Hòn đá tảng
Phiên bản gần đây nhất của chủ thuyết hạt nhân Mỹ - Nuclear Posture Review (NPR) - đã được thông qua vào tháng 3 năm 2022. Nhưng, chỉ vào tháng 10 chính quyền Biden công khai dữ liệu đã được giải mật này.
Và trước đó trong nước đã có cuộc tranh luận về việc có nên đưa cam kết “không sử dụng trước vũ khí hạt nhân” vào tài liệu này hay không. Cuối cùng họ đã từ chối xác nhận cam kết này. Xin lưu ý rằng, trong học thuyết hạt nhân của Nga, điều khoản này vẫn giữ nguyên .
NPR nhấn mạnh rằng, vũ khí hạt nhân đóng vai trò cơ bản trong việc đảm bảo an ninh của không chỉ Hoa Kỳ mà còn cả các đồng minh của họ mà "kẻ thù tiềm tàng" có thể gây ra thiệt hại to lớn ngay cả khi chưa sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tài liệu này lưu ý rằng, Nga có sự kết hợp độc đáo giữa vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật, nhờ đó Nga có khả năng sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt trong các cuộc xung đột toàn cầu và khu vực.
Tại sao phải có phiên bản cập nhật
NPR vạch ra kế hoạch hiện đại hóa tất cả các thành phần của bộ ba hạt nhân.
Trước hết - tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Vấn đề là ở chỗ: không giống như Nga, Hoa Kỳ không có hệ thống ICBM di động. Tất cả các lực lượng hạt nhân trên mặt đất đều là LGM-30 Minuteman III phóng từ giếng phóng trên đất liền của Mỹ.
Và các tên lửa đang già đi nhanh chóng - chúng được đưa vào trang bị năm 1970. Tạp chí Time chỉ ra rằng, "tất cả các tên lửa ICBM đều có sức mạnh xử lý kém hơn điện thoại thông minh trong túi của bạn". Điều này giải thích tại sao có những vấn đề với việc phóng thử tên lửa này. Kể từ năm 2011, ba cuộc thử nghiệm đã không thành công và một cuộc thử nghiệm thành công một phần.
Việc bảo trì 400 quả tên lửa tiêu tốn một khoản tiền khá lớn: trong hơn nửa thế kỷ, chi phí hàng năm đã tăng 17%, ngày nay tổng số tiền là 482 triệu USD.
Đã có những đề xuất loại bỏ các tên lửa ICBM đặt trên silo khỏi bộ ba hạt nhân. Các chuyên gia đã lập luận rằng, hầm chứa cố định dễ bị bắn trúng hơn nhiều so với máy bay chiến lược và tàu ngầm tên lửa. Tuy nhiên, Washington vẫn quyết định nâng cấp các tên lửa ICBM trong bối cảnh Trung Quốc đang phát triển thành phần này.
Mỹ chọn biện pháp nạp tên lửa LGM-35 Sentinel do Northrop Grumman phát triển bên trong các hầm chứa cũ của tên lửa Minuteman III. Chương trình có quy mô lớn - 400 tên lửa, 450 hầm chứa và hơn 600 cơ sở với tổng diện tích 82,6 nghìn km2. Ngân sách là 96 tỷ USD, theo Bloomberg. Tổng cộng, Lầu Năm Góc dự định mua 659 quả tên lửa, trong đó có 25 quả để thử nghiệm.
Theo kế hoạch, Sentinel sẽ được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu vào tháng 5/2029. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cơ quan Kiểm toán nhà nước Hoa Kỳ (GAO), thời hạn đã bị hoãn lại đến tháng 4 đến tháng 6 năm 2030.
"Sentinel chậm tiến độ do thiếu nhân sự và chế độ bảo mật tại các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Ngoài ra, còn có sự gián đoạn chuỗi cung ứng", - các tác giả của báo cáo giải thích.
Lầu Năm Góc không loại trừ khả năng gia hạn thêm thời gian thực hiện kế hoạch này.
Vào tháng 4, Hoa Kỳ thông báo rằng, B-52J sẽ trở thành lực lượng tấn công chiến lược cốt lõi của không quân Mỹ. Nó sẽ được trang bị động cơ Rolls-Royce F130, radar mới, thiết bị liên lạc và định vị hiện đại.
