Lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết, cơ quan hải quan không yêu cầu doanh nghiệp phải nộp bất kỳ khoản tiền nào ngoài quy định.
Công an chưa phát hiện có tiêu cực ở cửa khẩu Chi Ma
Mới đây, người dân tại Việt Nam xôn xao về thông tin phản ánh việc nhiều doanh nghiệp chuyên vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam qua cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) khốn khổ trước nạn phải chi tiền làm luật với một nhóm đối tượng có dấu hiệu bảo kê để có thể làm ăn dễ dàng.
Nhóm này yêu cầu chủ doanh nghiệp đóng tiền làm luật hàng chục triệu đồng/chuyến hàng. Số tiền này được nhóm làm luật "chung chi" với một số đơn vị chức năng ở cửa khẩu. Doanh nghiệp nào không chịu được mức chi “khủng” thì đành bỏ nghề…
Lực lượng BĐBP cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) kiểm tra giấy tờ lái xe chở hàng hóa trong khu vực cửa khẩu.
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Quang Duy
Tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2023 do UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức mới đây, Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngay sau khi có phản ánh về vụ việc, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ Công an cũng yêu cầu Công an tỉnh Lạng Sơn khẩn trương tổ chức xác minh, tham mưu cho UBND tỉnh xử lý (nếu có vi phạm).
Đại tá Tuấn cho hay, trong và sau khi thông tin về việc "làm luật" tại cửa khẩu Chi Ma được báo chí đăng tải, hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu này vẫn diễn ra bình thường.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và các lực lượng chức năng (bao gồm cả công an) cũng chưa nhận được phản ánh nào của người dân, doanh nghiệp về sự phiền hà, tiêu cực tại đây.
Bước đầu xác minh, Công an tỉnh Lạng Sơn khẳng định không có nhóm đối tượng nào bảo kê, chèn ép các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, buộc doanh nghiệp phải "làm luật" để được thông quan như báo chí phản ánh tại cửa khẩu Chi Ma.
Theo ông Tuấn, trung bình mỗi ngày tại cửa khẩu Chi Ma có từ 40 đến 50 xe hàng hóa nhập khẩu được thông quan theo quy định, cơ quan chức năng hiện chưa phát hiện có tiêu cực.
Tuy nhiên, Công an Lạng Sơn ghi nhận có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bến bãi theo hướng, bến bãi nào cũng muốn hàng hóa vào bãi của mình nhiều hơn dẫn đến việc đố kỵ, nói xấu hạ uy tín của bến bãi khác. Khu vực cửa khẩu Chi Ma hiện có 8 bãi tập kết hàng hóa và 3 kho ngoại quan.
"Công an Lạng Sơn đang chỉ đạo tiếp tục xác minh triệt để và sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm (nếu có) với tinh thần không có vùng cấm, cho dù đó là bất kể tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nào", Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn khẳng định.
Hải quan không yêu cầu doanh nghiệp nộp tiền ngoài quy định
Về phần mình, ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, cho biết ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh báo chí, Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma đã họp lãnh đạo Chi cục, lãnh đạo tổ, đội và thành lập tổ xác minh thông tin, làm rõ các thông tin và nội dung liên quan.
Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma cũng làm việc với một số doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục hải quan qua chi cục, các doanh nghiệp quản lý bến bãi, kho hàng.
Đồng thời, thực hiện xác minh các đối tượng có tên như báo chí đăng tải, lập biên bản ghi nhận sự việc để làm căn cứ báo cáo Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn biết và chỉ đạo.
Trong quá trình làm thủ tục hải quan qua cửa khẩu Chi Ma, các doanh nghiệp thực hiện việc khai báo hải quan đúng theo các quy định của pháp luật.
Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma cũng làm các thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan theo đúng quy định, tạo mọi điều kiện thông quan nhanh hàng hóa, không đòi hỏi, sách nhiễu doanh nghiệp.
Ông Vy Công Tường khẳng định, cơ quan hải quan không yêu cầu doanh nghiệp phải nộp bất kỳ khoản tiền nào ngoài quy định.