với 363/465 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, bằng 93,72% tổng số đại biểu Quốc hội.
Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gồm 7 Chương, 80 Điều.
Theo Luật, tổ chức, cá nhân kinh doanh tự mình hoặc ủy quyền, thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng phải bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng.
Việc ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba phải được thực hiện bằng văn bản, trong đó quy định rõ phạm vi, trách nhiệm của mỗi bên trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trường hợp người tiêu dùng thực hiện giao dịch thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Luật quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng mà họ thu thập, lưu trữ, sử dụng và có biện pháp ngăn ngừa các hành vi sau đây: Đánh cắp hoặc tiếp cận thông tin trái phép; Sử dụng thông tin trái phép; Chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin trái phép.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến việc thông tin bị thu thập trái phép, sử dụng sai mục đích, phạm vi đã thông báo.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
© TTXVN - An Văn Đăng
Trong trường hợp hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện hệ thống thông tin bị tấn công và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, giao dịch điện tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng
Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, về quy định trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng khi chưa có một luật riêng về lĩnh vực này.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay”, ông Huy nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với những lĩnh vực đặc thù cần có các quy định của pháp luật chuyên ngành để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ví dụ như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng cần phải áp dụng cả pháp luật về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã có quy định về bảo vệ người tiêu dùng khi ký kết các hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung (Chương II dự thảo Luật).
“Hợp đồng theo mẫu của ngành ngân hàng, bảo hiểm thường là những hợp đồng in sẵn, nội dung rất phức tạp, mang tính nghiệp vụ chuyên ngành”, ông Huy chỉ ra thực tế.
Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp này, dự thảo Luật đã có quy định bên cung cấp dịch vụ phải giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua về quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm, cung cấp bằng chứng giao dịch và các quy định để kiểm soát loại các loại hợp đồng này (các Điều 21, 28, 29 dự thảo Luật).
Bên cạnh đó, dự thảo Luật có các quy định liên quan như các quy định về bảo vệ, thu thập, sử dụng, bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng (các Điều 15, 16, 17, 18, 19, 20); về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù (Chương III của dự thảo Luật), về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh (Chương V của dự thảo Luật).
Đồng thời, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt hơn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và trong giao dịch điện tử.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
© TTXVN - An Văn Đăng
Thời gian qua, ngành bảo hiểm đối diện với cuộc khủng hoảng niềm tin khi một bộ phận doanh nghiệp, nhân viên tư vấn mập mờ, sai lệch, gây ra phản ứng trong dư luận rằng, ngân hàng có bắt tay bảo hiểm lừa đảo người dân hay không.
ĐBQH đã từng chất vấn rằng, qua thanh tra của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã phát hiện 3.100 đại lý bảo hiểm có sai phạm, trong đó có lỗi cố tình tuyên truyền sai về hợp đồng bảo hiểm. Từ đó, cần lưu ý đến vấn đề có hay không việc công ty bảo hiểm biết nhưng cố tình bỏ qua lỗi của tư vấn viên, đại lý bảo hiểm, gây bất lợi cho khách hàng.
Việc thông qua Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trong đó nhấn mạnh quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm khi chưa có một luật riêng về lĩnh vực này được giới chuyên gia và người dân đặc biệt đánh giá cao.
Tranh chấp giao dịch dưới 100 triệu đồng sẽ được tòa giải quyết
Về giải quyết tranh chấp tại Tòa án (Điều 70 đến Điều 73), một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật chỉ nên quy định về trường hợp đặc thù khi vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch nhỏ, dưới 100 triệu thì giải quyết theo thủ tục rút gọn, không cần đặt thêm các điều kiện khác, còn trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Một số ý kiến đề nghị bỏ điều kiện về giá trị tranh chấp và không nên hạn chế việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn chỉ vì giao dịch đó có giá trị hơn 100 triệu đồng, trong khi tất cả những điều kiện khác đều được thỏa mãn điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điều 70 đã được chỉnh lý, hoàn thiện như trong dự thảo Luật. Quy định này đã khẳng định rõ vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ cần có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng là được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không cần đáp ứng bất cứ điều kiện nào khác. Tòa án giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.
Quy định như vậy nhằm thể hiện tính chất đặc thù của vụ án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phù hợp với kinh nghiệm và xu hướng quốc tế.
Việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ việc có giá trị xác định nhằm bảo đảm tiết kiệm chi phí, nguồn lực xã hội để giải quyết các vụ việc có giá trị không lớn, góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao ý thức pháp luật một cách hiệu quả cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Đối với các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khác ngoài trường hợp nêu trên thì sẽ giải quyết theo thủ tục rút gọn khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Đồng thời, để bảo đảm tính xuyên suốt, liền mạch và thuận tiện trong tra cứu, áp dụng văn bản pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Điều 78 được chỉnh lý theo hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.