Làm chủ công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Chỉ tốn vẻn vẹn 400 triệu đồng, nhưng sau 15 tháng áp dụng sáng chế Dây chuyền băm ngô và rơm tự động đã giúp Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH tiết kiệm đến 29 tỷ đồng chi phí sản xuất. Đáng nói, sáng chế này do kỹ sư của chính Tập đoàn TH chế tạo.
Xét về tính năng, dây chuyền băm ngô và rơm tự động còn vượt trội hơn những máy móc nhập khẩu từ Mỹ và Châu Âu. Sáng chế này đã đạt giải Nhì Lễ trao giải Sáng tạo Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An (2020).
Đây chỉ là hai trong nhiều máy móc mà nhóm kỹ sư Bộ phận Kỹ thuật Thiết bị - Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH (Tập đoàn TH) chế tạo suốt nhiều năm qua. Trên những cánh đồng mênh mông của TH, có thể dễ dàng bắt gặp những cỗ máy thông minh đang gieo hạt, thu hoạch; những cánh tay tưới khổng lồ gây ấn tượng mạnh mẽ lần đầu xuất hiện tại Việt Nam.
Cụm trang trại của Tập đoàn TH ở Nghệ An (Việt Nam)
© Ảnh : TH Group
Dự án sữa tươi sạch của TH ứng dụng công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động, công nghệ thông tin được triển khai trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng công nghệ và khoa học cao, mang lại lợi ích cho công ty và xã hội, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Những sáng chế đầu tiên và duy nhất
Kế thừa những tinh hoa công nghệ đầu cuối của thế giới, Tập đoàn TH có chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ”, phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, sáng tạo những sản phẩm công nghệ áp dụng hiệu quả vào sản xuất bằng chính trí tuệ Việt Nam.
Mới đây, “Hệ thống robot gắp bịch và đóng thùng tự động” do nhóm kỹ sư thuộc Tập đoàn TH sáng chế vừa được trao giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam – WIPO 2022.
Hệ thống công nghệ cao do kỹ sư củaTập đoàn TH sáng chế
© Ảnh : TH Group
Phóng viên Hãng Thông tấn Sputnik đã có cuộc trò chuyện với đại diện nhóm kỹ sư sáng chế của Công ty Cổ phần Chuỗi Thực phẩm TH (thành viên Tập đoàn TH) và lắng nghe những chia sẻ về định hướng, tư duy chiến lược của công ty này. Bởi đây là sáng chế đầu tiên và duy nhất xuất hiện tại Việt Nam cũng như trên thế giới, không chỉ có ý nghĩa về mặt công nghệ, kinh tế đối với đối với doanh nghiệp, mà còn là bước tiến khẳng định thương hiệu “Make in Vietnam” vươn tầm quốc tế.
Sputnik: Thưa ông Cao Minh Hòa, xin ông cho biết, sáng chế Robot gắp bịch và đóng thùng tự động đã đem đến hiệu quả thế nào cho doanh nghiệp?
Ông Cao Minh Hòa – Giám đốc Kỹ thuật Nhà máy sữa tươi sạch TH true MILK:
Mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã và đang trở thành hình mẫu cho nông nghiệp tri thức của thế kỷ 21. Không chỉ tiên phong trong triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để cho ra đời dòng sữa tươi sạch chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, TH còn chủ động nắm giữ chiếc "chìa khóa vàng" này để từ đó vươn rộng hơn, xa hơn, đánh thức các vùng đất khó, nhân rộng bản đồ sữa Việt Nam. Định hướng chiến lược đó thấm nhuần vào tinh thần của mỗi người lao động TH. Sáng chế Robot gắp bịch, đóng thùng tự động không nằm ngoài tinh thần đó. Tất cả đã được anh em kỹ sư tính toán đem đến những hiệu quả thiết thực nhất.
Cụm trang trại của Tập đoàn TH ở Nghệ An (Việt Nam)
© Ảnh : TH Group
Về mặt con người: Dự án nhằm lan tỏa tinh thần và đam mê lao động sáng tạo cho cán bộ công nhân viên tập đoàn TH nói riêng và kỹ sư Việt Nam nói chung. Đây cũng là một bước tiến khẳng định thương hiệu Made in Vietnam, tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo, nhằm giữ chân và thu hút nhân tài, phát triển đất nước. Thay vì tìm kiếm những chân trời xa xôi, chúng tôi muốn nói rằng, ngay tại Việt Nam, bất cứ ai đam mê khoa học, đam mê lao động cũng có những cơ hội sáng tạo, bứt phá, hướng đến mục tiêu phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, đưa Việt Nam vượt lên sánh vai với quốc tế. Đó chính là sự tự tôn dân tộc. Thông qua các dự án như thế này, chúng tôi cũng nhằm đào tạo huấn luyện, nâng cao kỹ năng và phát triển đội ngũ.
