Trong cuộc phỏng vấn với "Sputnik Việt Nam", ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại LB Nga, Tổng Giám đốc Công ty "Mareven Food Central", một công ty đang hoạt động hiệu quả trên thị trường thực phẩm Nga, nói lên ý kiến của mình về các chủ đề đã được nêu ra trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov.
Về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik Việt Nam, ông Đỗ Xuân Hoàng nhận xét rằng, việc gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nga là một nhiệm vụ khả thi. Đặc biệt sau khi ký kết thỏa thuận về Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Nga cũng như các quốc gia khác thành viên EAEU. Việc giảm thuế, thậm chí giảm thuế xuống 0%, loại bỏ các rào cản hành chính và quan liêu tồn tại từ trước là một xu hướng rất tích cực. Bây giờ điều kiện thương mại giữa Việt Nam và Nga là tốt hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đúng như cả hai bên đã nhấn mạnh trước khi ký kết thỏa thuận, không nên chờ đợi một bước nhảy vọt sớm xảy ra trong ngành thương mại. Sự gia tăng sẽ có, nhưng, sau một thời gian. Phải có thời gian để cả hai bên nhận thức được đầy đủ về những lợi thế của Hiệp định thương mại tự do.
Các doanh nhân Việt Nam và Nga nên nghiên cứu thị trường của nhau kỹ lưỡng hơn
Theo ông Đỗ Xuân Hoàng, công việc này là rất cần thiết để thu thành công trong kinh doanh. Đáng tiếc, ở cả Việt Nam và Nga nhiều người vẫn có quan niệm cũ về đất nước và thị trường của nhau. Ví dụ, nhiều người Nga vẫn coi Việt Nam như một đất nước bị phá hủy bởi sự xâm lược của Mỹ. Và ở Việt Nam, nhiều người cho rằng, Nga vẫn chưa khắc phục được những hậu quả kinh tế sau sự sụp đổ của Liên Xô. Cả hai quan niệm đều là sai lầm, và điều đó không tạo điều kiện thuận lợi để khởi tạo một doanh nghiệp. Điều đáng mừng là trong những năm gần đây, giới doanh nhân của Việt Nam và Nga bắt đầu từ bỏ những quan niệm lỗi thời. Ví dụ, những phái đoàn thương mại và kinh tế Việt Nam thường xuyên hơn đến thăm Nga. Điều đáng chú ý là trước đây trong thành phần các đoàn đại biểu chủ yếu có các quan chức và thủ trưởng của các doanh nghiệp nhà nước lớn, còn bây giờ trong thành phần các phái đoàn có đại diện của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Về vai trò quan trọng của doanh nghiệp vừa và nhỏ
Theo ông Đỗ Xuân Hoàng, đến nay mối quan hệ kinh tế — thương mại giữa Việt Nam và Nga chủ yếu dựa vào nền tảng cũ: ngành chế tạo máy và ngành dầu khí cũng như một số lĩnh vức khác có liên quan đến các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, nếu không làm việc cho thị trường đại chúng — mà đây chính là nhiệm vụ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ — thì không thể mơ ước về việc gia tăng đáng kể kim ngạch thương mại. Trong thế kỷ XXI yếu tố then chốt của sự thành công là đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Cả Việt Nam và Nga đều có nhu cầu về hàng tiêu dùng sản xuất ở hai nước. Nhưng, khối lượng xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng vẫn còn nhỏ. Ví dụ, ở Nga hiện có rất nhiều sản phẩm bánh kẹo ngon, không thua kém đồ ngọt thời Xô Viết mà những người Việt Nam cao tuổi vẫn còn nhớ. Nhưng, những sản phẩm này không được quảng cáo đầy đủ ở Việt Nam. Song, điều đáng mừng là, vào năm ngoái xe "địa hình" của Nga "UAZ" bắt đầu được quảng cáo kịp thời một cách văn minh trên thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam nên mở nhiều văn phòng đại diện tại Nga, nhờ đó họ sẽ có thêm sự hiểu biết về những mặt hàng mà người mua có nhu cầu. Phía Việt Nam nên bạo dạn hơn để khám phá nước Nga mới. Một ví dụ tuyệt vời là dự án của TH True Milk, công ty đã đến Nga với dự án đầy tham vọng nhưng thực tế và những khoản đầu tư khổng lồ.
Pháp luật thuế của Nga tự do hơn so với các nước phương Tây
Theo ông Đỗ Xuân Hoàng, Nga đã tạo ra điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trong luật thuế và luật đầu tư của Nga không có sự phân biệt giữa doanh nhân trong nước và nước ngoài. Về nhiều mặt, luật pháp của Nga là dân chủ hơn so với các nước phương Tây, nơi có những hạn chế nghiêm trọng trong đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, các doanh nhân Việt Nam ở Nga không cần đến sự hỗ trợ đặc biệt nào. Họ chỉ cần nghiên cứu kỹ lưỡng pháp luật Nga và phương pháp thực hiện kế hoạch kinh doanh. Chính quyền Nga đã thực hiện rất nhiều cải thiện trong hệ thống tư pháp, để tăng cường bảo vệ tài sản. Không ngẫu nhiên mà trong các báo cáo thường niên "Doing Business" (quốc gia dễ dàng nhất để hoạt động kinh doanh) của Ngân hàng Thế giới, vị trí của Nga thường xuyên tăng lên. Trong năm 2016, Nga đã đứng thứ 51 trong số 189 quốc gia, trong năm 2017 — xếp hạng 40, và năm 2018 — lên vị trí 35.