Ở đây cũng vậy, không phải mọi thứ đều suôn sẻ. Mỹ đã có kế hoạch trang bị tên lửa siêu vượt âm AGM-183 ARRW cho B-52J, nhưng chương trình này đã bị đóng lại sau một loạt các cuộc thử nghiệm thất bại. Và họ đang tìm kiếm những phương án khác.
Theo tạp chí Air and Space Forces Magazine, B-52J sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối thập kỷ này.
Lầu Năm Góc cũng muốn mua những chiếc B-21 Raider của Northrop Grumman để thay thế các máy bay ném bom B-2 Stealth. B-21 Raider được gọi là máy bay thế hệ thứ sáu đầu tiên trên thế giới.
Lầu Năm Góc đã đặt mua khoảng một trăm chiếc. Chi phí của chương trình là 80 tỷ USD. Như các nhà sản xuất đảm bảo, giá của mỗi chiếc B-21 Raider vào khoảng 692 triệu USD - rẻ hơn nhiều so với B-2 ("Stealth" có giá gần hai tỷ USD). Nhưng vẫn đắt hơn kế hoạch ban đầu - 550 triệu USD.
Chuyên gia phân tích quân sự Vladimir Korovin từ Trung tâm nghiên cứu Quân sự và Chính trị thuộc Viện Quan hệ quốc tế Quốc gia Moscow (MGIMO), giải thích: “B-21 có tải trọng chiến đấu yếu hơn, nó nhẹ hơn và nhỏ hơn, vì thế vẫn còn quá sớm để nói về hiệu quả của nó. Có lẽ các nhà phát triển đã tìm cách giảm chi phí bảo trì: như ta đã biết, một giờ bay của B-2 đòi hỏi hàng trăm giờ bảo trì”.
Hoa Kỳ sẽ đưa sản phẩm mới này vào trang bị năm 2025-2027. Tuy nhiên, các nhà phân tích coi điều này là quá lạc quan - máy bay vẫn chưa cất cánh. Theo kế hoạch, nó sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên trong năm nay. Lầu năm góc chưa thông báo thời điểm cụ thể.
Các tàu ngầm chiến lược mang theo khoảng 70% tổng số vũ khí hạt nhân của Mỹ. Các tàu ngầm lớp Ohio sẽ được thay thế bằng tàu ngầm lớp Columbia. Chúng sẽ mang tên lửa xuyên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) UGM-133A Trident II đã được triển khai hoạt động trong lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Mỹ từ năm 1990.
Hải quân có kế hoạch đóng tổng cộng 12 tàu ngầm lớp Columbia - một chiếc cứ sau 12 tháng, đến năm 2031. Tàu có niên hạn sử dụng 42 năm. Không giống như Ohio, tàu ngầm lớp Columbia có thiết kế lò phản ứng hạt nhân đặc biệt và không bao giờ cần tiếp nhiên liệu trong suốt vòng đời của nó.
Số lượng hầm phóng tên lửa sẽ giảm một phần ba - từ 24 xuống còn 16. Theo Naval Technology, tổng ngân sách là 132 tỷ USD.
Lễ khởi công đóng tàu USS District of Columbia (SSBN 826) đã diễn ra vào tháng 6 năm ngoái. Vào tháng Giêng, các chuyên gia GAO đã lưu ý rằng, các công việc bị trì hoãn do những vấn đề trong thiết kế và thiếu vật liệu. Do đó, cần phải chuyển nguồn nhân lực từ một dự án đầy tham vọng khác - tàu ngầm lớp Virginia. Các chuyên gia cảnh báo rằng, điều này có thể làm tăng chi phí của chương trình "Columbia".
Tuy nhiên, Washington hy vọng sẽ đổi mới hoàn toàn tất cả các phần của bộ ba hạt nhân vào đầu những năm 2030. Họ giải thích rằng, đây là do mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc. Nhưng, cả Matxcơva và Bắc Kinh cũng như tất cả các nước khác trên hành tinh không có chi tiêu lớn như vậy cho vũ khí hủy diệt hàng loạt.