Về mặt kỹ thuật và công nghệ: Sáng chế Robot gắp bịch và đóng thùng tự động được nhóm kỹ sư ứng dụng các công nghệ như công nghệ vật liệu, công tự động hóa… để chế tạo ra một hệ thống tự động hoàn toàn và áp dụng vào thực tiến sản xuất. Hệ thống này không chỉ sử dụng riêng cho ngành sữa mà còn ứng dụng được trong các ngành khác.
Về mặt kinh tế: Căn cứ vào thực tế đang áp dụng sản xuất trên dây chuyền Sữa tươi tiệt trùng AL11 tại nhà máy sữa TH MILK từ tháng 9/2022 đến nay, có thể khẳng định hệ thống hoạt động rất ổn định và đem đến những hiệu quả kinh tế cụ thể. Hệ thống đã giúp giảm chi phí đầu tư cho nhà máy khoảng gần 12 tỷ đồng, giảm 20 nhân công trên dây chuyền, và chi phí làm lợi hằng năm khoảng 1,5 tỷ đồng.
Sputnik: Ngoài sáng kiến “Hệ thống robot gắp bịch và đóng thùng tự động”, Nhà máy sữa TH true MILK còn có những sản phẩm kỹ thuật nào do đội ngũ kỹ sư của mình nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất? Trong tương lai, những hệ thống kỹ thuật này có được ứng dụng trong hệ thống dây chuyền sản xuất tại Nga?
Ông Cao Minh Hòa – Giám đốc Kỹ thuật Nhà máy sữa tươi sạch TH true MILK:
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hàng trăm sáng kiến lớn và nhỏ đã được áp dụng tại nhà máy sữa. Có thể kể đến một số sáng kiến tiêu biểu như: Khuôn tạo nắp, khi đưa vào áp dụng đã giúp tiết kiệm chi phí vận hành hằng năm đến 4,2 tỷ; hoặc sáng kiến Máy cấp thìa tự động, tự động cấp thìa cho các thùng sữa chua. Với các sản phẩm sữa chua ăn nói chung và sữa chua ăn TH True Yogurt nói riêng, thì trước đây, thìa ăn phải để riêng bên ngoài; còn bây giờ sữa chua của chúng tôi đã được kèm thìa trong từng thùng sản phẩm. Đây cũng là một sáng chế khoa học đầu tiên tại Việt Nam và thế giới, đã đạt giải nhất hội thi khoa học kỹ thuật tỉnh Nghệ An Năm 2021. Hiện, chúng tôi đang áp dụng hai máy này trên hai dây chuyền, tiết kiệm chi phí vận hành hàng năm hơn 700 triệu đồng mỗi máy.
Hệ thống công nghệ cao do kỹ sư củaTập đoàn TH sáng chế
© Ảnh : TH Group
Ngoài ra, chúng tôi còn có sáng kiến Hệ thống cân thùng tự động, Chế tạo bơm dịch Socola, Chế tạo máy bỏ thẻ, Chế tạo hệ thống thu hồi nước, Chế tạo stream trap hơi, Hệ thống xử lý ảnh X- Hệ thống xử lý ảnh với công nghệ xử lý ảnh thông minh do kỹ thuật nghiên cứu và ứng dụng vào dây chuyền với các nhiệm vụ như: phát hiện thiếu gói thìa trong thùng sữa chua ăn, phát hiện indate bị nhòe trên hộp sữa, phát hiện lốc sữa bị thiếu hộp, phát hiện sai nhãn thân…
Hầu hết các sáng kiến khi đưa vào áp dụng đều làm lợi bằng việc tiết kiệm chi phí vận hành hằng năm lên đến hàng trăm triệu đồng và có thể áp dụng được cho các nhà máy khác. Trong tương lai, những sáng kiến này có áp dụng cho nhà máy tại Nga hay không thì còn tùy vào thực tế để có hiệu quả tối ưu.
Khát vọng làm chủ công nghệ sản xuất
Sputnik: Để tạo nên sáng kiến ứng dụng thiết thực vào sản xuất, nhóm nghiên cứu đã trải qua khó khăn và thách thức nào? Những mục tiêu tiếp theo của nhóm nghiên cứu là gì?
Ông Cao Minh Hòa – Giám đốc Kỹ thuật Nhà máy sữa tươi sạch TH true MILK:
Một số thách thức có thể kể đến, đầu tiên là về vấn đề nhân lực. Chúng tôi vừa phải tập trung tìm tòi nghiên cứu, thiết kế chế tạo để hoàn thành dự án đúng tiến độ, vừa phải đảm bảo cho nhà máy với gần 30 dây chuyền hoạt động sản xuất ổn định. Đây là dự án có tính chất về công nghệ rất cao, đòi hỏi đội ngũ phải có kiến thức sâu và rộng về nhiều lĩnh vực như Cơ khí chính xác, Công nghệ vật liệu, Tự động hóa, Công nghệ thông tin, Công nghệ xử lý ảnh, Robot…
Hệ thống công nghệ cao do kỹ sư củaTập đoàn TH sáng chế
© Ảnh : TH Group
Những công nghệ nói trên cũng là thách thức đối với đội ngũ anh em kỹ sư, nhất là khi hướng tới mục tiêu sáng tạo một hệ thống đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Sáng chế Robot gắp bịch và đóng thùng cần tìm tòi, tích hợp các công nghệ như Công nghệ chế tạo robot Delta chỉ có một số hãng lớn của nước ngoài làm chủ như ABB, Omron,… Để chế tạo thành công robot, chúng tôi phải nghiên cứu kỹ , phân tích sâu và làm chủ thuật toán điều khiển, công nghệ vật liệu, cơ khí chính xác … Cũng trong dự án này hệ thống vào bìa lót trong thùng cũng là duy nhất trên thế giới vì chạy theo yêu cầu riêng của nhà máy sữa TH, nên cũng mất rất nhiều công sức nghiên cứu thiết kế và chế tạo.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng gặp khó khăn vì một số tiêu chuẩn về chế tạo và tiêu chuẩn vật liệu tại Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu.
Cuối cùng, chúng tôi cũng phải nỗ lực hạn chế tối đa lỗi sai, buộc phải thực hiện thật tỉ mỉ, tốn thời gian hơn nhằm tiết kiệm kinh phí, tránh gây lãng phí vì nguồn tài chính dành cho việc nghiên cứu không chuyên khá là hạn chế.
Sputnik: Như ông chia sẻ, trong những năm qua, TH đã từng bước tiên phong làm chủ công nghệ ứng dụng vào sản xuất. Vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò của những sáng kiến “Make in Vietnam” của Nhà máy sữa TH true MILK trên tiến trình đó?
Ông Cao Minh Hòa – Giám đốc Kỹ thuật Nhà máy sữa tươi sạch TH true MILK:
Nhà máy sữa TH true MILK thuộc Công ty Cổ phần sữa TH – Tập đoàn TH - là một trong những nhà máy sữa hiện đại bậc nhất Đông Nam Á với công suất lên đến 1200 tấn/ngày, hơn 30 dây chuyền các loại (Processing and Filling packing ). Ở đây, với sự dẫn dắt của Nhà sáng lập – Anh hùng Lao động Thái Hương, chúng tôi áp dụng những công nghệ đầu cuối của thế giới. Những dây chuyền của nhà máy được cung cấp bới các hãng lớn hàng đầu trên thế giới trong ngành F&B như GEA, JBT,Tetra Pak, Teknoice, Serac, Sacmi, SIG, IMA, BOSC... Nhiều chủng loại máy móc và công nghệ thay đổi liên tục luôn là thách thức lớn với đội ngũ kỹ thuật. Tuy nhiên, chúng tôi xác định công nghệ là yếu tố then chốt, nắm bắt và làm chủ công nghệ là nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp. Từ thời điểm ban đầu gần như chúng tôi phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài, đến nay chúng tôi đã làm chủ hoàn toàn các công nghệ và dây chuyền sản xuất.
TH đã và đang tiến những bước vững chắc trong nước cũng như quốc tế, đưa ly sữa Việt Nam ra thế giới, đúng như lời khẳng định của Anh hùng Lao động Thái Hương - Nhà sáng lập Tập đoàn TH – người tiên phong lựa chọn công nghệ đầu cuối của thế giới để làm nên cuộc cách mạng sữa tươi sạch tại Việt Nam.
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Sputnik!